Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Lịch sử địa phương là một bộ phận quan trọng của lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Tích cực tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương để giúp mọi người khắc sâu những chiến công anh hùng, những địa danh lịch sử, những giá trị cao đẹp… Những giá trị lịch sử giúp chúng ta có một lòng tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo và linh hoạt của Đảng trong giai đoạn hiện nay và mai sau. Đây là nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, là cội nguồn, là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử Đảng nói chung và lịch sử địa phương nói riêng.
Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được định hướng sâu sắc, bảo đảm nội dung, chất lượng, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nuôi dưỡng lòng tự hào, tri ân những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; khơi dậy ý chí, khát vọng, quyết tâm xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Những kết quả đạt được trong giáo dục lịch sử địa phương thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao bản lĩnh chính trị, phản bác các quan điểm sai trái và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác giáo dục lịch sử địa phương vẫn còn có những tồn tại, cụ thể: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử địa phương còn hạn chế; nhiều địa danh lịch sử chưa được giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ít hiểu biết về văn hóa, lịch sử và truyền thống cách mạng của địa phương; phương pháp giới thiệu về lịch sử, văn hóa địa phương cho các đối tượng tính hấp dẫn chưa cao trong khi môi trường giáo dục đang chịu sự tác động, chi phối của mặt trái cơ chế thị trường, của công nghệ thông tin, mạng xã hội và hội nhập quốc tế; việc huy động các nguồn lực để xây dựng, tôn tạo, bảo vệ, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn còn hạn chế, thiếu đồng bộ.
Cần phải khẳng định công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương hiện nay rất quan trọng, phải được quan tâm thực hiện hiệu quả để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Để làm được điều đó, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể: Cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư, Công văn số 449-CV/TU, ngày 31/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương cho thế hệ trẻ, xem đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cả trước mắt và lâu dài. Tích cực thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, nhằm nâng cao hiểu biết cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Tích cực tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống địa phương bằng những việc làm thiết thực, thường xuyên như đưa nội dung lịch sử vào sinh hoạt chi bộ và sinh hoạt chuyên đề; nâng cao chất lượng công tác giảng dạy lịch sử vào các cấp học, bậc học bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Lồng ghép lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy các cấp học, bậc học bằng các hình thức phù hợp như: nói chuyện chuyên đề, tham quan di tích lịch sử, văn hóa…. để học sinh có hiểu biết về truyền thống lịch sử của quê hương mình, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ học sinh; phát huy có hiệu quả các ấn phẩm, tài liệu lịch sử, đã được xuất bản, các đề cương tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của Đảng, bằng nhiều hình thức truyền tải đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Quan tâm nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tái bản các cuốn sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, sau xuất bản phát hành đến các cơ quan, đơn vị, thư viện, trường học để tuyên truyền; biên soạn tài liệu, đăng tải bài viết, bài nghiên cứu về lịch sử trên bản tin, cổng thông tin, triển khai qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tuyên truyền thông qua các phong trào thi đua, phát huy tinh thần tự học, tự đọc, tự nghiên cứu tìm hiểu truyền thống lịch sử; thường xuyên tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống, khuyến khích động viên cán bộ, đảng viên, Nhân dân, học sinh tích cực hưởng ứng tham gia.
Trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi cần được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai đồng bộ. Bởi lẽ, truyền thống lịch sử dẫu lâu đời đến mấy, dẫu anh hùng vĩ đại và có sức hấp dẫn lớn đến mấy vẫn có thể bị mai một nếu như không được kế thừa, giữ gìn, phát huy. Bác Hồ dạy rằng: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Muốn làm được điều đó thì công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ là rất cần thiết. Đây là hoạt động góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, từ đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu mạnh.
SNCG