ĐẤU TRANH VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VIỆT NAM “TÌM MỌI CÁCH TRIỆT TIÊU QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN CỦA NGƯỜI DÂN”

Tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Điều này được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 và được thể chế hóa trong các bộ luật liên quan như Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, đồng thời thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp tình hình thực tiễn. Qua đó, tạo cơ sở, hành lang pháp lý để mọi người dân được tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, Việt Nam có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình đang hoạt động trên cả nước. Tính đến đầu năm 2024, Việt Nam là quốc gia có số lượng người dùng Internet, mạng xã hội cao trên thế giới với 78,44 triệu người sử dụng Internet, tỉ lệ tiếp cận Internet đạt 79,1%; có 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73,3% tổng dân số; có tổng cộng 168,5 triệu kết nối di động, tương đương 169,8% tổng dân số… Những con số trên là minh chứng sống động cho tình trạng tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin của người dân trên đất nước Việt Nam. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đây là thành tựu thực tế không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực thì môi trường Internet, mạng xã hội đã và đang đặt ra những thách thức, khó khăn đối với công tác quản lý nhà nước. Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phần tử phản động triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội, coi đây là “mảnh đất màu mỡ” để đăng tải, chia sẻ các thông tin, bài viết xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, nhất là trong những dịp đất nước diễn ra các sự kiện chính trị lớn thì cường độ, tần suất các bài viết, thông tin xấu độc, xuyên tạc càng rộ. Điều đó, buộc các cơ quan chức năng của Việt Nam phải yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội gỡ bỏ, vô hiệu hóa các video clip, bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage có nội dung thông tin xấu độc. Bên cạnh đó, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng có xu hướng gia tăng về số vụ và mức độ tinh vi, phức tạp. Theo số liệu của cơ quan chức năng, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng trong năm 2023 khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2022. Theo thống kê, 91% vụ lừa đảo liên quan lĩnh vực tài chính và có đến 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo; cơ quan chức năng đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng…

Thực trạng này cho thấy việc kiểm soát, bảo đảm không gian mạng an toàn, lành mạnh cho người dân là việc làm hết sức cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên. Việc Bộ Công an đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để chống tội phạm công nghệ cao, trong đó triển khai lực lượng an ninh mạng ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước là biện pháp phù hợp, xuất phát từ thực tiễn để tăng cường bảo đảm an toàn cho người dân trên môi trường không gian mạng, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, điều này lại là trở ngại đối với các thế lực thù địch, phần tử phản động bấy lâu nay vẫn rình rập, lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Việc RFA đăng tải bài viết “An ninh mạng ở 63 tỉnh, thành: Gia tăng đàn áp?” trên trang facebook của nhà đài này vào hôm 23/8 trong đó có nội dung cho rằng: “Công an phải tìm mọi cách triệt tiêu quyền tự do ngôn luận”; “lời tuyên chiến với quyền tự do ngôn luận của người dân” chính là hành vi “tự vạch áo cho người xem lưng” mà thôi!

Hoà Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *