Có ý tố cáo sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật

Thời gian qua, Nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tố cáo. Nhờ hoạt động tố cáo và giải quyết tố cáo mà nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đã được phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tiêu cực, tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính. Song, bên cạnh các mặt tích cực, hoạt động tố cáo cũng đã phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật như: tố cáo sai sự thật, tố cáo nặc danh, mạo danh, lợi dụng tố cáo để vu cáo, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây nên nhiều hệ lụy, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo quy định của pháp luật, tố cáo là việc cá nhân tuân theo thủ tục quy định của pháp luật, báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018). Như vậy, tố cáo trước hết phải là hoạt động đúng quy định của pháp luật, thực hiện trong những phạm vi, điều kiện nhất định, theo trình tự, thủ tục luật định (Luật Tố cáo năm 2018). Đồng thời, cũng như các quyền khác của công dân, quyền tố cáo được pháp luật quy định rất chặt chẽ, “nghiêm cấm… lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, vu cáo, làm hại người khác” (khoản 3 Điều 30 Hiến pháp năm 2013); “nghiêm cấm việc cố ý tố cáo sai sự thật, cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật, sử dụng họ tên người khác để tố cáo” (Điều 8 Luật Tố cáo 2018). Ngoài ra, khi thực hiện quyền tố cáo, người tố cáo phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ) cho cơ quan chức năng khi gửi đơn tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; trình bày trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra (khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo 2018).

Mặc dù pháp luật đã có những quy định rất chặt chẽ về quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm pháp lý của người tố cáo, song thời gian qua vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà một số người vẫn cố tình vi phạm, cố ý tố cáo sai sự thật. Cá biệt, còn có một số trường hợp mặc dù bản thân đã có hành vi vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định,  nhưng vẫn bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp pháp luật, lợi dụng quyền tố cáo để gửi đơn tố cáo theo kiểu “vừa ăn cướp vừa la làng”, “núp bóng”, “ném đá giấu tay”, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, vu khống, xúc phạm cán bộ thực thi công vụ. Đó là những hành vi vi phạm pháp luật phải bị lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định. Cụ thể, những người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật (nếu là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức), bị xử phạt vi phạm hành chính (khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP), bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống (Điều 156 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Tóm lại, tố cáo là quyền của công dân được pháp luật quy định và bảo vệ. Nhưng để thực hiện đúng quyền của mình và tránh các rủi ro pháp lý có thể xảy ra,  người tố cáo cần phải nghiên cứu, nắm vững các quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt là nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của bản thân khi thực hiện quyền tố cáo; tuyệt đối không được lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, vu cáo, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bởi đây là hành vi vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Trần Quang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *