BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG – TRÁCH NHIỆM KHÔNG CHỈ CỦA RIÊNG AI

Đã 05 năm kể từ ngày triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (sau đây gọi tắt Nghị quyết số 35), các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã đưa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết trở thành một công việc, nhiệm vụ quan trọng, trong đó phải kể đến việc tổ chức các cuộc thi viết về đề tài bảo vệ nền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mang sức lan toả lớn, tạo khí thế, tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần cách mạng dâng cao, được Nhân dân hưởng ứng, ủng hộ.

Nhưng không khó để bắt gặp trong các cuộc nói chuyện theo hình thức trà đá vỉa hè hay bàn tiệc ngoài giờ những câu chuyện bàn luận về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là công việc của Đảng viên, của những người làm về tuyên giáo, báo chí, truyền thông, chẳng phải trách nhiệm của “anh”, của “tôi” hay có người cho rằng việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chỉ ở hình thức tuyên truyền, “hô hào”, viết bài, đăng tin ca ngợi Đảng… những câu chuyện xoay quanh vấn đề này còn nhiều quan điểm, tư tưởng chưa đúng đắn, chưa nhìn nhận đầy đủ về công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 35.

Toàn bộ quá trình vận hành, hoạt động, phát triển của tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, quốc phòng, công an, xây dựng, tài nguyên, môi trường… trên đất nước Việt Nam đều được định hướng, chỉ đạo theo đường lối của Đảng thông qua Cương lĩnh, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận… Vì vậy, mỗi cá nhân đang sống, làm việc, học tập, cống hiến trên bất cứ ngành nghề, lĩnh vực gì đều có “tính Đảng” trong đó. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng Tuyên giáo các cấp là nòng cốt. Vì vậy quan điểm việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc của “anh”, của “tôi” là chưa đúng đắn.

Công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là những bài báo, tin tức, báo cáo… thể hiện những kết quả tích cực, thành tựu trong công cuộc dựng xây, bảo vệ, phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của Nhân dân mà có rất nhiều bài báo, chuyên đề, tạp chí, ở đó tác giả đã lập luận, đưa ra những vấn đề còn thiếu xót, hạn chế của các tổ chức đảng, chính quyền, địa phương, thực hiện tốt quyền giám sát của Nhân dân, từ đó đưa ra những ý kiến, giải pháp, chỉ rõ những vấn đề cần bổ sung, phát triển nhằm góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng. Nghị quyết số 35 đã nêu rõ quan điểm gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, xây là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Vì vậy quan điểm, tư tưởng về công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chỉ dừng lại ở hô khẩu hiệu, ca ngợi Đảng cần được bác bỏ.

Đối với nhiệm vụ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, một số người chỉ mới hiểu ở mức độ là đấu tranh, phản bác các quan điểm đi ngược với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của thế lực thù địch, chống phá cách mạng. Cần phải mở rộng tầm nhìn ở nhiều khía cạnh đối với nhiệm vụ quan trọng, “sống còn” này: phản bác các quan điểm sai trái, chưa đúng đắn, chưa chính xác trong chính lực lượng cán bộ, Đảng viên, Nhân dân khi có một sự việc, hiện tượng mà báo chí đăng tin chưa phản ánh đúng bản chất hay lấy những sai phạm, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, Đảng viên trong công tác để có quan điểm sai trái về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, tham gia các cuộc thi viết chính luận, báo chí, truyền hình, tin tức mà nhiệm vụ này mà còn thể hiện ở nhiều khía cạnh trong công việc, hoạt động thường nhật: trong các buổi giao ban, sinh hoạt đơn vị, lãnh đạo, cán bộ có thể đưa ra những quan điểm để phản bác các dư luận xã hội về các hiện tượng, sự kiện chính trị, xã hội chưa đúng, sai trái; trong các bài giảng, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm của một môn học, lĩnh vực, chuyên đề nào đó có thể lồng ghép nội dung mang tính Đảng, phản bác các hiện tượng, sự việc sai trái, không đúng thuần phong, mỹ tục, văn hoá. Hay trong chính bữa cơm gia đình, ông bà, cha mẹ có thể tiếp lửa cho con cháu về những câu chuyện về Bác Hồ, về những thành tựu mà đất nước Việt Nam đạt được từ những ngày chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến khi độc lập, thống nhất, phát triển, vươn mình ra thế giới… Tất cả đều là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mà mọi công dân đều có thể làm được.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ không chỉ của riêng ai, đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam dù làm việc, học tập trên lĩnh vực, ngành nghề nào, dù sinh sống, định cư ở bất cứ đâu./.

Trần Vương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *