Giấy thông hành bằng cơ chế thực hiện (bài 3 – tiếp theo và hết)
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ (TTDC) là tất yếu để Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối. Dù vậy, làm thế nào để nguyên tắc này được thực hiện tốt nhất, phát huy hiệu quả cao nhất là bài toán không dễ, nhất là vấn đề cơ chế thực hiện.
Từ vấn đề nổi cộm là nhiều cá nhân đã lợi dụng chính nguyên tắc TTDC để cố tình thực hiện sai nguyên tắc, chỉ lợi dụng yếu tố tập trung để thâu tóm quyền lực, đã đặt ra bài toán phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện dân chủ tốt nhất và có cơ chế để giám sát quá trình thực hiện cả hai yếu tố này. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ: “Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng”. Điều đó có nghĩa, quá trình xây dựng, vận hành quy chế làm việc của cấp ủy đảng chưa tốt. Mà quy chế làm việc của mỗi cấp ủy là văn bản cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định của Đảng, trong đó hạt nhân cốt lõi là nguyên tắc TTDC.
Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) đã chỉ ra: “Quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế…’’.
Không thể khác, chỉ có thực hành dân chủ rộng rãi trong nội bộ Đảng là cơ chế kiểm soát quyền lực tốt nhất. Từ những vấn đề trên đã đặt ra với mọi tổ chức đảng cũng như mọi đảng viên trong sinh hoạt và trong mọi công việc của Đảng, của tổ chức phải thực hiện tốt cơ chế giám sát thực hiện nguyên tắc TTDC, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cần thực hiện được đầy đủ các quyền dân chủ của đảng viên, dân chủ phải thực sự được tôn trọng, được đề cao hay rộng hơn đó là thực hiện tốt nhất dân chủ trong Đảng. Muốn dân chủ tốt thì đảng viên phải được cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định, được thảo luận, phê bình, chất vấn đúng nghĩa với công việc. Tổ chức đảng phải xây dựng được quy chế, quy trình để các đảng viên tham gia trực tiếp vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. PGS, TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cho rằng: Dân chủ phải gắn với công khai và công bằng xã hội, đó là yêu cầu cao nhất của dân chủ. Tính công khai hoàn toàn khác với sự kiêu ngạo cộng sản, khác với sự thờ ơ, vô trách nhiệm, nó loại trừ bệnh quan liêu ra khỏi tình trạng hành chính giấy tờ.
Nhiều ý kiến đồng tình, chúng ta cần thực sự xem xét thấu đáo đối với quyền bảo lưu ý kiến của đảng viên. Dù nguyên tắc TTDC đã quy định rất rõ đảng viên được quyền bảo lưu ý kiến đến cấp cao nhất là đại hội đại biểu toàn quốc, nhưng trên thực tế, quá trình giải quyết, giải thích, ứng xử với ý kiến bảo lưu của tổ chức không phải ở đâu, lúc nào cũng tốt. Có những tổ chức đảng, cá nhân có trách nhiệm xử lý ý kiến bảo lưu rất thiếu trách nhiệm, trong khi đây lại luôn là trăn trở, đau đáu của đảng viên. Phải có cơ chế để đảng viên giám sát được quá trình giải quyết ý kiến bảo lưu ở từng cấp một cách công khai, minh bạch. Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từng trăn trở: “Phải làm thế nào để tất cả đảng viên dám nói, dám phát hiện và những phát biểu này phải được tổ chức đảng, cơ quan lắng nghe… Phát huy dân chủ để nâng cao chất lượng công tác tự phê bình, phê bình trong Đảng chính là cách tốt nhất để tránh được những sai phạm tập thể”.
Qua những vụ việc vi phạm bị xử lý cho thấy, có hiện tượng không xác định rõ cơ chế chịu trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích được người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII khẳng định quan điểm: “Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm” là rất kịp thời và đúng đắn.
Tại Hội nghị Trung ương 12, khóa XII vừa diễn ra, dư luận rất tán thành với tinh thần của hội nghị, đó là Trung ương đề ra chủ trương gắn trách nhiệm người đề cử, tiến cử trong công tác cán bộ, giới thiệu nhân sự. Đây là vấn đề có tính cấp thiết. Nhiều ý kiến phân tích, chúng ta cần có cơ chế, quy định để tách bạch rõ ràng trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể đối với công tác tiến cử, đề cử cán bộ. Công tác cán bộ là việc then chốt của Đảng nên cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực thì phải quy trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân đề cử, tiến cử chứ không thể chỉ nói chung chung là trách nhiệm thuộc về tập thể cấp ủy giới thiệu. Những sai phạm của tổ chức đảng luôn thường bắt đầu từ công tác cán bộ. Việc lựa chọn sai cán bộ luôn là thảm họa cho tổ chức.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết mới đây: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, nhấn mạnh: “Phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc TTDC, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu. Chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Đại hội đảng bộ các cấp đang diễn ra và tiến tới Đại hội XIII của Đảng, làm thế nào để thực hiện tốt nguyên tắc TTDC trong đại hội cũng như trong sinh hoạt, công việc tổ chức hiện nay của Đảng cần được đặt ra. Trong xu thế hiện nay, dân chủ ngày càng được coi trọng, ngày càng được phát huy. Tuy nhiên, đó phải là nền dân chủ vì Đảng, vì nước, vì dân. Những cái thuộc về nguyên tắc thì phải giữ vững nguyên tắc, đó là giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, không chia sẻ quyền lực lãnh đạo trong Đảng, giữa Đảng với bất kỳ tổ chức đối lập nào. Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, Đảng ta đã có bước tiến mới về thực hiện nguyên tắc TTDC trong sinh hoạt đảng, trong việc chuẩn bị các quyết định của Đảng, trong việc bầu cử cấp ủy và đánh giá, đề bạt cán bộ.
