Cảnh giác với thủ đoạn cho vay tiền qua các ứng dụng trực tuyến trên mạng Internet
Hiện nay, trên không gian mạng xuất hiện nhiều ứng dụng cho vay trực tuyến với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, thậm chí chỉ cần có điện thoại di động thông minh là có thể dễ dàng thực hiện được. Hình thức cho vay tiền qua các ứng dụng trực tuyến này có thể được xem là một dạng “biến tướng” của loại tội phạm cho vay “tín dụng đen” vốn đã xuất hiện từ trước đến nay, nhưng lại ở “cấp độ cao hơn”, tinh vi hơn với cách thức đòi tiền nợ cũng “dã man” hơn rất nhiều.
Nhận diện các phương thức, thủ đoạn
Các ứng dụng này được tạo ra như sau: một số đối tượng người nước ngoài sẽ lập công ty tài chính, sau đó thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến. Bất kỳ ai cũng có thể tải các ứng dụng này từ Appstore đối với hệ điều hành IOS hoặc CHPlay đối với hệ điều hành Android. Có thể kể tên một số ứng dụng được cơ quan Công an triệt phá trong thời gian vừa qua như: “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”…
Khách hàng có nhu cầu vay tiền thì phải tải ứng dụng trên về máy tính hoặc điện thoại di động của mình. Sau đó, tạo tài khoản và phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng; bắt buộc phải chọn mục “Đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử, trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động” thì mới được duyệt cho vay tiền hay không.
Sau khi khách hàng hoàn tất những yêu cầu trên, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với khách hàng để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện, người cho vay và khách hàng không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút đồng hồ, hệ thống tài khoản của Công ty cho vay sẽ tự động chuyển số tiền mà khách hàng cần vay thông qua số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó.
Đối với khách hàng vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1.500.000 đồng, nhưng thực tế chỉ được nhận 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả đủ số tiền gốc ban đầu (là 1.500.000 đồng). Nếu trả chậm 01 ngày sẽ bị phạt từ 2 – 5 %/ngày. Nếu trả nợ đúng hạn, có uy tín thì lần vay sau, nhân viên Công ty sẽ duyệt cho khách hàng này được vay với số tiền cao hơn (từ cấp độ 01 đến cấp độ 07), tổng số tiền tối đa được vay có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Tính toán một cách chính xác thì với hình thức cho vay như trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất: 4,4 %/ngày, tương đương 30,8 %/tuần, 132 %/tháng và 1.600 %/năm.
Khi sát đến thời hạn phải trả nợ, công ty cho vay sẽ có nhân viên bộ phận thu hồi nợ gọi điện thoại nhắc nhở khách hàng phải trả nợ đúng hạn. Nếu khách hàng không trả tiền đúng thời hạn, chậm trễ thì nhân viên thu hồi nợ sẽ liên tục gọi điện thoại để đòi cho được.
Chỉ cần chậm vài ngày so với thời hạn, nếu khách hàng vẫn không trả được số tiền nợ và không đạt được thỏa thuận trả lãi với bên cho vay, công ty sẽ cho nhân viên gọi đến số điện thoại của tất cả mọi người lưu trong danh bạ điện thoại của khách hàng để “khủng bố”, “đe dọa” (gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…). Thậm chí là văng tục, chửi bới, yêu cầu những người này phải tác động để khách hàng mau chóng chuyển tiền trả nợ cho chúng.
Nguy hiểm hơn, bằng cách truy nhập vào dữ liệu di động lưu trong điện thoại của khách hàng, các đối tượng đòi nợ còn đăng những thông tin xuyên tạc hoặc chế tạo, ghép hình ảnh của người vay để đăng tải lên mạng xã hội nhằm gây áp lực buộc phải trả tiền. Với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi này, đã có rất nhiều nạn nhân mắc bẫy, thậm chí có người đã phải nghĩ đến cái chết để giải thoát.
Tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn
Để ngăn chặn kịp thời tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần cảnh báo đến người dân về thủ đoạn cho vay nặng lãi mới xuất hiện này. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ. Đặc biệt, phải cảnh giác cao với hình thức cho vay tiền qua các ứng dụng trên mạng Internet hiện nay.
Các ngân hàng cần hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay, đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho vay, đưa ra nhiều hình thức vay, mở rộng hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân để mọi người dễ tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp và rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Các ngành chức năng tăng cường xử lý các đối tượng lừa đảo trong việc huy động vốn và cho vay tín dụng đen nhằm răn đe và xử lý nghiêm minh thích đáng.
(BBT)