CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VAI TRÒ CỦA “ĐỨC TRỊ” VÀ “PHÁP TRỊ”!

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết với các luận điệu xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Theo đó, chúng cho rằng xu hướng quản trị của Đảng, Nhà nước ta hiện nay là “quay về một chủ thuyết chính trị lạc hậu, đã bị loài người và xã hội văn minh vứt bỏ, đó là chủ thuyết Đức trị”, chúng rêu rao rằng “chủ thuyết” này được sử dụng để “loại bỏ bất kỳ ai đi chệch khỏi quỹ đạo đạo đức của mình, mà đôi khi không vì một mục đích chính đáng nào cả” và “nó đang làm phai nhạt Nhà nước pháp quyền và những giá trị như nhân phẩm, tự do và dân chủ. Điều này là vô cùng nguy hiểm cho tương lai Việt Nam”. Vậy hiểu thế nào cho đúng?

Đề ra các tiêu chuẩn, quy định về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên

Không phải đến bây giờ Đảng ta mới đề ra các tiêu chuẩn, quy định về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên mà vấn đề này đã được đề cập, chỉ rõ và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hiện từ rất sớm, trong nhiều văn bản như: Điều lệ Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW… Tuy nhiên, nhằm hiện thực hóa hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW.

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới là cơ sở quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trong bối cảnh Đảng ta đang quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nội dung Quy định 144-QĐ/TW ngắn gọn, chứa đựng nhiều nội hàm, tiêu chí mới, thể hiện toàn diện phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, trong đó có việc “thực hiện văn hóa từ chức” – khái niệm lần đầu được đề cập chính thức trong văn bản của Đảng. Có thể nói, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144-QĐ/TW đã cung cấp thêm cơ sở vững chắc để “thanh lọc” những cán bộ, đảng viên không hội tụ đủ chuẩn mực đạo đức cách mạng, nhất là không đủ khả năng, uy tín, mang tính nhân văn, nêu cao tính tự giác của cán bộ, đảng viên: Khi thấy bản thân không còn đủ năng lực, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng, tin cậy của nhân dân, giảm sút uy tín trong tổ chức, cơ quan, đơn vị thì chủ động từ chức, xin thôi làm nhiệm vụ.

Không có nghĩa là đề cao “đức trị” mà xem nhẹ “pháp trị”!

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”. Với 07 đặc trưng, gồm: (1) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; (2) Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật; (3) Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; (4) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; (5) Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán; (6) Độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; (7) Tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Kế thừa và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công cuộc phòng, chống tham nhũng để xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, Đảng ta luôn có sự thống nhất giữa “đức trị” và “pháp trị”, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Về mặt bản chất, “đức trị” và “pháp trị” đều là hai mặt của một thể thống nhất, một bản thể duy nhất không tách rời. Việc các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc vai trò của “đức trị” và “pháp trị” trong trị quốc an dân của Đảng, Nhà nước ta cho thấy tính phiến diện, dã tâm đen tối của chúng, chúng ta cần hết sức tỉnh táo để nhận diện, đấu tranh bác bỏ!

Hoà Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *