Bác bỏ sự xuyên tạc, phủ nhận lịch sử hòng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng
Thêu dệt để xuyên tạc những sự kiện lịch sử nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kích động xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những hình thức mà các thế lực thù địch thường sử dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Nhận diện, đấu tranh bác bỏ thủ đoạn này là yêu cầu cấp bách trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.
Lịch sử là những điều đã qua, nhưng luôn có quan hệ mật thiết với hiện tại và tương lai. Đối với mỗi chủ thể khác nhau, lịch sử bao gồm cả những thành công và hạn chế, thậm chí là thất bại. Có nhiều góc nhìn về lịch sử, song về nguyên tắc, xem xét, đánh giá lịch sử phải công bằng, khách quan, không được tô hồng, bôi đen, định kiến, chủ quan. Cho đến nay, nguyên tắc, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về tính khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển là sự khái quát cao nhất, khoa học nhất để xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng nói chung và lịch sử nói riêng. Mọi sự xa rời hoặc không tuân thủ nguyên tắc này khi xem xét, đánh giá lịch sử sẽ không tránh khỏi sai lầm. Điển hình như việc các thế lực thù địch xuyên tạc về cơ sở hình thành, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin; lấy sự kiện sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu để quy chụp cho sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác – Lênin; xuyên tạc lịch sử hình thành, nội dung, bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh hòng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v. Đây là những luận điểm hết sức sai lầm về mặt khoa học và phản động về chính trị và những luận giải dưới đây sẽ làm rõ tính chất phản động của nó.
Trước hết, về cơ sở sự hình thành, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị viện cớ: thời gian hình thành, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin từ giữa, đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là quá lâu và quá cũ rồi nên đã hết giá trị khoa học, ý nghĩa hiện thực. Rằng, chủ nghĩa Mác chỉ đúng, phù hợp với điều kiện lịch sử ở châu Âu, thế kỷ XIX, nay đã lạc hậu; chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ phù hợp ở một chừng mực nào đó với trình độ lực lượng sản xuất và văn hóa Nga, không phù hợp với thời đại ngày nay; chỉ đúng với phương Tây, không đúng với phương Đông,… (!). Đây chính là biểu hiện cố tình tách rời, thậm chí là đối lập giữa C.Mác và Ph.Ăngghen với V.I.Lênin, trong khi tư tưởng của các ông là thống nhất ở bản chất cách mạng, khoa học, cho dù có sự khác nhau ở một số nội dung, quan điểm cụ thể.
Về mặt khoa học, nếu chỉ lấy yếu tố thời gian hình thành, phát triển sớm hay muộn của một học thuyết, một tư tưởng để phán xét giá trị của nó là không khách quan, thậm chí hoàn toàn sai lầm. Bởi, trong thực tế có những học thuyết, tư tưởng vừa mới ra đời đã lạc hậu, không còn giá trị đối với xã hội. Ngược lại, có những lý luận, định đề, định lý của khoa học tự nhiên hay tư tưởng mang tính nhân đạo, nhân văn của nhân loại ra đời trước chủ nghĩa Mác – Lênin rất lâu, như: tư tưởng về tự do, bình đẳng, bác ái xuất hiện vào thời kỳ Phục hưng (thế kỷ XV – XVI) ở phương Tây đến nay vẫn được nghiên cứu, thừa nhận như một tín hiệu mới, có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển của xã hội. Do đó, không thể chỉ căn cứ vào yếu tố thời gian để chủ quan phán xét về giá trị của một học thuyết, mà phải xem xét trên cơ sở khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển của sự vật, hiện tượng. Trong khi đó, chủ nghĩa Mác – Lênin với tính chất của một học thuyết dẫn đường đã mở ra thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới; là nền tảng tư tưởng của các đảng cộng sản tập trung nhất ở phép biện chứng duy vật, chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư,… đã, đang chứng minh sức sống và giá trị bền vững thì sự xuyên tạc về lịch sử hình thành, phát triển cũng như sự phù hợp của học thuyết này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Không những thế, học thuyết Mác – Lênin là học thuyết mở; là sự định hướng về thế giới quan, phương pháp luận khoa học chung cho cả nhân loại, chứ không riêng cho quốc gia nào,… cho nên không thể nói rằng nó chỉ đúng với phương Tây, không đúng với phương Đông như các luận điệu xuyên tạc. Điều đó càng cho thấy, việc lấy yếu tố thời gian cũng như sự phù hợp với nơi này, không phù hợp với nơi khác,… để phủ nhận giá trị khoa học, bản chất cách mạng một học thuyết chỉ là cái cớ hòng thực hiện mưu đồ chống phá nền tảng tư tưởng, tiến tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và toàn xã hội.
Hai là, không thể lấy sự kiện sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu (thập niên cuối thế kỷ XX) để quy chụp cho sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác – Lênin. Chúng ta đều biết, sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là một sự thật lịch sử vô cùng đáng tiếc sau bao nhiêu năm dày công vun đắp. Tuy nhiên, đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình xã hội chủ nghĩa cụ thể, với những nguyên nhân xác đáng chứ không phải là sụp đổ của một học thuyết cách mạng và khoa học như chủ nghĩa Mác – Lênin và càng không phải là sự chấm dứt lịch sử phát triển của nhân loại đi lên chủ nghĩa xã hội theo tiến trình lịch sử – tự nhiên của các hình thái kinh tế – xã hội. Thế nhưng các thế lực thù địch lại vin vào sự kiện này để quy chụp rằng: chủ nghĩa Mác – Lênin đã không có giá trị, sức sống; chủ nghĩa xã hội chỉ là “quái thai” của lịch sử hoặc chỉ tồn tại trong tư tưởng, không có tính hiện thực; C.Mác và Ph.Ăngghen sáng tạo ra lý luận đấu tranh giai cấp để quăng lên vai những người lao động sứ mệnh tàn sát lẫn nhau; thậm chí, họ còn biện hộ cho chủ nghĩa tư bản là đỉnh cao nhất của lịch sử nhân loại, v.v. Toàn bộ những luận điệu trên của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cả trong lịch sử và hiện nay, dù diễn đạt dưới bất cứ hình thức nào, chung quy lại vẫn là đổ lỗi cho các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đó, họ rêu rao rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; kiên định với mục tiêu chủ nghĩa xã hội là không thức thời, lầm đường, lạc lối, đi vào ngõ cụt và trước sau cũng sụp đổ (!).
Đứng vững trên lập trường duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, chúng ta khẳng định rằng: sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là sự phản ánh bước phát triển quanh co, phức tạp của lịch sử chứ không phải là sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội với tính chất là xu hướng phát triển chung của nhân loại. Đó chỉ là sụp đổ của một mô hình bị rơi vào xơ cứng, giáo điều, không sinh động ở những thập niên cuối thế kỷ XX. Trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật thì mô hình ấy đáng phải sụp đổ để tư tưởng các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là khoa học, cách mạng. Bởi, xơ cứng, giáo điều là kẻ thù số một của phép biện chứng duy vật. Sự sụp đổ đó không phải do lỗi của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin, vì họ đã chỉ ra lý luận của mình chỉ là định hướng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và khi vận dụng vào thực tiễn phải sáng tạo, cụ thể. Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu từ sau thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga đến thập niên 70 của thế kỷ XX đã thu được những thành tựu kỳ diệu, mà nhân loại không thể phủ nhận. Đáng tiếc là sau đó, Đảng Cộng sản ở các nước đó không tuân thủ những nguyên tắc căn bản trong xây dựng đảng, bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, đặc biệt là bọn cơ hội xét lại trỗi dậy, lũng đoạn bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Vì vậy, việc đổ lỗi do sai lầm lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin là không tôn trọng lịch sử, thể hiện rõ mưu đồ của các thế lực thù địch là chống phá cách mạng, mà trực tiếp nhất là chống phá Đảng Cộng sản. Và, thật nực cười khi họ lại suy diễn một cách cơ học, siêu hình như vậy, trong khi lẽ ra phải khẳng định rằng, mặc dù Đảng Cộng sản ở các nước Đông Âu, Liên Xô xa rời, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin dẫn đến sụp đổ, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng là một biểu tượng sáng ngời về tính kiên định, sự trung thành mới phải.
Ba là, về sự xuyên tạc lịch sử hình thành, nội dung, bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh ở nhiều vấn đề, nhưng tựu trung lại là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó đã vượt lên trên tất cả các tư tưởng đương thời trong nước lúc bấy giờ, thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lênin ở bản chất khoa học, cách mạng; đồng thời, mang sắc thái riêng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, khẳng định vị trí, định hướng tư tưởng cho lịch sử phát triển ở Việt Nam. Kết quả lịch sử hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với sự ra đời, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa cách mạng nước ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với tầm vóc to lớn về tính cách mạng và giá trị khoa học như thế, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (1991) đã bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng của Đảng cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin. Ấy vậy mà, các thế lực thù địch lại xuyên tạc một cách trắng trợn rằng, giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ có khác biệt, không có sự thống nhất. Họ thường sử dụng thủ đoạn: cường điệu hóa tính dân tộc trong tư tưởng của Người để tách biệt, đối lập với chủ nghĩa Mác – Lênin; tỏ vẻ ca ngợi tư tưởng Hồ Chí Minh rất khách quan, nhưng thực chất là hạ thấp uy tín, tầm ảnh hưởng của Người ở trong nước và quốc tế; không nghiên cứu kỹ hoặc cố tình không hiểu bản chất, cốt lõi tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh, v.v. Thâm hiểm hơn, họ còn vu khống rằng: Hồ Chí Minh đã đưa tư tưởng đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc vào Việt Nam để Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành các cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn; nồi da, nấu thịt”; họ cho rằng không nhất thiết phải tiến hành các cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng mà vẫn có thể có độc lập dân tộc. Đây là một sự phỉ báng lịch sử, nhằm phủ nhận những cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân ta. Họ cũng không hiểu hay cố tình không hiểu rằng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và độc lập theo kiểu tư sản trái ngược nhau về nội dung, bản chất, giá trị tiến bộ. Hiện thực minh chứng: mặc dù nhiều nước đã có độc lập tư sản mà không phải tiến hành chiến tranh, nhưng thực chất vẫn không có độc lập dân tộc theo đúng nghĩa của nó. Sự độc lập đó vẫn làm cho các đảng phái chính trị trong nước thường xuyên tranh giành quyền lực, gây bất ổn chính trị, thậm chí là đảo chính, xung đột vũ trang, tổn thất rất nhiều xương máu của quần chúng nhân dân và ở chừng mực nào đó, vẫn bị lệ thuộc vào các nước đế quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”1.
Từ những phân tích trên cho thấy, bác bỏ sự xuyên tạc, phủ nhận lịch sử của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề mang tính thường xuyên, cấp bách hiện nay. Cùng với đó, cần không ngừng nắm vững và vận dụng sáng tạo, phù hợp chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Xây dựng đời sống tinh thần xã hội với tính đồng thuận cao, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn.
MINH ĐỨC/TCQPTD