XUYÊN TẠC TRUYỀN THỐNG “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” CỦA DÂN TỘC – TỘT CÙNG CỦA SỰ VONG ÂN!

Cứ mỗi năm vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7), trong khi cả nước đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng thì đâu đó vẫn xuất hiện những tiếng nói lạc lõng xuyên tạc, phủ nhận chính sách thương binh, liệt sĩ, chống phá, bôi xấu Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN ở Việt Nam của những kẻ “không có trái tim lẫn khối óc”. Thủ đoạn mà các đối tượng này thường xuyên sử dụng là cố tình đánh tráo khái niệm, đánh đồng công lao, cống hiến của những người chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang với những tên tay sai, bán nước cầu vinh. Không những thế, chúng còn hồ đồ cho rằng kinh kế Việt Nam chậm phát triển là do gánh nặng của chính sách xã hội, trong đó có chi phí quá nhiều cho thương binh, liệt sĩ. Chưa dừng lại ở đó, chúng còn đòi xét lại lịch sử, phủ nhận giá trị của độc lập, thống nhất Tổ quốc, cho rằng Việt Nam không nhất thiết phải tiến hành các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ dẫn đến hậu quả phải giải quyết vấn đề thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng… Thật là luận điệu hồ đồ, tráo trở của những kẻ vong ân bội nghĩa, mất nhân tính!

Từ Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16/2/1947 “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ” đến các văn bản của Đảng (như: Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị khóa XI; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư khóa XII…) và các văn kiện của các Đại hội của Đảng (từ Đại hội VI của Đảng năm 1986) đều chủ trương huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người có công, coi đây vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương, mở rộng phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt chính sách, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng, tiến bộ và công bằng xã hội…

Từ chủ trương của Đảng, Nhà nước không ngừng thể chế hóa vào cuộc sống, ban hành hàng loạt các chính sách, như: Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi người có công lần thứ ba, ngày 18/6/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH ngày 15/11/2007 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn bổ sung việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ Về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đúng tiến độ, đúng, đủ đối tượng; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Chỉ thị số 368-CT/QUTW, ngày 12/6/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2016 – 2020; Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng…

Có lẽ, hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam thấm thía sâu sắc nhất nỗi đau của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Biết bao nhiêu mới là đủ để đền đáp sự hi sinh, công lao to lớn của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, gia đình cách mạng? Việc Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt, bản chất nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, thể hiện đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của văn hóa dân tộc Việt Nam, khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh đã hy sinh xương máu, tuổi trẻ cho nền hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Những kẻ buông lời xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, xuyên tạc truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc chỉ càng cho thấy sự xấu xa, hèn mọn của những kẻ vong ân bội nghĩa mà thôi!

(HOÀ XUÂN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *