“DÂN TỘC BẢN ĐỊA” – KHÁI NIỆM ĐANG BỊ LỢI DỤNG ĐỂ CHỐNG PHÁ!
Có thể thấy, trong những năm qua, bằng chiêu trò đánh tráo khái niệm “dân tộc bản địa” và “dân tộc thiểu số” đến thủ đoạn đánh đồng khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của dân tộc thiểu số”, các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị đã kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, lôi kéo người dân tộc thiểu số biểu tình, bạo loạn đòi “quyền dân tộc tự quyết”, thành lập những cái gọi là “Nhà nước Tin lành Đề-ga”, “Vương quốc Chămpa”, “Vương quốc Mông”… qua đó nhằm hình thành các tổ chức đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đây là thủ đoạn hết sức nham hiểm, thâm độc, cần phải bị vạch trần, bác bỏ!
Thứ nhất, cần hiểu đúng về thuật ngữ “dân tộc bản địa”. Trong “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 13/9/2007, cụm từ “Indigenous peoples” được dịch là “dân tộc bản địa” hay “dân tộc bản xứ”. Thuật ngữ này xuất hiện cùng với quá trình tìm kiếm thị trường, truyền bá tôn giáo và xâm lược thuộc địa từ khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX của các nước tư bản châu Âu đối với các quốc gia ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Ví dụ, những người thổ dân ở châu Úc đã sinh sống lâu đời trước khi người Anh xâm lược; những người Mỹ gốc thổ dân thường được gọi là người da đỏ (hay Anh điêng) đã sinh sống lâu đời trên vùng đất Hoa Kỳ trước khi người châu Âu đến chiếm đóng. Khu vực Mỹ Latinh trước kia là lãnh thổ của các bộ lạc da đỏ. Đối tượng mà Nghị quyết 61/295 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đề cập đến chính là các nhóm thổ dân này.
Ở Việt Nam thì sao? Thời kỳ Pháp thuộc, tất cả các cộng đồng dân tộc Việt Nam (kể cả người Kinh và các dân tộc thiểu số), không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giàu hay nghèo, trí thức hay lao động chân tay đều bị gọi chung bằng thuật ngữ miệt thị là “Annammit”. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, người dân Việt Nam từ vị thế nô lệ vươn lên làm chủ đất nước. Thuật ngữ “dân tộc bản địa” hay “người bản xứ” cũng biến mất, thay vào đó là khái niệm “quyền công dân” – là quyền của tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số. Ở Việt Nam không tồn tại khái niệm “người bản địa” và không có dân tộc nào được coi là dân tộc bản địa, cộng đồng các dân tộc Việt Nam cư trú xen kẽ nhau, được hình thành và phát triển cùng với điều kiện lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước tạo nên một dân tộc Việt Nam đoàn kết, thống nhất trong 54 dân tộc anh em. Điều 5, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc…
Những năm qua, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, quyền của các dân tộc thiểu số được đảm bảo, đời sống đồng bào từng bước được cải thiện. Hiện nay, theo thống kê, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 và 97 luật, bộ luật có liên quan đến công tác dân tộc. Có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc. Đáng chú ý là bên cạnh tiếp tục thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Việt Nam đã ban hành, tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025, với 10 dự án thành phần. Đây là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác dân tộc.
Từ những điểm trên cho thấy, ở Việt Nam quyền của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam được cải thiện trên nhiều mặt, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Các dân tộc Việt Nam ngày càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định mạnh mẽ nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền của người dân tộc thiểu số, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việc các thế lực thù địch, phần tử cơ hội cố tình lợi dụng “Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về Quyền của các dân tộc bản địa” tuyên truyền luận điệu đòi công nhận các dân tộc bản địa, đòi các quyền phi lý, hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta là thủ đoạn không mới, nhưng rất nguy hiểm, chúng ta cần nêu cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
M.A.