BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Kỳ 2: “CUỘC CHIẾN” VỚI CÁC NỀN TẢNG XUYÊN BIÊN GIỚI

Từ khi nền tảng mạng xã hội (MXH) xuất hiện cũng là lúc nhiều đối tượng xấu đăng tải rất nhiều bài viết, thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những thông tin vô căn cứ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. Việc ngăn chặn, gỡ bỏ hết các nội dung này trên nền tảng MXH và xử lý các tổ chức, cá nhân đứng đằng sau các thông tin sai sự thật đó là nhiệm vụ cấp bách trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng (KGM). Một trong những giải pháp quan trọng đó là buộc các nền tảng xuyên biên giới (XBG) phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Đ/c Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc với Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc (Ảnh: TTXVN)

 “Cuộc chiến” với các nền tảng xuyên biên giới

Tại diễn đàn các kỳ họp Hội đồng Nhân dân, Quốc hội, nhiều cử tri đã phản ánh, trong thời gian qua, các thế lực thù địch đã đăng tải những nội dung, thông tin xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước; lập ra các trang Web, trang MXH mạo danh cơ quan nhà nước, cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước đăng tải những nội dung không đúng sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, mất niềm tin, gây nghi ngờ, hoang mang trong đảng viên và quần chúng nhân dân, phá hoại nghiêm trọng nền tảng, tư tưởng của Đảng, nhất là các nền tảng XBG do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ (YouTube, Facebook, Tiktok…)

Từ thực tế trên, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã vào cuộc nhưng không phải một sớm một chiều, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ XBG sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. Trước năm 2017, các doanh nghiệp XBG gần như không hợp tác với Việt Nam. Các nền tảng XBG đều là các công ty đa quốc gia và được sự hậu thuẫn chủ yếu là Chính phủ Mỹ, Trung Quốc. Do đó, việc đấu tranh với các đơn vị này chịu nhiều sức ép từ Chính phủ các nước, từ các tổ chức quốc tế và thông qua cơ quan ngoại giao.

Qua hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII, Việt Nam đã áp dụng sáng tạo các biện pháp và linh hoạt trong từng giai đoạn đấu tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, buộc họ phải tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam, phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta và đã thu được kết quả tích cực, quan trọng.

Trước năm 2017, không có bất cứ nội dung thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam nào được các nền tảng XBG ngăn chặn, gỡ bỏ. Từ đầu năm 2017-2019, nhất là sau khi Bộ TT&TT ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016, quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đã tạo căn cứ pháp lý đầu tiên, đặt nền móng cho công tác đấu tranh với các nền tảng XBG, buộc các đơn vị này phải hợp tác với Chính phủ Việt Nam, thực hiện yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng do họ cung cấp. Tuy nhiên, 02 nền tảng Facebook và Google chỉ chặn gỡ các nội dung vi phạm với số lượng giới hạn ở mức thấp với khoảng 200 link/tuần, không chặn gỡ các tài khoản, kênh, hội nhóm… Tỷ lệ đáp ứng thời gian đầu chỉ đạt 10% và nâng dần lên đạt từ 50 – 60%.

Giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay, xuất hiện thêm TikTok, nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc và phát triển khá nhanh tại Việt Nam, đặc biệt là với giới trẻ. Việt Nam đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để đấu tranh quyết liệt với các doanh nghiệp này. Nhờ đó, công tác đấu tranh đã có bước tiến rõ nét, đạt kết quả khá tích cực, như: Các doanh nghiệp đều đã nâng tỷ lệ đáp ứng; đẩy mạnh việc triển khai bộ lọc, thuật toán, nhân sự để chủ động chặn lọc tối đa các thông tin, hình ảnh có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Ba nền tảng Facebook, Google và TikTok đều đã thực hiện các yêu cầu chặn, gỡ tài khoản, kênh vi phạm; nâng số lượng chặn gỡ lên tới 700 link/tuần (gấp 3,5 lần giai đoạn trước); nâng tỷ lệ đáp ứng lên trên 90%. Đặc biệt, từ đầu năm 2023, Việt Nam đã buộc các nền tảng XBG phải thực hiện quy trình xử lý đặc biệt trong các tình huống nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Gần đây, Facebook đã buộc phải thực hiện gỡ bỏ hàng loạt các hội, nhóm có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội đồng phê, Link về các em gái bé….Đặc biệt, vụ việc khủng bố tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023 đã thể hiện rõ nét hiệu quả của quy trình này. Chỉ trong 48 giờ đầu tiên kể từ thời điểm các nền tảng XBG nhận được thông báo từ cơ quan chức năng, các doanh nghiệp này đều đã tăng cường nhân sự cũng như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và thuật toán để chặn lọc tự động, để chủ động rà quét, gỡ bỏ hàng nghìn nội dung vi phạm liên quan đến vụ việc này. Cả 3 nền tảng phổ biến tại Việt Nam đều gỡ bỏ thông tin sai sự thật đến vụ việc tại Đăk Lăk với tỷ lệ khá cao: YouTube 96%, Facebook và Tiktok đều 97%.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Để công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên KGM đạt hiệu quả cao hơn nữa, thời gian tới, ngoài việc duy trì các biện pháp đang triển khai, Việt Nam sẽ nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Các cơ quan chức năng sẽ chuyển mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội, nhất là trên KGM.

Tăng cường các biện pháp hỗ trợ cơ quan báo chí phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện để góp phần lan tỏa thông tin tích cực trên KGM.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo các cấp tiếp tục chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền đối nội, đối ngoại về các sự kiện chính trị, các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là trước các vấn đề được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Bộ TT&TT tiếp tục nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo từ các nền tảng XBG về các cơ quan báo chí, các trang thông tin điện tử, trang, kênh nội dung đã được xác thực, có kết quả số liệu bước đầu. Sử dụng hiệu quả đội ngũ các công ty truyền thông lớn, các KOLs đã tập hợp, kết nối được để triển khai các chiến dịch truyền thông chính sách, các chủ trương lớn của Chính phủ. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân.

Duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng XBG ở mức cao (>90%). Gỡ nhiều tài khoản, trang, kênh, nhóm vi phạm hơn. Xử lý và buộc các nền tảng XBG phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam. Chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông trong nước tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện giải pháp chặn lọc sâu tới từng gói tin, từng tài khoản MXH để có thể ngăn chặn truy cập vào đường link bất kỳ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, không để người dùng Việt Nam tiếp cận thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch. Nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp hạ tầng trong việc tuân thủ pháp luật, từ chối hợp tác, kinh doanh với các tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật và ngăn chặn, không để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng hạ tầng viễn thông để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

 Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên không gian mạng.

Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng mạng lưới công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa các phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.

Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đủ về số lượng, mạnh về chất lượng.

Giải pháp quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm về công tác giám sát trên KGM, bỏ thói quen phán xét chỉ bằng kinh nghiệm và trực giác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Cán bộ đảng viên trước hết phải nắm bắt được thông tin từ thực tiễn đời sống Nhân dân trên mọi lĩnh vực. Từ đó, nắm bắt kịp thời dư luận, mọi sự việc một cách toàn diện, mới đưa ra các nhận định, dự đoán chính xác những vấn đề trên KGM. Vừa giảm cái xấu, vừa đưa nhiều cái tốt lên KGM, bởi bản chất của chế độ ta, xã hội ta, cái tốt mới là chủ đạo.

(TTH)

Tài liệu tham khảo:

An toàn thông tin khi sử dụng mạng xã hội. Bộ TT&TT. NXB TT&TT, 2020;

An ninh mạng trong cuộc CMCN 4.0. Bộ TT&TT. NXB TT&TT, 2020;

Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Học viện Chính trị Quốc gia HCM. NXB Lý luận chính trị, 2024.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *