Nhận diện thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để chống phá Đại hội XIII của Đảng

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để sử dụng không gian mạng để đẩy mạnh các hoạt động chống phá, tung ra các luận điệu xuyên tạc, sai trái nhằm gây chia rẽ nội bộ, phá hoại Đại hội XIII của Đảng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên sử dụng là tán phát các “Kiến nghị”, “Thư ngỏ”, “Thư góp ý” lên Internet và các trang mạng xã hội yêu cầu Đảng ta sửa đổi nội dung các dự thảo văn kiện Đại hội XIII theo ý đồ xấu của chúng. Trong đó, chúng tập trung xuyên tạc tình hình đất nước, thổi phồng những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh của Đảng và Nhà nước, rồi đi đến quy kết, đổ lỗi nguyên nhân của những hạn chế ấy là do thể chế chính trị, sự yếu kém trong thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng. Cho rằng, Đại hội lần này là thời cơ để Việt Nam đổi mới, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và chỉ có thự hiện đa nguyên về chính trị, đa đảng thì mới có dân chủ thực sự.

Chúng công kích kịch liệt vào vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước; duy trì sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là “độc tài”, “độc đoán”, là “bóp nghẹt”, “thủ tiêu” dân chủ, thủ tiêu động lực phát triển đất nước; xuyên tạc việc bầu cử đại hội đảng bộ các cấp chỉ là hình thức trên một “kịch bản” đã được dàn dựng sẵn. Đặc biệt, chúng tìm mọi cách để xuyên tạc công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Không chỉ tự “dựng lên” danh sách lãnh đạo cấp cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII mà chúng còn suy diễn rằng, việc quy hoạch cán bộ của Đảng không phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc mà chỉ là phục vụ “lợi ích nhóm”, là bước chuẩn bị cho con em và “vây cánh” tiến thân. Ngoài ra, chúng còn dựng lên những câu chuyện sai sự thật về sức khỏe, bí mật đời tư, những “vi phạm” về đạo đức, lối sống, tham nhũng của các đồng chí lãnh đạo, dựng lên những câu chuyện doanh nghiệp “sân sau”… để bôi nhọ danh dự, uy tín cán bộ, nhất là cán bộ được quy hoạch, giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, vào các vị trí chủ chốt sau Đại hội XIII của Đảng…

Có thể nói, mục đích cuối cùng của các các hoạt động chống phá trên là nhằm gây nhiễu loạn thông tin, gây ra sự hiểu nhầm trong quần chúng nhân dân, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người dân Việt Nam cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời lên tiếng, đấu tranh phản bác, đẩy lùi những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, không để bị lôi kéo, kích động, tiếp tay cho hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.

BBT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *