Xin kể một chuyện…

Tôi lên mạng tìm kiếm thông tin chữa bệnh khớp theo phương pháp y học cổ truyền cho người thân. Ngay sau đó, trang Facebook cá nhân xuất hiện nhan nhản thông tin quảng cáo liên quan đến nội dung này. Tôi tương tác vào tài khoản của một sĩ quan Quân đội nghỉ hưu. Chủ tài khoản giới thiệu, bản thân từng là bộ đội tham gia chiến đấu trên chiến trường K, bị bệnh khớp âm ỉ lâu năm, đau nhức, rất khổ sở.

Mặc dù đã đi điều trị tại các bệnh viện uy tín trong và ngoài Quân đội nhưng không khỏi. Chỉ đến khi được người quen mách cho một bài thuốc Đông y, kiên trì điều trị sau 3 tháng thì bệnh khỏi hẳn. Vì muốn giúp ích cho đời nên anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai đang bị bệnh khớp hành hạ. Chủ tài khoản nhấn mạnh rằng, việc này hoàn toàn là “làm phúc”, không đòi hỏi bất cứ điều gì từ người bệnh…

Nhìn thấy hình ảnh chủ tài khoản là cựu chiến binh (CCB), quân phục chỉnh tề, quân dung tươi tỉnh, kèm những lời thoạt đọc có vẻ rất chân tình, nhiều người đã vào tài khoản này tương tác. Tôi được chủ tài khoản cung cấp số điện thoại. Khi gọi nói chuyện, anh thể hiện thái độ rất niềm nở, hỏi thăm sức khỏe bản thân, gia đình tôi, tâm sự về đời binh nghiệp rồi dẫn dắt vào câu chuyện bị bệnh khớp do phải “ăn bờ, ngủ bụi” trên chiến trường nhiều năm.

“Đời binh nghiệp của anh em mình khổ lắm em ạ! Lăn lộn trên thao trường mưa nắng, ai rồi về già cũng bị thấp khớp cả thôi. Mắc bệnh rồi thì chữa. Chưa mắc bệnh thì phòng ngừa. Bài thuốc này tốt lắm. Có tốn kém ban đầu một chút còn đỡ gấp trăm lần bệnh diễn biến nặng phải đi bệnh viện”, anh nói và đề nghị tôi cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ để gửi thuốc đến tận nơi. Liên tục những ngày sau đó, tôi nhận được điện thoại của một người phụ nữ, xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của một cơ sở y học cổ truyền tại miền Trung. Người này nói, đã nhận được hồ sơ đăng ký chữa bệnh của tôi, do bác “X”, là thượng tá Quân đội nghỉ hưu chuyển đến. Một liệu trình điều trị 3 tháng, hết 10 triệu đồng. Người này đề nghị tôi chuyển tiền cọc và cam kết sẽ gửi thuốc đến đúng địa chỉ, chữa khỏi bệnh.

“Anh là bộ đội, cứ kiểm chứng thông tin qua bác “X” là rõ. Bên em bảo đảm uy tín, không làm ăn nhập nhèm đâu”, người này nhấn giọng.

Đến đây thì tôi đã rõ! Thượng tá CCB nọ đã sắm vai “chim mồi” để dụ khách hàng là bệnh nhân trên mạng xã hội, sau đó cung cấp thông tin cho “cơ sở chữa bệnh”. Tôi liên lạc lại, khuyên anh không nên lấy hình ảnh, danh dự của một CCB ra cho người ta lợi dụng mồi chài làm ăn. Chẳng biết khi “dụ” được một “con mồi”, anh được chia phần trăm bao nhiêu, nhưng cái kiểu chữa bệnh mà không cần khám, không cần gặp bệnh nhân, chỉ liên lạc qua mạng xã hội rồi gửi thuốc cho bệnh nhân uống thì đủ biết, chất lượng của cái gọi là “cơ sở Đông y” đó như thế nào? Cái đánh mất không chỉ là tiền và sức khỏe của các bệnh nhân bị “dụ”, mà quan trọng nhất là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong trường hợp này đã bị ảnh hưởng rất xấu.

