Theo Báo điện tử VnExpress (ngày 18/2), vừa qua, trong buổi chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ sơ bộ về dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025. Theo đó, cùng với toán, văn và ngoại ngữ, lịch sử sẽ trở thành 1 trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT. Đây là tin vui thứ hai sau tám tháng đối với những người yêu lịch sử nói chung và môn học lịch sử nói riêng, khi trước đó, ngày 16/6/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 3 với nhiều vấn đề quan trọng được quyết định, trong đó lịch sử là môn học bắt buộc đối với học sinh trung học phổ thông.
Có thể khẳng định, đây là những quyết định hợp lòng dân của Quốc hội và Ngành Giáo dục – đào tạo. Bởi tất cả các bậc phụ huynh trước đó đều lo lắng khi môn học Lịch sử bị xem nhẹ, điều đó đồng nghĩa những đứa trẻ của chúng ta sẽ không hiểu biết đầy đủ về lịch sử nước nhà và khi mất gốc như vậy, những đứa trẻ sẽ mất đi niềm tự hào về đất nước, về dân tộc mình. Chúng ta biết rằng, lịch sử là môn học đặc biệt, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại. Lứa tuổi trung học phổ thông (từ 15 đến 17 tuổi) cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.
Lịch sử dân tộc Việt Nam rất hào hùng, nó được viết bằng máu của các thế hệ người Việt Nam, chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ. Là sợi dây kết nối tiếng vọng ngàn xưa với hơi thở của thời đại. Lịch sử sẽ nuôi dưỡng tinh thần yêu nước thương nòi, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên của người Việt Nam. Có thể quên gì chứ không thể quên lịch sử! Lãng quên lịch sử, hiểu mù mờ, hiểu sai lịch sử thì tương lai cũng chỉ còn là một thứ vô định!
Do đó, giáo dục lịch sử phải được đặc biệt coi trọng. Những sai lầm về đường lối, chính sách giáo dục không gây thiệt hại bằng con số thống kê vật chất cụ thể, mà bằng tương lai, cơ đồ, văn hoá dân tộc của chúng ta sau này. Bởi, những kẻ “lật sử”, cơ hội chính trị sẽ tha hồ suy diễn, xuyên tạc, bôi đen lịch sử và lúc đó không biết điều gì sẽ xảy ra với lịch sử hào hùng của dân tộc chúng ta, khi tội đồ của dân tộc có thể được hô biến thành vĩ nhân, anh hùng dân tộc và ngược lại.
Vì vậy, với việc môn lịch sử được đặt đúng vị trí của mình trong giáo dục, học hành, thi cử, chúng ta có thể khẳng định thêm một lần nữa, đây là những quyết định rất hợp lòng dân của Quốc hội, của Ngành Giào dục – đào tạo; và cũng là câu trả lời đanh thép cho những kẻ chống phá, những trí thức tự nhận mình là “cấp tiến” mang danh các nhà giáo dục “tiên tiến” đang có âm mưu “lật sử”, “tẩy trắng” lịch sử nhằm đạt mục đích chính trị đen tối.
(TH)