VIỆT NAM LUÔN BẢO ĐẢM QUYỀN ĐƯỢC TIẾP CẬN THÔNG TIN CỦA NGƯỜI DÂN

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã tán phát trên không gian mạng nhiều luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về việc thực hiện các quyền dân sự, chính trị nói chung và quyền tiếp cận thông tin ở nước ta nói riêng. Chúng cho rằng, Việt Nam bóp nghẹt, bưng bít thông tin; cản trở các quyền tự do biểu đạt, chính kiến và ngôn luận của người dân.

Có thể khẳng định ngay rằng, những luận điệu trên là hoàn toàn bịa đặt vô căn cứ. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng, bởi đây là một trong những quyền cơ bản của con người. Để bảo đảm quyền thông tin, Cương lĩnh của Đảng cũng như Hiến pháp đều khẳng định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước và quyền con người nói chung, quyền tiếp cận thông tin nói riêng có mối quan hệ tác động qua lại rất mật thiết.             

Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thông tin; khai thác, sử dụng Internet để tiếp cận thông tin nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện các quyền tự do cơ bản của Nhân dân. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bảo đảm quyền được thông tin của người dân. Những thành tựu ấy trước hết được thể hiện ở việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin của người dân, trong đó có những luật, nghị định như: Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Luật An ninh mạng 2018; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng… Tất cả những văn bản này đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo đúng Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm quyền tiếp nhận thông tin, vừa bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ bí mật Nhà nước, chống việc lộ, lọt bí mật thông tin.

Sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng và Internet cho thấy quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin ở Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam cũng quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin và tiếp cận thông tin trong một số trường hợp, phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, nhằm tôn trọng các quyền hợp pháp và chính đáng, uy tín, danh dự của người khác; nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng và đạo đức của xã hội. Mọi hành vi cản trở, đe dọa đến quyền được thông tin, quyền tự do tiếp cận thông tin; lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của tổ chức, cá nhân; gây tổn hại đến uy tín, danh dự của người khác; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức và sức khỏe cộng đồng… tùy vào tính chất, mức độ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn. Mọi người dân ở Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua Internet, nhất là qua mạng xã hội. Đó là những minh chứng sống động đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về bảo đảm quyền con người nói chung và quyền được thông tin, tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam nói riêng.

(HTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *