TỰ HÀO VIỆT NAM!

Mặc cho những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch và phần tử xấu, ngày 11/10/2022, tại phiên họp hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 77 tại New York ( Mỹ), Việt Nam đã hiên ngang trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam vinh dự đảm nhận trọng trách này tại Liên hợp quốc ( Lần thứ nhất Việt Nam trúng cử nhiệm kỳ 2014-2016).

Với sự tin tưởng, công nhận, các quốc gia thành viên đã bỏ phiếu bầu Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là minh chứng hùng hồn, trực tiếp bác bỏ, phủ nhận những luận điệu lạc lõng của các thế lực xấu luôn tìm mọi cách xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam, lu loa cho rằng Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Sự công nhận của cộng đồng quốc tế còn là minh chứng cho tính đúng đắn, sự kiên định lập trường quan điểm của Đảng và Nhà nước ta vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân”. Đảng, nhà nước luôn lấy sự bình yên và hạnh phúc của nhân làm thước đo cho sự phát triển của đất nước, không chạy theo sự phát triển đơn thuần về kinh tế, luôn lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Phương châm, cách thức chống đại dịch Covid-19 vừa qua của Việt Nam với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc vì sức khỏe, sự an toàn của người dân là “trên hết, trước hết” là minh chứng sống động, đầy tính nhân văn, ưu việt của chế độ ta- chế độ luôn quan tâm đến quyền con người.

Với phương châm, quan điểm về quyền con người không phải bằng hô khẩu hiệu suông mà quyền con người phải được pháp luật bảo vệ và thực thi trong hiện thực cuộc sống, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã giành hẳn một chương (chương II) với 36 Điều để quy định về quyền con người với nhiều nhận thức mới, phù hợp với tập quán, luật pháp quốc tế cả về nội dung và cách thể hiện. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để cụ thể hóa bằng nhiều quy định pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đồng thời cũng là căn cứ quan trọng để Việt Nam tích cực. chủ động tham gia ký kết, thực hiện có trách nhiệm các Điều ước quốc tế về quyền con người. Là một đất nước trải qua sự tàn phá khốc liệt của của chiến tranh, song với khát vọng cháy bỏng để đưa đất nước phát triển, thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, nâng cao đời sống Nhân dân, để người dân “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu từng mơ ước. Đảng, Nhà nước ta đã lãnh đạo Nhân dân bằng nhiều chủ trương, chính sách đột phá, đổi mới, phù hợp với thực tiễn đất nước và tình hình quốc tế, khu vực, đã đưa Đất nước không ngừng phát triển, sánh vai với bạn bè quốc tế. “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, đời sống của đại đa số người dân này càng phát triển, nâng cao, các quyền cơ bản của người dân ngày càng được bảo đảm, phát huy, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do báo chí…đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

​Sự kiện Việt Nam trúng cử lần thứ hai là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và thực tiễn về những thành tựu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quyền con người của Đất nước, một lần nữa Việt Nam khẳng định mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về tính ưu việt của con đường mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã lựa chọn nhằm xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, để tất cả chúng ta ai cũng tự hào về hai tiếng VIỆT NAM!

DUY QUANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.