NHỮNG NGƯỜI THÍCH “TỰ NHỤC”

Trên MXH có không ít người thích “tự nhục”. Chẳng biết họ có phải là những kẻ bất mãn, thiển cận không, nhưng thấy họ chê mọi thứ xung quanh. Họ thích phóng đại cái xấu, cái tiêu cực của xã hội, của đất nước; phủ nhận cả những gì đúng đắn, tốt đẹp, những cái từ lâu đã được người dân trong nước mà cả cộng đồng quốc tế công nhận. Trong mắt những người này, Việt Nam là một đất nước đói nghèo lạc hậu, xấu xa đủ kiểu. Điều đáng ngạc nhiên là không ít những người trong số họ lại là những người trí thức, có cuộc sống khá sung túc, đầy đủ.

Mới đây, một facebooker tên là Anh Quốc (gọi là A.Q. cho gọn) có một bài “tự nhục” rất khó hiểu. Tên bài viết “Có hơn ba nghìn km bờ biển mà nghèo, hèn là có tội với dân”, trong đó thẳng thừng phê phán chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam, gọi chính sách này là “tư tưởng hạn hẹp, tầm nhìn ngắn ngủi, tinh thần bạc nhược”, “vẫn như thời nguyên thủy, lạc hậu về phát triển kinh tế biển”. Tác giả cho rằng: “chính sách 4 không làm cho Việt Nam không phát huy được lợi thế hàng nghìn km bờ biển để phát triển kinh tế, làm cho đất nước yếu hèn, không xứng tầm với một quốc gia gần 100 triệu dân, là sự ngụy biện không thể chấp nhận của những người lãnh đạo đất nước”…

Bài viết này thu hút khá nhiều người đọc, bình luận và chia sẻ, trong đó có những bình luận mang tính a-dua, bình luận cho sướng mồm, kiểu như: “nhượng biển để giữ ghế”, “lúc nào cũng sợ ông bạn 4 tốt, 16 chữ vàng thì làm sao khá lên được”, “thế mà vẫn ngạo nghễ là có đường lối đúng đắn đấy”, “quá uổng phí cảng Cam Ranh và hơn 3 nghìn km biển”, “đã sang thế kỷ 21 mà vẫn những con tàu thủng, loanh quanh ven bờ bắt vài con tép, con cá”…

Facebooker A.Q. chẳng phải là người đầu tiên và duy nhất phê phán chính sách “4 không” của Việt Nam. Trước đã có những người tỏ ý không đồng tình với chính sách này. Họ cho rằng đó là “hành động tự trói”, không phù hợp với xu thế của thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, làm “suy yếu” khả năng quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, biển đảo và cần phải thay đổi.

Tất nhiên, mỗi người có quyền có một cách nhin nhận riêng, nhưng điều khó hiểu là tác giả đưa ra quan điểm trên ngay sau khi đã có bài học nhãn tiền về cuộc chiến tại Ucraina. Rõ ràng là, nếu lãnh đạo Ucraina chọn cho mình một đường lối đối ngoại cân bằng hơn, không cố tìm mọi cách gia nhập NATO, đặt Nga vào một thế nguy hiểm, thì tình hình đã có thể đã không như hiện nay. Tất nhiên, nói như thế không phải là bênh vực cho hành động của phía Nga đem quân xâm phạm một nước có chủ quyền là Ucraina.

Trở lại với chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam bị facebooker A.Q. phê phán. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã nêu rõ, chủ trương của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Quan điểm và chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam nhằm mục đích hòa bình, tự vệ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, được người dân trong nước hoan nghênh và cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Lịch sử hiện đại đã chứng minh rằng, nếu liên minh quân sự với nước ngoài, cho phép căn cứ quân sự nước ngoài đóng trên lãnh thổ của mình, thì rất dễ biến một quốc gia thành mục tiêu tiến công của các thế lực thù địch, ít nhất thì cũng khó tránh khỏi bị lôi kéo vào xung đột, chiến tranh giữa các nước. Chính sách quốc phòng “4 không” mà Việt Nam lựa chọn là hoàn toàn phù hợp với tình hình đất nước, khu vực và xu thế thời đại.

Chính sách quốc phòng “4 không” cũng không hề cản trở Việt Nam phát triển kinh tế biển. Từ năm 2007 Việt Nam đã có Chiến lược Biển, trong đó xác định “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia biển mạnh; các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước.

Về quân cảng Cam Ranh, Việt Nam xác định đây là căn cứ riêng của hải quân Việt Nam; đồng thời đã cho xây dựng cảng quốc tế Cam Ranh để đáp ứng yêu cầu của không ít quốc gia muốn cho tàu chiến được ghé đậu quân cảng này.

Từ lâu nay, các thế lực chống phá luôn lợi dụng mọi phương tiện, đặc biệt là MXH, để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Sự chống phá đó đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh mâu thuẫn giữa các cường quốc ngày càng trở nên sâu sắc, khó dự đoán, có thể đe dọa hòa bình, ổn định tại khu vực. Tiếc rằng, những bài viết, bình luận của những người thích “tự nhục” lại đang vô tình tiếp tay cho các thế lực xấu. Hành động của họ xứng đáng bị lên án./.

HSV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.