Phản bác, phê phán quan điểm sai trái và nhận thức lệch lạc về nguyên tắc tự phê bình và phê bình

Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc tổ chức, hoạt động và là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng. Các thế lực thù địch luôn xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc này. Hơn nữa, khi một số cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện không nghiêm, hiệu quả thấp thì ngay trong nội bộ Đảng cũng xuất hiện những nhận thức lệch lạc về nguyên tắc này. Nhận diện đầy đủ để đấu tranh phản bác, phê phán, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời đến nay đã khẳng định vai trò quyết định của công tác xây dựng Đảng, trong đó “Sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”(1). Điều lệ Đảng đã xác định tự phê bình và phê bình trong Đảng là một trong 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 các khoá XI, XII và XIII đều xác định 3 nhiệm vụ cấp bách về xây dựng Đảng để tập trung những giải pháp khắc phục, trong đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là vấn đề cấp bách nhất. Giải pháp đầu tiên được xác định và quán triệt trong cả 3 nghị quyết nêu trên đều nhấn mạnh nhiệm vụ tự phê bình và phê bình.

Trên thực tế, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng được chú trọng, thực hiện nghiêm túc, bài bản, nền nếp, đem lại những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần khắc phục được những khuyết điểm trong mỗi tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, vẫn còn không ít nơi thực hiện hình thức, đối phó, hiệu quả thấp, từ đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận vai trò của nguyên tắc này; đồng thời xuất hiện những khuynh hướng tư tưởng lệch lạc ngay trong cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên. Cụ thể là:

Thứ nhấtthiếu tin tưởng vào tác dụng của nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Ở một số cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu độc đoán, gia trưởng, thích xu nịnh, ít lắng nghe phê bình, thậm chí ngấm ngầm trả thù người phê bình mình, làm cho cấp uỷ, tổ chức đảng mất dân chủ, tự phê bình và phê bình trở thành hình thức.

Ở những cấp uỷ, tổ chức đảng mắc khuyết điểm kéo dài trong thực hiện nguyên tắc làm cho đảng viên cả cũ và mới thực hiện đối phó, chiếu lệ, hiệu quả thấp, hậu quả là thiếu tin tưởng vào tác dụng của nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nội bộ “đoàn kết xuôi chiều” (thực chất là mất đoàn kết). Đây là tình trạng khá phổ biến ở những cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu bị kỷ luật vì khuyết điểm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm lớn do không được nhắc nhở, không được phê bình để sửa chữa, khắc phục kịp thời. Từ đó xuất hiện tư tưởng cho rằng nguyên tắc này thiếu tính khả thi, không có tác dụng cho dù hằng tháng, hằng năm hay mỗi nhiệm kỳ đại hội đều thực hiện nhưng chỉ là đối phó, để báo cấp cấp trên.

Thứ hai, thiếu trung thực trong tự phê bình.

Mặc dù nguyên tắc tự phê bình và phê bình được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau, nhất là dịp sinh hoạt thường kỳ của cấp uỷ, tổ chức đảng nhưng không ít tổ chức đảng coi nhẹ, làm qua loa, cốt cho xong. Không ít cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên thiếu trung thực trong tự phê bình và phê bình đã được cấp uỷ cấp trên gợi ý kiểm điểm qua mỗi dịp kiểm điểm hằng năm hoặc khi thực hiện chủ trương lớn của Đảng về tự phê bình và phê bình như thực hiện Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hay các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: “tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”(2).

Không thể phủ nhận thực trạng một bộ phận đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao khi chưa có ai biết hoặc có biết nhưng không dám dấu tranh, phê bình. Đây cũng là cái cớ để các thể lực thù địch khoét sâu, thổi phồng khuyết điểm, chỉ khai thác những mặt trái và rồi đi đến “kết luận” rằng: không có ai tự “vạch áo cho người xem lưng”, ngay cả khi có chứng cứ rõ ràng mà họ vẫn còn chối bằng được thì không thể có chuyện “thật thà nhận khuyết điểm”; hoặc, nếu có người “thật thà nhận khuyết điểm” thì cũng chỉ là khuyết điểm lặt vặt, không quan trọng, nhận cho có khuyết điểm và nếu có nhận khuyết điểm đó thì cũng “chẳng chết ai”, “tự phê bình và phê bình thời nay hết tác dụng”(!). Điều đó càng làm cho không ít cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên thiếu tin tưởng vào tác dụng của nguyên tắc này, không tự giác, không thật thà nhận khuyết điểm ngay cả khi mắc khuyết điểm cần phải sửa chữa.

Thứ ba, thiếu bản lĩnh trong phê bình.

Phê bình khuyết điểm của người khác là một việc khó, nhất là phê bình đồng chí nhưng lại là cấp trên trực tiếp quản lý mình thì càng khó hơn. Tư tưởng “mũ ni che tai”, “ta không đụng đến mi thì mi cũng không đụng đến ta”, né tránh, ngại va chạm nên không dám phê bình người khác, nhất là đối với cấp trên diễn ra ở không ít cấp uỷ, tổ chức đảng hiện nay. Ngay cả trước những dấu hiệu sai trái nhưng cũng không dám thẳng thắn đấu tranh, không dám thực hiện quyền bảo lưu ý kiến theo quy định của Điều lệ Đảng vì sợ bị coi là chống đối tập thể, không ủng hộ người đứng đầu, thậm chí bị quy chụp là có “dấu hiệu mất đoàn kết” nội bộ(!). Nhiều tập thể cấp uỷ, ban thường vụ bị xử lý kỷ luật thời gian qua đều có lý do này. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “có nơi còn buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”(3).

Viện dẫn vào những hạn chế trong tiến hành tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy, tổ chức đảng; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức rêu rao rằng: tự phê bình và phê bình trong Đảng không có tác dụng, trái lại còn nuôi dưỡng tư tưởng xu nịnh nhau, nhất là nịnh cấp trên(!). Thực chất đây là những luận điệu có ý đồ chính trị xấu, hoặc chí ít cũng là không đúng tầm, không đầy đủ, không chính xác, “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, xem xét, đánh giá, nhận định phiến diện, cố tình xuyên tạc, phủ nhận mục đích, bản chất nguyên tắc và hoạt động tự phê bình và phê bình của Đảng ta.

Thứ tư, thiếu tin tưởng vào cơ chế bảo vệ người phê bình.

Mặc dù Đảng đã ban hành các quy định nhằm bảo vệ người đấu tranh phê bình, thậm chí tố cáo những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, nhưng trên thực tế vẫn có rất ít trường hợp được bảo vệ hiệu lực và hiệu quả. Do vị trí công tác, cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác gắn bó với cấp uỷ, tổ chức đảng nơi sinh hoạt mà đảng viên đó bị chi phối, ngại đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nếu phải chuyển công tác đi nơi khác thì cũng khó có nơi nào chấp nhận người “chuyên đấu đá”, đã “gây mất đoàn kết” ở nơi họ công tác. Vậy nên tư tưởng “đấu tranh, tránh đâu?”, “được vạ, má sưng” vẫn còn, cơ chế bảo vệ người đấu tranh phê bình khó khả thi. Do đó, hiện tượng tố cáo giấu tên, nặc danh hay gửi thông tin cho các cơ quan kiểm tra đảng, thanh tra nhà nước, báo chí của đảng viên trong nội bộ cấp uỷ, tổ chức đảng khi người có sai phạm khi đương chức, đã chuyển công tác hay đã nghỉ hưu, thậm chí lên chức cao hơn rồi mới bị phát hiện xử lý, làm giảm lòng tin của đảng viên và nhân dân đối với tính khả thi của nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Vì vậy, một mặt phái tích cực đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và nhận thức lệch lạc ngay trong đội ngũ đảng viên có hiệu quả, mặt khác phải lấy “phòng” là quan trọng, lấy “xây” là chính, vì nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh sẽ là cách tốt nhất để “miễn dịch” với những tư tưởng sai trái, thù địch và phải thực hiện đồng bộ những giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng.

C.Mác khẳng định: “Những sai lầm về sách lược là lúc nào cũng có thể có”, do vậy “sự phê phán là yếu tố sống còn của nó”(4). Ph.Ăngghen cũng cho rằng việc tự phê bình và phê bình là tuyệt đối cần thiết và bằng cách đó đảng học đ­ược cách hoạt động tốt hơn.

V.I.Lênin chỉ rõ, cán bộ, đảng viên của đảng cũng là con người, “không phải là thiên thần, không phải là thánh, không phải là anh hùng mà cũng là người như tất cả mọi người khác. Họ cũng có khuyết điểm. Đảng sửa cho họ”(5); “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao, tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình…”(6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”. Bởi vậy: “Về luật phát triển, Đảng Lao động Việt Nam dùng lối tự phê bình và phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng”(7). Người đã đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về tự phê bình và phê bình: “Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm. Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ. Mục đích của tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ”(8).

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, thì cũng như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng, nguy đến tính mệnh: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(9).

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhờ tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đúng đắn mà những mâu thuẫn, bất đồng, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được giải quyết có lý, có tình, không để tích tụ lại từ nhỏ thành lớn, phá hoại khối đoàn kết thống nhất của Đảng, không để những người thiếu thiện chí với Đảng lợi dụng những bất đồng, những mâu thuẫn đó gây chia rẽ Đảng. “Tự phê bình và phê bình là một quy luật phát triển và tiến bộ của Đảng, cũng là một phương pháp căn bản để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng”(10).

Mỗi cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên nhận thức đầy đủ, đúng đắn vai trò của tự phê bình và phê bình trong Đảng thì tự phê bình và phê bình như “rửa mặt hằng ngày”, thực sự trở thành quy luật phát triển của Đảng.

Hai là, nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp uỷ, tổ chức đảng, thực hiện đầy đủ, đúng đắn nội dung và hình thức tự phê bình và phê bình.

Hoạt động tự phê bình và phê bình diễn ra chủ yếu trong sinh hoạt đảng. Chỉ trong sinh hoạt đảng thì đảng viên mới được lấy tư cách là đảng viên để phê bình đồng chí của mình và phê bình các tổ chức của Đảng.

Chủ thể của hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng là mọi đảng viên của Đảng, là tất cả các tổ chức trong Đảng, từ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cho đến các tổ đảng ở các chi bộ của đảng đều phải tự phê bình và phê bình.

Trong quá trình xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn coi trọng tự phê bình và phê bình:

Nội dung tự phê bình và phê bình trong Đảng bao gồm toàn bộ các mặt hoạt động cả Đảng và của mọi cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện hiện nay cần hướng vào việc thực hiện các nghị quyết của Đảng; thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng, thực hiện nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, cần chú trọng phê phán những quan điểm lệch lạc, sai trái, những tệ nạn gia trưởng, độc đoán, quan liêu, hối lộ, tham nhũng, sự vô trách nhiệm, vô tổ chức kỷ luật, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng.

Hình thức tự phê bình và phê bình trong Đảng bao gồm tự phê bình và phê bình của cấp trên đối với cấp dưới, cấp dưới phê bình cấp trên; cán bộ, đảng viên phê bình cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và phê bình cùng cấp… Được thể hiện qua các hình thức như: hội nghị chi bộ, đảng bộ thường kỳ, các đại hội Đảng các cấp, các đợt sinh hoạt chính trị tập trung, các báo cáo hàng tháng, hàng quý của cấp dưới với cấp trên, báo cáo nhiệm kỳ đại hội của cấp trên trước cấp dưới và qua các phương tiện thông tin đại chúng…

Thứ ba, đảm bảo tính chất của tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Tính đảng là phải trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, trên cơ sở các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng để tự phê bình và phê bình; phải đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng và hành động sai trái; không chấp nhận tính thụ động, bàng quan với những sai lầm, khuyết điểm của bản thân và của đồng chí mình. Tính đảng còn thể hiện ở việc tự phê bình và phê bình ngay khi thấy có những biểu hiện lệch lạc, phải đối chiếu với yêu cầu tư cách, tiêu chuẩn đảng viên, cán bộ và những quy định của Đảng để tự phê bình và phê bình, không đợi đến khi sai lầm, khuyết điểm đã rõ, có bằng chứng pháp lý mới tiến hành tự phê bình và phê bình.

Tính giáo dục là tự phê bình và phê bình của Đảng nếu được hiểu đúng, thực hiện đúng thì tự bản thân nó đã chứa đựng tính giáo dục sâu sắc. Tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản nhằm mục đích chính là củng cố Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, phong cách công tác, phát triển trí tuệ, nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên… Đây là những điểm thể hiện rõ nhất tính giáo dục sâu sắc của tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tự phê bình và phê bình “để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng”(11). Trong nhiều trường hợp, phê bình không nhất thiết diễn ra trong hội nghị mà sự chân thành “vỗ vai bảo nhau” còn có tác dụng hơn.