Lênin từng nói câu bất hủ: Nhiệt tình cách mạng cộng với sự dốt nát bằng đại phá hoại cách mạng. Để thực hiện nguyên tắc TTDC được tốt nhất thì từng đảng viên, từng tổ chức đảng phải học nguyên tắc để hiểu nguyên tắc. Khi đảng viên và tổ chức đảng có đủ bản lĩnh, trình độ thì mới có khả năng đấu tranh cũng như thực hiện tốt nhất nguyên tắc này. Hơn nữa, khi từng đảng viên, tổ chức đảng có trách nhiệm cao nhất với đảng, với dân thì họ mới quyết tâm hết lòng vì cái tốt, vạch trần cái xấu. Hiện Đảng ta rất chú trọng sự dân chủ, cởi mở trong sinh hoạt của các cấp ủy và tổ chức đảng. Đảng yêu cầu và khuyến khích mọi đảng viên dân chủ thảo luận tất cả mọi vấn đề trong phạm vi chức năng tổ chức đảng của mình, đó có thể là chi bộ, đảng bộ hay tổ chức đảng cao hơn theo từng phân cấp. Ở chiều ngược lại, cấp ủy, tổ chức đảng phải tạo được cơ chế để khơi gợi, khuyến khích được đảng viên dân chủ thảo luận, phát huy cao nhất tính sáng tạo, giá trị đóng góp của đảng viên. Công tác tổ chức để lắng nghe ý kiến của nhân dân nói chung và của đảng viên, các tổ chức đảng nói riêng là rất quan trọng. Có những đảng viên không nói ra không phải vì họ không có ý kiến mà vì ý kiến của họ không được tôn trọng, không được lắng nghe. Bởi thế, tất cả ý kiến của đảng viên phải được tôn trọng, ghi nhận, dù có đúng, có sai, dù xuôi chiều hay trái chiều. Chúng ta tuyệt đối không được đồng nhất ý kiến trái chiều với sự mất đoàn kết trong tổ chức đảng. Có như vậy mới phát huy được hết tính dân chủ trong Đảng, đồng thời mới quy tụ được sức mạnh của tập thể, đúng như Bác Hồ đã dạy: Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra.
Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của đại hội đảng các cấp là quá trình lựa chọn nhân sự bầu vào cấp ủy khóa mới. Điều đương nhiên, quá trình này phải thực hiện dân chủ, đúng nguyên tắc. Bằng mọi cách, mọi phát hiện từ cơ sở để lựa chọn được người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, xứng đáng bầu vào cấp ủy khóa mới. Đây là vấn đề sống còn của Đảng. Chỉ có thông qua trí tuệ của tập thể, sức mạnh tập thể mới lựa chọn được đúng những người xứng đáng trao cương vị lãnh đạo. Đảng viên thực hiện quyền bầu cử của mình thông qua lá phiếu, cũng là thực hiện đúng nguyên tắc TTDC. Lá phiếu ấy không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà nó còn thể hiện sự tôn trọng tổ chức, tôn trọng chính bản thân đảng viên. Cùng với mở rộng, thực hiện tốt dân chủ trong Đảng, phát huy trí tuệ của mọi đảng viên đồng thời phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong tập thể. Tất cả phải vì mục tiêu chung, vì lợi ích chung chứ không thể lợi dụng mở rộng dân chủ để bôi nhọ, xâm phạm uy tín, danh dự của người khác. Không thể nói và làm trái với lợi ích tập thể.
Phát huy dân chủ trong Đảng là tất yếu nhưng nó phải được đặt trong mối quan hệ với tập trung như nguyên tắc TTDC đã chỉ ra. Chỉ có dân chủ gắn với tập trung thì Đảng mới duy trì được kỷ cương, kỷ luật, phát huy được sức mạnh của tổ chức. Mọi đảng viên được dân chủ thảo luận, đưa ra ý kiến của mình nhưng khi tổ chức đã biểu quyết thì thiểu số phải phục tùng đa số. Cá nhân phục tùng tập thể, phục tùng tổ chức. Đây là tính cách mạng của nguyên tắc TTDC.
(QĐND)