Bác bỏ các luận điệu phủ nhận kết quả thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam

Tiến bộ và công bằng xã hội là ước mơ, khát vọng của loài người trong tiến trình phát triển của lịch sử xã hội. Đây cũng là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Trong bài viết: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, bất mãn lại luôn tìm mọi cách để phủ nhận điều đó. Bằng việc tạo dựng, thu nhập những hình ảnh, chứng cứ về những hạn chế, tiêu cực trong xã hội, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật ở một vài địa phương, tổ chức, cá nhân, nhất là cuộc sống còn gặp khó khăn của một bộ phận nhân dân, những người nghèo, vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo …, các thế lực phản động, thù địch đã tự vẽ ra viễn cảnh của một Việt Nam “thụt lùi”, không có “dân chủ”, “nhân quyền”. Chúng rêu rao, Đảng, Nhà nước ta không hề quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của người dân, thậm chí “bỏ mặc”, “tàn ác” với nhân dân, “tàn phá” đất nước để mưu lợi cá nhân. Từ đó “tưởng tượng” ra những thứ “tự do” không có cả trên thiên đàng và hiện thực, cuộc sống “không làm mà vẫn có ăn”, sống sung sướng ở phía chân trời mới, xứ sở văn minh là các nước tư bản chủ nghĩa. Không những thế các thế lực phản động, thù địch còn không ngừng tuyên truyền, kích động tư tưởng chống đối, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Và thực tế đã có không ít người tin, thực hiện theo những luận điệu sai trái đó, làm những việc của một kẻ “Việt gian” thời kỳ mới, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, để lại nỗi ô nhục, xấu hổ cho chính quê hương, gia đình, người thân, bè bạn của mình. Cũng có người đã “tỉnh ngộ”, dù là sớm hay muộn song cũng đều khẳng định rằng, chẳng ở nơi đâu bình yên, sống tự do, hạnh phúc như nơi chôn nhau cắt rốn, trên quê hương Việt Nam. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thực tiễn, những thành tựu về tiến bộ và công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu đó.

Về thực hiện mục tiêu giảm bất bình đẳng, theo Ngân hàng thế giới, mức độ bất bình đẳng thu nhập của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của các nước trong cùng nhóm thu nhập trung bình thấp. Sự phân phối thu nhập của Việt Nam vẫn trong ngưỡng khá an toàn, so với các nước cùng khung thu nhập. Ngoài ra, sự bất bình đẳng về thu nhập tại Việt Nam cũng thấp hơn so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Maylaisia và Thái Lan, và cao hơn Hàn Quốc.

Về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều của Việt Nam cũng giảm từ 9,9% năm 2015 xuống 9,2% năm 2016 và xuống còn dưới 7% năm 2017, còn khoảng dưới 3% vào năm 2020; trong đó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo cũng được cải thiện như: tiếp cận bảo hiểm y tế tăng 11,7%, sử dụng dịch vụ viễn thông tăng 5,2%. Thành tựu đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá là một trong các nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất, trong thực hiện Tám Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm được giữ ở mức thấp và có xu hướng giảm dần. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị giảm dần, từ 4,3% năm 2010 xuống còn khoảng 3,1% năm 2019, riêng năm 2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19 tỉ lệ lao động mất việc làm, thất nghiệp gia tăng, đây là tình hình chung của nhiều nước trên thế giới. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 60,9% năm 2010 lên 90,7% vào năm 2020. Theo Tổ chức y tế thế giới, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đạt 76,3 tuổi, số năm sống khỏe sau tuổi 60 đạt 17,2 năm, đứng thứ 42/183 nước.

Việt Nam đã có những nỗ lực rất mạnh mẽ trong việc đảm bảo bình đẳng giới. Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia Quốc hội nhiệm kỳ 2016 – 2021 đạt 26,72%, tăng hơn nhiệm kỳ trước tới 2,62%. Tỷ lệ đại biểu nữ tham gia vào Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tăng từ 21,57% trong nhiệm kỳ 1999 – 2004 lên 26,54%, cấp huyện đạt 27,85%, cấp xã cũng tăng mạnh lên 26,59% vào nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2016 – 2021. Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 25%.

Với mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên trên cả nước đã tăng rõ rệt. Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các chương trình về xóa mù chữ. Năm 2016, ước tính tỷ lệ nam giới biết chữ là 96,6% trong khi tỷ lệ này ở nữ giới đã lên tới 93,5% và dự kiến đến năm 2030, khoảng cách này sẽ càng thu hẹp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cũng có xu hướng tăng đều qua các năm.

Như vậy, từ quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đến kết quả thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đã khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội mà chúng ta đã và đang xây dựng, chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng là xã hội tương lai mà nhân loại tiến bộ hướng tới. Mọi âm mưu, hành động xuyên tạc, phủ nhận hiện thực sinh động đó đều là vô nghĩa, cần phải bị vạch trần, lên án và đấu tranh bác bỏ./.

(Nhanvanviet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.