QUYỀN CHÍNH TRỊ CỦA PHỤ NỮ LUÔN ĐƯỢC ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM QUAN TÂM, CHÚ TRỌNG

Gần đây, trên trang mạng Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã tán phát bài viết “Chính trường Việt Nam ít chỗ cho phụ nữ” với nội dung xuyên tạc rằng: Tỷ lệ nữ giới trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước vẫn còn rất ít, con đường dẫn tới quyền lực cho phụ nữ thường là đi qua Quốc hội, có những vị trí không mấy quan trọng trong chính trị Việt Nam; chúng còn kích động, tuyên truyền rằng, Đảng phải vượt lên trên tính hình thức về đại diện nữ ngay trong các cơ quan đưa ra quyết định cao nhất. Đây rõ ràng là nhận định sai lệch, thiếu khách quan nhằm chống phá chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, là chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.

Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ: Nam – Nữ bình quyền là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Điều này được ghi nhận trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” năm 1930. Để thể hiện rõ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đó, trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chính sách, quy định nhằm tạo điều kiện và cơ hội để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác, từng bước vươn lên, phát huy trí tuệ và sức lao động của bản thân; đồng thời là công cụ để tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ, phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, tham gia các cơ quan dân cử. Từ đó, vai trò, vị thế của cán bộ nữ được nâng lên và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành, cơ quan, đơn vị và của cả nước.

Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”; “tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”. Đến Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: Công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Bên cạnh đó, các quyền cơ bản của phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới cũng được đề cập đến trong các văn bản luật như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Dân số, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới…

Thực tiễn đã minh chứng rằng, tỷ lệ nữ tham gia chính trị ở nước ta ngày càng tăng. Theo kết quả bầu Quốc hội khóa XII tỷ lệ nữ chiếm 25,76%; khóa XIII tỷ lệ nữ chiếm 24,40%; khóa XIV chiếm 26,8%; Quốc hội khóa XV chiếm 30,26%. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ đại hội XIII của Đảng, cán bộ nữ tham gia cấp ủy cả 3 cấp đều tăng về số lượng và chất lượng. Cụ thể, ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 21% (tăng 2%) so với nhiệm kỳ trước. Đối với cấp trên cơ sở đạt 17%, cũng tăng 2%. Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16% và tăng 3% so với nhiệm kỳ trước. Có hơn 4.200 cán bộ nữ được lựa chọn, giới thiệu và bầu giữ chức vụ cán bộ chủ chốt trong Đảng và chính quyền ở cả 3 cấp… Đây là tỷ lệ tương đối cao qua các kỳ bầu cử Quốc hội và đã đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan lập pháp cao nhất châu Á và cũng như trên thế giới (trên 25%).

Từ những kết quả trên cho thấy, quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam được bảo đảm tốt, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy, chính quyền không chỉ cao hơn các quốc gia trong khu vực châu Á, mà còn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ chung của toàn cầu. Điều này là minh chứng thiết thực nhất đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

(NCG)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *