CẦN TỈNH TÁO NHẬN DIỆN CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA TỔNG THỐNG NGA VLADIMIR PUTIN
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 19/6 – 20/6/2024. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hiện thực hóa Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030.
Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã tán phát lên không gian mạng nhiều thông tin bịa đặt, xuyên tạc về mối quan hệ Việt Nam – Nga cũng như quan hệ của Việt Nam với các nước khác. Chúng cho rằng Việt Nam đang bắt tay với “tội phạm chiến tranh”, “tội phạm truy nã Quốc tế”; “Việt Nam muốn “lợi dụng” Nga để đối trọng giữ cân bằng với Mỹ và Trung Quốc, xử lý vấn đề biển Đông bớt căng thẳng;… Đây rõ ràng là những luận điệu hoàn toàn sai trái, cố tình xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Chuyến thăm của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Nga kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga. Đồng thời, đây cũng là biểu tượng khởi đầu cho một giai đoạn mới trong phát triển hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, tạo ra tiền đề cho việc đưa quan hệ hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Suốt 30 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã không ngừng nỗ lực vun đắp cho tình hữu nghị bền chặt, củng cố và thúc đẩy hợp tác song phương một cách toàn diện trên các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Về việc xử lý các vấn đề phức tạp trên biển Đông, đây vốn là một trong những vấn đề nổi cộm trong quan hệ quốc tế, giữa các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc đã có cam kết cấp cao là kiểm soát đại cục, trong đó có vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam không vì thấy Trung Quốc là nước lớn mà sợ sệt chịu buông rơi chủ quyền của mình trên biển, ngược lại luôn thể hiện rõ lập trường, quan điểm nhất quán giải quyết các vấn đề phức tạp trên biển Đông phải dựa vào luật pháp quốc tế. Đối với Nga, dù họ cũng là cường quốc trên biển, song không vì thế mà Việt Nam mong muốn Nga “chống lưng” cho mình để chống lại Trung Quốc, đường lối ngoại giao của Việt Nam là tự chủ, tự lực, tự cường, dựa vào sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, nhất quán thực hiện chính sách “bốn không”, đó là: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Có thể nói một cách hình ảnh là trong quan hệ đối ngoại thì Việt Nam không “trao thân gửi phận” cho bất cứ ai, vì nếu làm như thế thì sẽ vô hình trung gieo mầm họa bị xâm lăng cho quốc gia, dân tộc.
Vì vậy, luận điệu rằng Việt Nam “tiếp tay” hay “lợi dụng” nước này để chống nước kia là hành động cố tình suy diễn, xuyên tạc nhằm can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, kích động làm cho tình hình thêm phức tạp, tạo hoài nghi trong Nhân dân, làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, chủ động phát hiện, kịp thời đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật, góp phần bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân, làm thất bại âm mưu thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
(VTH)