Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta

Sau hơn 35 năm đổi mới, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, quyền dân chủ và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều đó được thể hiện sinh động trên thực tế và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, với mưu đồ chính trị, các thế lực thù địch, phản động chẳng những không thừa nhận, mà còn ra sức chống phá, với những luận điệu xuyên tạc đến mức lố bịch, họ cho rằng: ở Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời, là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Có thể nói, tôn giáo ở Việt Nam được ví như bức tranh thu nhỏ của tôn giáo trên thế giới, từ các hình thức sơ khai, như: Tô tem giáo, Ma thuật giáo, Saman giáo đến các tôn giáo lớn, được hình thành từ rất sớm, có tổ chức chặt chẽ, như: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Hồi giáo,… trong đó có những tôn giáo du nhập từ bên ngoài, nhưng cũng có nhiều tôn giáo nội sinh, như: Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Thiền phái Trúc Lâm, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, v.v. Loại hình tổ chức của các tôn giáo cũng đa dạng: có những tôn giáo chỉ có một tổ chức duy nhất (Phật giáo, Công giáo) và cũng có những tôn giáo có rất nhiều tổ chức khác nhau (Tin Lành, Cao Đài), v.v. Nếu như nhiều quốc gia thường có một tôn giáo giữ vai trò chủ đạo, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị, xã hội, thì ở Việt Nam có nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng cùng tồn tại và bình đẳng về vị thế, không có tôn giáo nào giữ vai trò chủ đạo, ảnh hưởng quyết định đến đời sống xã hội Việt Nam.

Lợi dụng đặc điểm đó, các thế lực thù địch, phản động luôn coi vấn đề dân tộc, tôn giáo là “ngòi nổ” trong mưu đồ chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Họ câu kết với các phần tử cơ hội chính trị, chống đối, cực đoan lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tôn giáo, xuyên tạc tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở trong nước, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của chính quyền một số địa phương trong thực hiện các chính sách về kinh tế, xã hội, một số chức sắc tôn giáo có tư tưởng cực đoan bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để lồng ghép yếu tố chính trị, kích động, gây ra điểm nóng tôn giáo, vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, ngăn cấm xây sửa cơ sở thờ tự, cản trở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, v.v. Ở ngoài nước, một số nhóm, cá nhân người Việt lưu vong thông qua các trang mạng thường xuyên đăng tin, bài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo, kích động nhân dân mà trước hết là tín đồ tôn giáo đấu tranh “đòi tự do tôn giáo”, “nhân quyền”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước lên tiếng can thiệp. Hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đưa ra các báo cáo thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó có nêu một số nội dung nhận định thiếu khách quan, sai lệch dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo thực tế tại Việt Nam. Họ cho rằng: Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế khi chính quyền sách nhiễu các tổ chức tôn giáo ở Tây Nguyên, Tây Bắc và một số khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long; sách nhiễu những thành viên của các nhóm tôn giáo tham gia vào các hoạt động vận động nhân quyền hoặc có liên hệ với các cá nhân và tổ chức chỉ trích chính quyền; cản trở việc thực hành tôn giáo của phạm nhân. Đồng thời, nêu quan ngại về một số trường hợp “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”,… đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo – SWL”. Lợi dụng việc đó, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị “té nước theo mưa”, ra sức xuyên tạc, bóp méo tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phê phán chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Mới đây, ngày 09/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt “Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. Đây là tài liệu chính thống, kịp thời cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo ở Việt Nam và những thành tựu, cũng như thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; một trong những công cụ chuyển tải thông tin trung thực tới các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm đến lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo, làm cơ sở tham chiếu, chứng minh cho nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Ngay lập tức một số trang báo điện tử thiếu thiện chí, như: VOA, RFI, RFA,… cùng nhiều trang mạng của các tổ chức, cá nhân chống đối, cơ hội chính trị đã có những bài viết, bình luận sai trái, đánh giá tiêu cực về Cuốn sách này. Họ không chỉ rêu rao việc cho ra đời Cuốn sách là “bức bình phong” nhằm che đậy các vi phạm kéo dài tại Việt Nam; mà còn tạo ra bức tranh méo mó về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, khi quy chụp: “Việt Nam không hề có tự do, và tự do tôn giáo lại càng không. Hàng loạt các vụ đập phá chùa chiền, nhà thờ để chiếm đất đai, chính quyền cài cắm người vào hàng ngũ tu sĩ để hòng phá hoại và chia rẽ tôn giáo”(!). Đây là những nhận định lố bịch, mang đầy dã tâm chính trị hòng chống phá Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân ta.

Những thành tựu thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta cho thấy, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của  nhân dân là quan điểm, chính sách xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm đó được thể hiện trong các văn bản của Đảng ngay từ khi mới thành lập, nhất là trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ về công tác tôn giáo được ghi dấu bằng nhiều nghị quyết, tiêu biểu như: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “Về công tác tôn giáo trong tình hình mới”, Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, v.v. Trong đó, khẳng định rõ: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; coi trọng giữ gìn và “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”; “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật”1.

Quan điểm nhất quán ấy đã được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật và các chính sách nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thực tế của người dân, phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này, đều  khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Hiến pháp (năm 2013) ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

Thực hiện các nguyên tắc đã được hiến định, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Trong đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được kỳ họp thứ 2, Quốc hội (khóa XIV) thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 là dấu son trong lộ trình cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, khẳng định với quốc tế rằng, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong đảm bảo quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Từ quan điểm đến chính sách và thực tiễn đều minh chứng rằng, Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm trên thực tế sự đa dạng, hòa hợp, bình đẳng giữa các tôn giáo và không có sự phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo2, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; mọi công dân đều có quyền tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm hợp pháp. Các tôn giáo đều chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó, đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Các tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ có đóng góp nhất định cho đất nước trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước, là một nhân tố xã hội, văn hóa tích cực, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc.

Nhà nước luôn bảo đảm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường theo quy định pháp luật. Đặc biệt, những ngày lễ trọng của các tôn giáo, như: lễ Phật đản, lễ Vu lan (của Phật giáo); lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh (của Công giáo và Tin lành); lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, lễ kỷ niệm ngày khai đạo (của đạo Cao Đài); lễ hội Katê của đồng bào Chăm; tháng chay Ramadan (của người Hồi giáo),… được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự.

Sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) đi vào cuộc sống, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công nhận 01 tổ chức tôn giáo (Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam), cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 03 tổ chức (Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam; Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam; Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô Việt Nam). Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trên phạm vi cả nước được tạo điều kiện thuận lợi với gần 4.000 điểm, nhóm được chấp thuận. Các tổ chức tôn giáo hoàn toàn chủ động trong việc củng cố tổ chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành theo Hiến chương, Điều lệ và quy định của pháp luật.

Thực hiện các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hằng năm, số lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, hiện cả nước có hơn 6.500 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; hơn 16.780 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc. Cùng với đó, Nhà nước còn bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đến nay, nước ta đã có trên 60 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 38 tỉnh, thành phố. Một số cơ sở đào tạo của tôn giáo được phép đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; các tổ chức tôn giáo đã mở gần 500 lớp bồi dưỡng cho những người chuyên hoạt động tôn giáo và 230 lớp cho những người hoạt động tôn giáo không chuyên. Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo cũng thường xuyên được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động xuất bản kinh sách, ấn phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm, đồ dùng tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm phục vụ yêu cầu hoạt động. Theo thống kê, từ năm 2018 đến năm 2022, Nhà xuất bản Tôn giáo đã có quyết định xuất bản hơn 2.500 ấn phẩm, với hơn 8.500.000 bản in, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc; có khoảng 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động, trong đó có nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín. Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ còn được Nhà nước tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài, như: các hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài, các hội nghị, diễn đàn tôn giáo khu vực và quốc tế, v.v. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện tham gia vào đời sống chính trị xã hội, tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở tất cả các cấp từ Trung ương  đến cơ sở3 và tích cực tham gia các hội, đoàn thể khác, như: Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, v.v. Đây là những minh chứng thực tiễn sinh động, chân thực, trái ngược với luận điệu quy chụp, xuyên tạc, lố bịch, rằng: “Việt Nam không hề có tự do, và tự do tôn giáo lại càng không”.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được Đảng, Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm. Với số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng, trong đó có một bộ phận là tín đồ tôn giáo, chính quyền các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện cho người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp trên cả nước.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống (có 53 dân tộc thiểu số, với gần 14 triệu người, chiếm khoảng 14,3% dân số cả nước); nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo luôn được các cấp chính quyền quan tâm hướng dẫn, giải quyết, tiêu biểu, như: cộng đồng dân tộc Chăm theo Hồi giáo và đạo Bà la môn được thành lập Ban đại diện cộng đồng để hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo; Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer để đáp ứng nhu cầu đào tạo tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer; kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc; hàng nghìn điểm, nhóm và chi hội Tin lành của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, khu vực miền núi phía Bắc được cấp sinh hoạt tôn giáo tập trung; tín đồ tôn giáo là người dân tộc thiểu số được tham gia hoạt động quốc tế, v.v. Tính đến tháng 12/2021, cả nước có trên 3.300 điểm, nhóm Tin lành được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; trong đó, các tỉnh miền núi phía Bắc có gần 1.650 điểm, nhóm, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có gần 1.750 điểm, nhóm.

Đặc biệt, khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) đi vào cuộc sống, những quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được đảm bảo đầy đủ hơn, các quy định trong Luật đã tiếp cận gần hơn với các công ước quốc tế. Chính vì vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù luôn được Nhà nước bảo đảm.

Hiện nay, tại thư viện của 54 trại giam, đã có 17 đầu sách liên quan đến tôn giáo với gần 4.500 cuốn được đưa vào sử dụng. Việc đưa kinh sách vào trại giam đã góp phần thực thi pháp luật về quyền tín ngưỡng, tôn giáo, quyền được tiếp cận kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của mọi người, thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, những nỗ lực của Việt Nam trong thực thi các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, quyền con người. Đó chính là minh chứng sống động,  hoàn toàn bác bỏ sự nhìn nhận phiến diện, thiếu khách quan, khi quy chụp: “Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế, cản trở việc thực hành tôn giáo của phạm nhân”.

Các tổ chức tôn giáo cũng luôn được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, và hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội. Những năm qua, các tổ chức tôn giáo đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo, đồng thời tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Trong lĩnh vực giáo dục, cả nước đã có khoảng 300 trường và 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề do các tổ chức tôn giáo thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tôn giáo đã thành lập các đội tình nguyện hỗ trợ xóa mù chữ cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; lập chi hội khuyến học, khuyến tài hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học, xây dựng lưu xá, tiếp sức mùa thi, v.v. Trong lĩnh vực y tế, cả nước có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức. Kinh phí tổ chức do tổ chức, cá nhân tôn giáo đóng góp để thực hiện các hoạt động này mỗi năm lên tới hàng chục tỉ đồng; thành lập các đoàn khám, chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Các phòng khám, chữa bệnh của các tổ chức tôn giáo đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo sức khỏe và lan tỏa tinh thần yêu thương trong cộng đồng. Trong các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội, hiện nay, cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao Đài được cấp phép hoạt động, đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội.

Vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết thấu đáo. Căn cứ vào nhu cầu của các tổ chức tôn giáo, quỹ đất của địa phương và theo quy định của pháp luật, chính quyền các địa phương luôn tạo điều kiện cấp đất cho các cơ sở, tổ chức tôn giáo; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới cơ sở tôn giáo. Hoàn toàn không hề có hiện tượng chính quyền đập phá chùa chiền, nhà thờ để chiếm đất đai, hòng phá hoại và chia rẽ tôn giáo, như những luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị rêu rao.

Cùng với những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới đất nước, hoạt động và đời sống tôn giáo ở Việt Nam có sự phát triển tích cực: từ sinh hoạt tôn giáo của tín đồ đến hoạt động của chức sắc và các tổ chức tôn giáo; sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn hơn trước thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự; các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực vào đời sống tinh thần của toàn xã hội. Điều đó minh chứng cho chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại; tạo được lòng tin của chức sắc, tín đồ vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, khơi dậy những đóng góp tích cực của các tôn giáo vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam đã hai lần được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc các nhiệm kỳ 2014 – 2016 và 2023 – 2025 là minh chứng thực tế sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam và đó cũng chính là minh chứng thuyết phục nhất, đanh thép nhất bác bỏ những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách quy chụp phiến diện, phủ nhận, xuyên tạc một cách lố bịch về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.

Có thể nói, quyền con người là giá trị phổ biến; bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là một quá trình lâu dài, liên tục và cần sự nỗ lực của mỗi quốc gia, nhưng đối với các nước đang phát triển, thực hiện đầy đủ các chuẩn mực nhân quyền phải là quá trình lâu dài. Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn các giải pháp tối ưu trong việc cân bằng giữa ổn định xã hội với đảm bảo đầy đủ nhân quyền, có quyền xây dựng lộ trình trong việc thực hiện cam kết đối với các điều ước quốc tế về nhân quyền, không thể có sự sao chép, áp đặt các mô hình dân chủ, nhân quyền chung. Đặc biệt, với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nguồn lực còn hạn chế trong khi còn nhiều thách thức trong giải quyết các vấn đề quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thúc đẩy và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua, trước mắt trong năm 2023, cũng như về lâu dài, các cơ quan chức năng cần phối hợp xây dựng và triển khai công tác đối với việc vận động, đấu tranh để Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có cái nhìn đúng đắn, khách quan về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Đồng thời, định kỳ chủ động cung cấp thông tin cho phía Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, nhất là trong các dịp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chuẩn bị ra “Báo cáo thường niên” về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo. Các cấp tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Cùng với đó, quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng hiến chương, điều lệ, pháp luật của Nhà nước; chủ động giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của quần chúng tín đồ; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo, quần chúng tôn giáo và có hướng giải quyết thấu đáo các vụ việc phát sinh. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

ĐÌNH BẰNG/TCQPTD
____________________

1 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 272. 

2 – Theo thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Cùng với đó, hệ thống tín ngưỡng ở Việt Nam cũng vô cùng phong phú, với hơn 50.700 cơ sở tín ngưỡng; trong đó, khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới.

3 – Hiện đang có 05 chức sắc là đại biểu Quốc hội; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, v.v.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *