XUYÊN TẠC VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM: CHIÊU THỨC CŨ NHƯNG NGUY HIỂM!

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII diễn ra từ ngày 01 – 03/12/2023, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.095 đại biểu là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, người lao động cả nước đã thành công tốt đẹp. Cay cú trước sự thành công của sự kiện này, trang fanpage của tổ chức khủng bố Việt Tân đăng tải bài viết “Công đoàn Việt Nam: Khai mạc hoành tráng – Thực tế ăn hại” vu khống, xuyên tạc vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn, cho rằng: “hoạt động của Công đoàn Việt Nam không đại diện cho quyền lợi của người lao động mà chỉ phục vụ lợi ích của giới chủ sử dụng lao động”. Có thể thấy âm mưu đen tối của chúng là kích động, đòi tách sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chính quyền với tổ chức công đoàn, để công đoàn trở thành tổ chức “độc lập”, “vô chính phủ”. Qua đó, hòng dễ bề can thiệp, lôi kéo, xúi giục công nhân, người lao động gây rối, biểu tình tạo nên những bất ổn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phá hoại sự phát triển của đất nước. Đây là thủ đoạn chẳng có gì mới mẻ song rất nguy hiểm!

Thực tế, thời gian qua, tổ chức công đoàn các cấp đã và đang thực hiện tốt các chức năng đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế – xã hội, quản lý Nhà nước trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm tổ chức, giáo dục động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Công đoàn cơ sở đã chủ động tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp… Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ năm 2018 – 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành hơn 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề nghị, đề xuất về xây dựng cơ chế chính sách, pháp luât; tham gia xây dựng, hoàn thiện 15 báo cáo thực thi công ước quốc tế của Chính phủ, 02 hồ sơ đề xuất gia nhập Công ước 98, Công ước 105. Tổ chức công đoàn đã tham gia đàm phán nâng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động thêm 25,34% so với đầu nhiệm kỳ; tham gia tố tụng, giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án cho hơn 11.900 người; thực hiện hoạt động tư vấn cho hơn 01 triệu lượt đoàn viên, người lao động; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 2,6 triệu người; có hơn 27 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo Tết với tổng số tiền hơn 26.000 tỉ đồng; hỗ trợ dinh dưỡng cho các lực lượng, công nhân người lao động trong thời gian chống dịch Covid-19, tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên mồ côi do Covid-19 với số tiền hỗ trợ gần 6.000 tỉ đồng… Thông qua các hoạt động trên đã góp phần hỗ trợ, động viên công nhân, người lao động gắn bó, yên tâm tham gia lao động, sản xuất.

Dù tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp còn một số hạn chế, yếu kém song có thể khẳng định rằng, trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, khẳng định mạnh mẽ vai trò của tổ chức Công đoàn đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong tình hình mới…

H.X.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.