CẦN XỬ LÝ NHỮNG XUẤT BẢN PHẨM KHÔNG PHÙ HỢP VỚI TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Ngành xuất bản là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đúng như vậy, hơn 70 năm hình thành và phát triển, ngành xuất bản đã phát huy tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với việc Luật xuất bản cho phép các đơn vị tư nhân tham gia vào quá trình xuất bản với vai trò liên kết với các nhà xuất bản đã giúp ngành xuất bản ngày càng phát triển. Mỗi năm có hàng vạn đầu sách, tài liệu hay trên mọi lĩnh vực được xuất bản với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, góp phần tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cung cấp kịp thời thông tin chính thống đến người dân khắp mọi miền Tổ quốc.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những xuất bản phẩm có chất lượng kém về nội dung, thậm chí là vô bổ, vi phạm thuần phong mỹ tục, sai lệch lịch sử… dẫn đến tình trạng nhiều xuất bản phẩm bị thu hồi, nhà xuất bản và đơn vị liên kết bị xử phạt. Nguyên nhân của tình trạng này là do tư duy làm xuất bản phẩm kiểu “ăn xổi”, buông lỏng khâu biên tập, kiểm duyệt, chỉ quan tâm đến số lượng phát hành của các nhà xuất bản, từ đó đã “tạo điều kiện” cho một số đơn vị liên kết xuất bản và tác giả lợi dụng, cho ra những tác phẩm chất lượng kém, vi phạm quy định. Có thể ví von một cách dễ hiểu, nếu lĩnh vực xuất bản là một gia đình thì nhà xuất bản và đơn vị liên kết như là cha và mẹ, còn các xuất bản phẩm chính là những đứa con, chỉ cần cha mẹ thiếu quan tâm, buông lỏng thì con cái sẽ rất dễ hư hỏng. Và khi xuất bản phẩm là đứa con hư hỏng thì sẽ không thể nào thực hiện được trách nhiệm lưu trữ, tích lũy, truyền bá tri thức, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.
Do đó, để ngành Xuất bản thực sự là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì các đơn vị, cá nhân hoạt động trong ngành xuất bản và độc giả chúng ta cần làm tốt những việc sau:
– Một là, “mỗi nhà xuất bản phải là bộ lọc để chọn được những tác phẩm có giá trị đích thực, dũng cảm từ chối những bản thảo tầm thường, vô bổ, không phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc” như lời phát biểu chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 – 10/10/2022).
– Hai là, mỗi tác giả cần phải đặt cái tâm trong việc sáng tạo nội dung để những cuốn sách, xuất bản phẩm khi được phát hành sẽ góp phần lan tỏa tri thức, là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người.
– Ba là, mỗi độc giả cũng cần phải tự hình thành “bộ lọc” tốt để lựa chọn cho mình những xuất bản phẩm có nội dung tích cực, bổ ích và từ chối, lên án những sản phẩm có nội dung độc hại, không phù hợp văn hóa dân tộc.
Uyển Thanh