Vì tin vào bộ quân phục anh mặc, tin vào quân hàm anh mang, tin một sĩ quan Quân đội đã trải qua chiến trường… nên nhiều bệnh nhân mới làm theo. Đến khi “tiền mất tật mang”, khó tránh khỏi việc người ta quay lại chửi anh, xúc phạm nhân phẩm Bộ đội Cụ Hồ, anh thấy thế nào? Nghe tôi khuyên, anh im lặng. Sau đó, trên nền tảng Facebook, tôi không thấy tài khoản mang tên anh xuất hiện nữa.

Khi danh nghĩa Bộ đội Cụ Hồ bị lợi dụng

Trên đây là một ví dụ cụ thể trong rất nhiều kiểu hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ sau khi nghỉ hưu bị không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng nhằm trục lợi, xuất hiện nhan nhản trên không gian mạng hiện nay. Phổ biến là lấy danh nghĩa bộ đội để mồi chài chữa bệnh, bán hàng, cung cấp dịch vụ dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Thậm chí, có một số trường hợp núp bóng các hình thức dưỡng sinh để truyền đạo trái phép.

Trên mạng xã hội đang lan truyền clip cổ xúy phương pháp chữa bệnh ung thư theo “đạo pháp” của một số sĩ quan cao cấp nghỉ hưu, với những phát ngôn thiếu chuẩn mực. Không chỉ có CCB xuất hiện với danh nghĩa bệnh nhân, trong các nội dung liên quan đến sức khỏe, còn có những clip lan truyền hình ảnh của những “bác sĩ quân y”, kèm thông tin cá nhân cụ thể.

Điều đáng bàn là phát ngôn của những “bác sĩ quân y” này rất phản khoa học. Mới đây, trên nền tảng TikTok lan truyền clip của một người xưng là “sĩ quan cao cấp, bác sĩ quân y” nghỉ hưu, ca ngợi hết lời một phương pháp chữa bệnh bằng phương thức tín ngưỡng. Người này nói rằng, cả một đời đi làm thầy thuốc, chỉ đến khi gặp được phương pháp này mới tìm thấy “chân ái cuộc đời”. Từ việc ca ngợi hết lời một hình thức tín ngưỡng, “bác sĩ quân y” này đã phủ nhận, xổ toẹt cả nền y học hiện đại mà anh vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của chính môi trường ấy.

Những biểu hiện tương tự xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội khiến nhiều CCB bức xúc, phản ánh về Báo Quân đội nhân dân, đề nghị tòa soạn lên tiếng góp ý, đấu tranh chấn chỉnh, khắc phục. Rõ ràng, việc lấy hình ảnh, danh nghĩa Bộ đội Cụ Hồ như một kiểu bình phong để quảng bá các hình thức, sản phẩm nhằm trục lợi đã gây nhiễu thông tin, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Điểm chung dễ nhận thấy là những cá nhân CCB bị lợi dụng, khi xuất hiện trong các bức ảnh, clip nêu trên thường mặc quân phục chỉnh tề, một số người còn đeo cả huân, huy chương. Theo dõi một cách có hệ thống những hiện tượng này, không khó để nhận ra hình ảnh, lời nói của những CCB đó chính là sản phẩm được dàn dựng tinh vi, bài bản, rất có ý đồ của các tổ chức, cá nhân, nhằm lèo lái, dẫn dụ để tạo dựng lòng tin từ công chúng.

Từ những biểu hiện trục lợi về tiền bạc, một số trường hợp sẽ bị dẫn dụ, mua chuộc, phát ngôn phục vụ cho ý đồ tuyên truyền mang sắc màu tôn giáo, chính trị, trái quan điểm của Đảng. Nó để lại những hệ quả khó lường đối với môi trường văn hóa, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Cùng với các biểu hiện lợi dụng hình ảnh, danh nghĩa Bộ đội Cụ Hồ, thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook, YouTube…, còn diễn ra tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe mạo danh các bệnh viện, bác sĩ Quân đội để trục lợi. Hiện tượng này xuất hiện nhan nhản như một “mê hồn trận”, gây nhiễu loạn thông tin. Hậu quả là người dân, bệnh nhân nhẹ dạ cả tin lãnh đủ.

