ĐÀI Á CHÂU TỰ DO (RFA) LẠI LỘNG NGÔN, XUYÊN TẠC CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC TA
Lợi dụng việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng (Nghị định 147), Đài Á Châu tự do (RFA) đã tán phát lên không gian mạng bài viết: “Chính phủ ra Nghị định quản lý mạng xã hội buộc người dùng định danh mới được livestream”, có nội dung xuyên tạc rằng: “Đây là một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam sử dụng Internet. Nó một lần nữa cho thấy Internet của Việt Nam đang ngày càng trở nên kém tự do hơn và đang tiến gần đến tình trạng ở Trung Quốc”. Đây rõ ràng là những luận điệu hoàn toàn sai trái, cố tình xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền tự do dân chủ của người dân, đặc biệt là ở trên môi trường mạng.
Nghị định 147 của Chính phủ được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng. Đáng chú ý tại Điểm e, khoản 3, Điều 23 của Nghị định 147, Chính phủ đã chính thức bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại. Trường hợp người dùng mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật. Nghị định cũng chỉ rõ, chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Có thể thấy rằng điều này là hoàn toàn hợp lý bởi việc bổ sung quy định cụ thể về xác thực người dùng mạng xã hội là cần thiết bởi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng cũng như các hành vi “lộng ngôn” vu cáo, bôi nhọ người khác. Việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Theo nhận định của cơ quan chức năng, mạng xã hội hiện có mức độ ảnh hưởng lớn, sức lan tỏa nhanh và rộng nên với việc định danh, người dùng sẽ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng. Không chỉ vậy, việc bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động còn là để phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành.
Việc thực hiện các quyền tự do ngôn luận phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, không thể tự do vu khống, xúc phạm hay làm tổn hại đến lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần đối với người hay tổ chức khác; cũng không thể nói muốn nói gì thì nói, thông tin bừa bãi, vô lối trên mạng được. Thêm nữa, thời gian vừa qua chúng ta đều thấy trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện tình trạng đăng tải, lan truyền thông tin xấu độc mang tính bịa đặt, vu khống cá nhân và tổ chức. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác mà còn gây mất an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Chính vì vậy, những luận điệu của RFA đưa ra trong bài viết trên hoàn toàn là thông tin xuyên tạc, bịa đặt với mục đích lợi dụng chiêu bài “tự do ngôn luận” để xuyên tạc việc định danh khi thực hiện hành vi livestream trên mạng xã hội của Nghị định 147. Mọi người hãy cảnh giác và loại bỏ nó ra khỏi không gian mạng.
(CHÍNH TRỰC)