Sự thực đằng sau chiêu trò đòi phi chính trị hóa Quân đội
Chấp nhận thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là một trong những nguyên nhân dẫn đến Liên Xô sụp đổ. Trước sự trì trệ, bảo thủ và lạm quyền của những người trong bộ máy tối cao của Nhà nước Xô Viết, Quân đội đã bị mất phương hướng chiến đấu, không còn giữ được bản chất chính trị là đội quân cách mạng của Đảng Cộng sản và nhân dân Xô Viết. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch luôn rêu rao tuyên truyền và cổ xúy cho quan điểm “Quân đội phải trung lập, đứng ngoài chính trị, không được can dự vào đời sống chính trường của đất nước”. Vậy, bản chất của quan điểm này là gì? Câu trả lời có trong bài viết dưới đây.
Những người đưa ra quan điểm, Quân đội phải trung lập về chính trị lập luận cho rằng, Quân đội là của Nhà nước nên chỉ phục tùng Nhà nước, chứ không chịu sự phục tùng, lãnh đạo của bất kỳ một tổ chức, chính đảng nào. Họ lý giải rằng, Quân đội chỉ để bảo vệ lãnh thổ nên Quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc, chứ không phải trung thành với bất kỳ một đảng phái chính trị nào. Họ tung hô cho quan điểm này, nhằm biến Quân đội thành công cụ bù nhìn, đứng ở giữa khi đất nước xảy ra chính biến, tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị.
Với nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Quân đội. Vì thế, các thế lực thù địch, phản động tung ra quan điểm Quân đội phải trung lập về chính trị chính là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội, biến Quân đội thành tổ chức vô Chính phủ, không có mục tiêu và lý tưởng chiến đấu. Trước hết, cần thấy rằng, trong lịch sử, từ khi Nhà nước và Quân đội ra đời, không bao giờ có, và cũng chưa từng có Quân đội nào trung lập, đứng ngoài chính trị.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học khẳng định: “Chính trị theo đúng nghĩa của nó, là quan hệ giữa các giai cấp, các tập đoàn, các dân tộc, quốc gia… về ba vấn đề rất quan trọng: Một là giành chính quyền. Hai là giữ chính quyền. Ba là thực hiện quyền lực nhà nước ấy. Cho nên trong việc đấu tranh giành quyền lực Nhà nước, thực hiện quyền lực Nhà nước, thì bao giờ cũng phải có một lực lượng để bảo vệ nhóm này và chống lại nhóm kia. Do đó, xét đến cùng, không thể có chuyện Quân đội đứng ngoài chính trị. Lịch sử loài người đã chứng minh: Nhà nước cả về mặt lý luận và thực tiễn là công cụ thống trị của giai cấp thống trị về kinh tế. Cho nên khi giành chính quyền, khi giữ chính quyền, khi thực hiện quyền lực Nhà nước thì bao giờ cũng phải có lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nói riêng. Vì thế, không bao giờ có chuyện Quân đội không đứng về một phe phái nào cả.
Cờ-lau-dơ-vít, nhà lý luận quân sự tư sản nổi tiếng của nước Phổ đã đưa ra quan điểm: “Chiến tranh là sự kế tục của chính trị”. Ngay cả người trong cuộc cũng khẳng định và thừa nhận bản chất chính trị của chiến tranh và Quân đội. Và chính vì Quân đội mang bản chất chính trị của giai cấp, Nhà nước tổ chức ra nó, nên ở bất kỳ quốc gia nào, Quân đội đều được giáo dục, huấn luyện theo tư tưởng của giai cấp thống trị.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, nguyên Chủ nhiệm Khoa Triết học Mác – Lênin, Học viện Chính trị cho biết: “Quân đội Mỹ có cơ quan thông tin và giáo dục Quân đội để làm công tác tư tưởng. Cộng hòa Liên bang Đức đã thành lập các nhà trường đào tạo sĩ quan làm công tác tuyên truyền theo tư tưởng của Nhà nước tư bản. Quân đội Nga thành lập Tổng cục Chính trị quân sự để chống lại các hành động phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch. Như thế để thấy rằng, Quân đội nào cũng mang tư tưởng của giai cấp Nhà nước sinh ta nó. Quân đội không chỉ bảo vệ lãnh thổ mà còn bảo vệ chế độ”.
Quân đội ở các nước tư bản không chỉ bảo vệ chủ quyền đất nước, mà còn thực hiện các hành vi xâm lược, bóc lột các nước thuộc địa, phục vụ cho ý đồ chính trị của các đảng cầm quyền. Điển hình như từ năm năm 1990 đến nay, Quân đội Mỹ đã liên tục can dự vào đời sống chính trị và tiến hành các cuộc chiến tranh như ở Vùng Vịnh năm 1991, Nam Tư năm 1999, I-rắc năm 2003 và LiBi năm 2011. Hay nhìn vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, chúng ta cũng liên tiếp phải chống lại ách nô dịch, thống trị của Quân đội các nước tư bản. Chỉ điều đó thôi đã cho thấy, Quân đội các nước tư bản cũng không hề đứng ngoài chính trị như chính luận điểm mà họ đang tung hô, cổ xúy.
Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy, các tổ chức vũ trang chỉ thực sự chiến đấu, hi sinh vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của Tổ quốc khi các tổ chức này được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tập, Chủ nhiệm Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Học viện Quốc phòng phân tích: “Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay lại nước ta. Với lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì toàn dân và đặc biệt là có một số tổ chức vũ trang cũng tham gia lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ấy. Nhưng ngay sau đó thì các tổ chức mà không đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì không chứng minh được và không thể hiện được sức mạnh của nó”.
Cách đây hơn 100 năm, Lê nin đã từng chỉ rõ: “Không lôi kéo Quân đội vào chính trị, đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Quân sự mà không có chính trị thì như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã được tổ chức theo mô hình có chi bộ Đảng lãnh đạo, bên cạnh người đội trưởng có cán bộ chính trị làm công tác giáo dục bộ đội theo đường lối của Đảng.
Cũng vì vậy mà đội quân bé nhỏ, chỉ với 34 chiến sĩ đầu tiên đã lớn mạnh, trưởng thành đánh thắng thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đẩy lùi các thế lực xâm lược bành trướng, giữ gìn giang sơn, bờ cõi, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ cuộc sống hòa bình, ổn định của nhân dân. Do vậy, trong bất kỳ thời điểm, nhiệm vụ và tình huống nào, Đảng cũng luôn luôn lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt mặt. Đó là nguyên tắc và là nhân tố quan trọng, quyết định đến bản chất, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của QĐND Việt Nam trong các thời kỳ cách mạng.
Diệp Chi/BIÊN PHÒNG