Tại sao hình ảnh, danh nghĩa Bộ đội Cụ Hồ sau khi nghỉ hưu lại bị lợi dụng? Ai cũng biết rõ, xưa nay trong đời sống xã hội, trong lòng nhân dân, Bộ đội Cụ Hồ là một danh xưng mang giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Bộ đội là niềm tin, là chỗ dựa, là niềm tự hào của nhân dân.

Chính vì vậy, nhiều tổ chức, cá nhân trong chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu sản xuất, kinh doanh, rất muốn hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp Quân đội, CCB có tên tuổi, uy tín, như một cách để tạo dựng lòng tin, xây dựng thương hiệu trên thương trường. Những đối tượng có tư tưởng trục lợi, các thành phần bất mãn, cực đoan chính trị cũng bám vào đặc điểm này để dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí mua chuộc một số CCB để phục vụ ý đồ riêng. Họ có sẵn kịch bản để thực hiện một cách tinh vi, khiến không ít người khi đã rơi vào vòng xoáy này rất khó cưỡng.

Khi danh nghĩa Bộ đội Cụ Hồ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, hậu quả để lại rất khó lường. Dễ thấy nhất là nó làm méo mó, hoen ố hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, gây xói mòn lòng tin của nhân dân, tổn hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng. Chính vì vậy, việc nhận diện để đấu tranh phê bình là vô cùng cần thiết.

Vài dòng viết thêm

Thực lòng khi ngồi trước máy tính viết bài này, chúng tôi rất cân nhắc, đắn đo. Các cán bộ Quân đội nghỉ hưu là đồng đội thế hệ đàn anh của chúng tôi. Đại đa số các bác, các chú, các anh đều là những tấm gương sáng, là điểm tựa tinh thần cho thế hệ Bộ đội Cụ Hồ đang tại ngũ học tập, noi theo. Hoàn toàn trong thâm tâm, chúng tôi không có ý định “lên lớp”, “dạy đời”, “trứng khôn hơn vịt”…

Những trường hợp như đã nêu trên chỉ là thiểu số. Tuy nhiên, trong không gian mạng, những hiện tượng tiêu cực, chưa tốt, chưa đẹp và không nên có như đã nêu trên chả khác gì vết dầu loang, là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Nếu không kịp thời góp ý, đấu tranh phê bình, để nó tái diễn, phát triển, sẽ rất nguy hại, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mà các thế hệ ông, cha, anh và lớp trẻ hôm nay trong quân ngũ đã dày công vun đắp bằng xương máu, mồ hôi, trí tuệ, tâm hồn… suốt gần 80 năm qua. Trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận… Đảng ta đã cảnh báo, chỉ rõ những hành vi sai trái nêu trên là biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị, là mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần phải đấu tranh thẳng thắn để chấn chỉnh, phòng ngừa.

Hầu hết cán bộ Quân đội nghỉ hưu đều tham gia sinh hoạt, hoạt động ở chi bộ, hội CCB địa phương. Chính vì vậy, hội CCB các cấp, tổ chức đảng nơi đảng viên CCB sinh hoạt, cần nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý hoạt động của hội viên, đảng viên; kịp thời phát hiện, góp ý phê bình, đấu tranh trên tinh thần xây dựng, trên tình đồng chí, đồng đội để phòng ngừa hiệu quả ngay từ gốc.

Còn với những CCB, nếu ai đó đã, đang rơi vào những biểu hiện sai trái này, nên bình tâm suy xét mọi nhẽ để có suy nghĩ và hành động đúng đắn, chuẩn mực. Xin trích lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, diễn ra tại Hà Nội ngày 11-8-2021 để khép lại bài này: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.

LỮ NGÀN/QĐND