Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò to lớn của quần chúng nhân dân đối với cách mạng. Theo Người, Đảng bao gồm những quần chúng tiên phong, gương mẫu nhất: “Là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà: Giàu sang không thể quyến rũ. Nghèo khó không thể chuyển lay. Uy lực không thể thuyết phục”. Người khẳng định mục đích duy nhất của Đảng là vì nhân dân, ngoài lợi ích của nhân dân Đảng không có lợi ích nào khác; đồng thời có nhân dân thì mới có lực lượng cách mạng. Vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải ra sức lãnh đạo, tổ chức nhân dân để giải phóng nhân dân và nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân, không được xa rời quần chúng mà phải “đi sát quần chúng, khéo tổ chức và lãnh đạo quần chúng, thì cách mạng mới thành công”, phải “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.
Như lãnh tụ Lênin cũng từng nhấn mạnh, đối với người cộng sản “…một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là sự tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần nhắc nhở Đảng là “đày tớ của nhân dân”, cho nên cần phải hoan nghênh sự phê bình của nhân dân, nhân dân phê bình càng rộng thì chính sách của Đảng càng đúng, uy tín của Đảng càng cao. Người nói: “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đày tớ cho quần chúng và phải làm cho ra trò… Muốn như thế phải gần quần chúng, học quần chúng, lãnh đạo quần chúng, cái gì lợi cho quần chúng thì làm, hại cho quần chúng thì tránh. Xa quần chúng là hỏng, cần phải nhớ nhiệm vụ của Đảng là làm đày tớ cho quần chúng”. Theo Người, Đảng xa quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình là mắc bệnh quan liêu, mà quan liêu lại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, là nguồn gốc của tham ô, lãng phí, chỉ đưa đến một kết quả là hỏng việc.
Vì vậy, trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Khắc ghi lời Bác, trong quá trình xây dựng, lãnh đạo đất nước, dù có thời điểm, lĩnh vực cụ thể Đảng cũng mắc phải những sai lầm, khuyết điểm, song trên hết Đảng ta vẫn làm tròn sứ mệnh tiền phong của mình, mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là thực hiện tốt mối quan hệ máu thịt với nhân dân, phát huy cao nhất sức mạnh của ý Đảng, lòng dân, là cơ sở quan trọng, là bài học kinh nghiệm thiết thực để thực hiện thắng lợi phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, bảo đảm cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.