Tính khách quan, trung thực, chân thành và công khaithể hiện ở sự khoa học, công tâm của cả người tự phê bình và người phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”(12), phải tôn trọng thực tế khách quan, không vội vàng quy kết cho đồng chí mình. Phê bình như chữa bệnh cứu người, cho nên phải chân thành, phải thân ái, trên tình đồng chí, tránh biến tự phê bình và phê bình thành những cuộc cãi vã, vi phạm nhân phẩm của cán bộ, đảng viên.

Tự phê bình và phê bình công khai có nghĩa là công khai nói rõ những ưu điểm, khuyết điểm của mình và của đồng chí mình; phân tích, xem xét, đánh giá mọi công việc của tổ chức đảng trước mặt cán bộ, đảng viên và tiến hành trong tổ chức đảng. Không phê bình trước mặt mà “nói sau lưng”, đó là việc làm không trong sáng.

Tính cụ thể, thiết thực và kịp thời là đòi hỏi tự phê bình và phê bình phải cụ thể, thiết thực, phải có nội dung, có địa chỉ; phải chỉ ra được đúng, sai, nguyên nhân và cách khắc phục; phải gắn với điều kiện cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên. V.I. Lênin đã dạy: “khi các đồng chí nghe thấy một lời phê phán như thế, một sự phê phán để mà phê phán, thì các đồng chí hãy đề phòng, hãy tìm xem người phê phán đó có tự ái về điều gì chăng, có lẽ có điều gì chọc tức họ hay chạm đến cá nhân họ chăng, khiến họ đi đến chỗ đối lập bừa bãi, đối lập để mà đối lập”(13).

Tính kịp thời là phải tự phê bình và phê bình ngay lập tức những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên và của tổ chức đảng, không để chúng tích tụ lại, trầm trọng thêm; ngăn chặn không để chúng tái diễn ở cán bộ, đảng viên và cấp uỷ, tổ chức đảng khác.

Thứ tư, thực hiện đúng phương pháp thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành, phải thể hiện rõ những đặc tính cơ bản của tự phê bình và phê bình của Đảng. Việc khéo léo sử dụng tự phê bình và phê bình sẽ làm tăng chất lượng. Phê bình người nào, khi nào, nói những gì, bằng cách nào, nói đến mức độ nào… phải biết xử thế một cách tế nhị, khôn  khéo thì người nghe mới dễ tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm nhanh chóng. Ngược lại, sử dụng không khéo tự phê bình và phê bình thì hiệu quả thu được thấp, thậm chí còn gây tác hại. Tuy nhiên, nếu né tránh lựa chiều khi tự phê bình và phê bình tác hại sẽ lớn hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những người hay dùng phương pháp hành chính, mệnh lệnh, không biết sử dụng những phương pháp thích hợp để giải quyết công việc. Người đã nói một cách hình ảnh rằng: “bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán”(14).

Yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn được đặt ra cấp bách, nhất là trong bối cảnh, tình hình hiện nay. Vì vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải luôn kiên định lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng; xa rời, từ bỏ nguyên tắc này là xa rời, từ bỏ Đảng từ bản chất. Đồng thời, đề cao cảnh giác, nhận diện rõ bản chất, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc nguyên tắc này. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nêu cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình như “rửa mặt hằng ngày” để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên “Phải làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, thật sự trở thành vũ khí sắc bén của toàn Đảng, làm cho tự phê bình và phê bình thật sự là một quy luật phát triển của Đảng”(15), để Đảng ta luôn “là đạo đức, là văn minh”./.

PGS. TS. NGUYỄN MINH TUẤN/TG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

__________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, t.37, tr.830, 638-639.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.22.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.91.

(4) Các Mác – Phri-đrích Ăng-ghen: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, H, 1980, t.6, tr.707.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2006, t.21, tr.524.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t.45, tr.141-142.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, t.12, tr.37.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.10, tr.386.

(9) (11) (12) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.301, 301, 272, 286.

(13) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t.42, tr.51.

(15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng (tại Đại hội IV), Nxb. Sự thật, H, 1977, tr.97.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *