Ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng vấn đề tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc
Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Vấn đề nêu trên không phải là mới, một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng, Nhà nước”. 

Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rõ những năm tháng đất nước bị xâm lăng, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã áp dụng các chính sách đi ngược lại với nguyện vọng và quyền của các tôn giáo ở Việt Nam, kích động gây đối đầu giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, giữa tôn giáo với Đảng và chính quyền nhân dân. Mục đích của những hành động ấy không gì khác nhằm kìm hãm, trói buộc các tôn giáo ở Việt Nam trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu và dốt nát, chia rẽ mối đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo phục vụ cho mưu đồ xâm lược, thống trị lâu dài của chúng.

 Ngay sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, nhận thức rõ tầm quan trọng của đồng bào tôn giáo đối với sự phát triển của đất nước, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo là rất rõ ràng. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định: Giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Nguyên tắc chung được Nhà nước ta đặt ra là: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Tinh thần ấy luôn được Nhà nước Việt Nam thể hiện nhất quán trong hoạch định, thực hiện các chính sách về dân tộc, tôn giáo. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định vấn đề đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc, tôn giáo vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước theo định hướng XHCN. Công tác dân tộc, tôn giáo là một bộ phận quan trọng của đường lối cách mạng Việt Nam; chính sách dân tộc, tôn giáo là một bộ phận hữu cơ trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương nhất quán và đúng đắn về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là: Đoàn kết, bình đẳng, thương yêu, tôn trọng giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng thời, giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo; chống kỳ thị dân tộc, tôn giáo, nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Suốt mấy chục năm qua, đặc biệt trong gần 35 năm đổi mới, những thành tựu mà chúng ta đạt được đã chứng tỏ tính đúng đắn trong đường lối, chính sách mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra. Thực tế đã cho thấy ở Việt Nam quyền của các dân tộc, tôn giáo luôn được bảo đảm, các chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn hướng tới ưu tiên cao nhất để thực hiện quyền phát triển của các dân tộc, tôn giáo. Với những điều kiện thuận lợi mở ra, đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào có đạo ở Việt Nam được cải thiện rõ rệt trên nhiều mặt. Đồng bào có đạo và không có đạo đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Các dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại đa số đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam rất tự hào trước những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN của đất nước. Thực tế tình hình tôn giáo của Việt Nam hiện nay là cơ bản tốt đẹp, đồng bào các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo” cùng đồng bào cả nước phát triển tiến bộ vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những kết quả trong thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước là thực tiễn sinh động khẳng định đường lối đổi mới đất nước của Đảng ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống; khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không ai có thể phủ nhận, xuyên tạc được những kết quả đó.

Người Việt Nam dù theo bất kỳ tôn giáo nào thì phẩm chất đạo đức hàng đầu vẫn phải là yêu nước, phụng sự dân tộc và tôn kính tổ tiên. Lịch sử Việt Nam cũng chỉ ra rằng, bất kỳ tôn giáo nào nếu hòa đồng với dân tộc, có quan hệ tốt với chính quyền, hướng tới sự phát triển khối đoàn kết toàn dân, tham gia giữ ổn định xã hội nhằm đưa đất nước đi lên thì luôn được trân trọng. Ngược lại, nếu chỉ đặt lợi ích riêng của tôn giáo lên trên tất cả thì khó lòng tìm được sự ủng hộ của nhân dân. Đây không phải chỉ là vấn đề ứng xử mà cao hơn còn là vấn đề đạo lý. Hành động của một số cán bộ, đảng viên trong tôn giáo và các chức sắc tôn giáo biến chất tham gia tuyên truyền, kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; lợi dụng những vấn đề tôn giáo để kích động tư tưởng tôn giáo cực đoan; kích động, chia rẽ đoàn kết trong nội bộ, chia rẽ giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và chính quyền, hòng làm cho sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc suy yếu là không thể chấp nhận. Đặc biệt, chúng ta luôn tôn trọng kiến thức uyên bác, hiểu sâu, biết rộng của các vị linh mục. Chính vì vậy mà chúng ta không hiểu nổi vì sao những người có giáo phẩm cao như một số vị linh mục tại các địa phương nói trên lại hành xử trái với các giáo lý, giáo luật như vậy?

Đề cập đến vấn đề này chúng tôi mong các vị chức sắc tôn giáo nói chung, các vị linh mục nói riêng nhớ cho rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Các dân tộc, tôn giáo trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để phòng, chống những biểu hiện lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền xuyên tạc, kích động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, các tổ chức đảng cần thường xuyên quan tâm đến việc quản lý, giáo dục đảng viên nói chung và đảng viên trong các tôn giáo nói riêng để họ thực sự là những hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong tôn giáo. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân, nhất là đồng bào có đạo hiểu đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để tỉnh táo, cảnh giác, không mắc mưu, chủ động tiến hành đồng bộ các biện pháp tiến công làm thất bại mọi âm mưu và hành động lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

MINH NGỌC/QĐND