Ngoài các biện pháp xử lý mạnh tay của các cơ quan chức năng thì chính mỗi người dân, cán bộ đảng viên cần tăng “sức đề kháng” trước những thông tin xâu độc
Trên các trang mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin sai trái, bóp méo, đặc biệt là vấn đề nhân sự luôn trở thành trọng tâm. Đáng lo ngại hơn cả, những thông tin hoàn toàn bịa đặt, nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, hạ thấp uy tín cá nhân của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí quy hoạch Ban chấp hành Trung ương.
Những thủ đoạn này không phải là mới nhưng càng đến gần Đại hội XIII, tần suất và tỷ lệ còn lớn hơn nhiều và cũng ngày càng tinh vi. Người đọc, người xem nếu không tỉnh táo, thiếu kinh nghiệm thì rất dễ bị lừa.
Thủ đoạn tung tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo
Vào đầu tháng 6, trên mạng xã hội đăng tải bức ảnh kèm theo dòng chữ: “Người kiểm phiếu vĩ đại”, nhiều tài khoản Facebook đã quy chụp địa phương mất dân chủ khi bỏ phiếu bầu Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng sự thật không giống như những gì được đăng tải, bình bán trên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Đức Dũng, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Lợi dụng hình ảnh và từ đó làm sai lệch bản chất của vấn đề là hoàn toàn sai trái. Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hoàn toàn theo đúng pháp luật và rất dân chủ. Chúng tôi rất bất bình, việc lợi dụng để rồi chống phá, hạ thấp uy tín danh dự của lãnh đạo, đồng thời cũng coi thường việc tổ chức kỳ họp của một cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”.
Cũng trong khoảng thời gian này, mạng xã hội xôn xao về bài viết trên một tài khoản Facebook có gần 200.000 lượt theo dõi. Bài viết này nhắc đến tin đồn một vị lãnh đạo Trung ương có quan hệ với một phụ nữ mà bằng chứng chỉ là một bức ảnh. Không những thế, còn bịa đặt rằng, bức ảnh đã được “đối thủ” của vị lãnh đạo gửi đến Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương. Nhưng sự thật đó lại là hình ảnh một cảnh trong phim nước ngoài có tên “Em là định mệnh đời anh” tập 30.
Thật nực cười, những đối tượng này dù đang sống ở nước ngoài, thậm chí là buôn bán hàng xách tay nhưng đã liên tục tung ra những thông tin suy diễn, bịa đặt về tình hình trong nước, về nhân sự đại hội Đảng và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao.
Từ việc xuyên tạc, nói sai sự thật về tình hình sức khỏe cán bộ; moi móc, thêu dệt bí mật đời tư; bôi nhọ nhân phẩm, đạo đức lối sống; hạ thấp công trạng, đóng góp của các lãnh đạo, cho đến việc xuyên tạc tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ, đặc biệt là thủ đoạn dựng lên các câu chuyện về “phe cánh”.
Hành động “đâm bị thóc”, “chọc bị gạo” của những kẻ này thường nhằm vào những thời điểm quan trọng như trước các hội nghị Trung ương xem xét về công tác nhân sự khóa tới với động cơ mục đích rõ ràng là rất đen tối.
Đáng buồn là vẫn có một số cán bộ, đảng viên lại tin vào những thông tin xuyên tạc này. Thậm chí còn bàn tán, rỉ tai nhau, gây nghi kị lẫn nhau trong tổ chức, làm chia rẽ nội bộ. Từ đó gây hoang mang, mất niềm tin trong nhân dân về những đồng chí lãnh đạo cấp cao.
Nhưng không phải chỉ trước kỳ Đại hội này mới xuất hiện các hoạt động xuyên tạc, vu cáo, chống phá của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong nước mà hành vi xấu độc này còn diễn ra cả ở những kỳ Đại hội trước.
Không khó để nhận ra những chiêu trò kiểu như: các cơ quan chức năng nhận được những đơn thư nặc danh, tin vu khống về một số cán bộ sẽ tái cử hoặc đang trong diện quy hoạch vào Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ tới. Tung lên các trang mạng xã hội, trang web tự lập đủ loại thông tin sai trái, bóp méo, bôi nhọ, đồn đoán vô căn cứ về công tác cán bộ, về lãnh đạo nọ, lãnh đạo kia.
Xử lý thông tin xấu độc trước Đại hội Đảng
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2020, Bộ đã thực hiện giám sát không gian mạng, rà quét, chủ động phát hiện và gỡ bỏ các thông tin xấu độc về các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các đồng chí quy hoạch.
Trong đó, đã gỡ bỏ gần 400 trang giả mạo, 4.500 tin xấu độc trên Facebook và 30.000 video xấu độc trên Youtube. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017. Số video xấu độc được gỡ bỏ trên Youtube năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017. Tỷ lệ tin xấu độc về các đồng chí lãnh đạo chủ chốt năm 2017 lên tới trên 70% thì nay chỉ còn dưới 3%.
Thời gian tới, khi Đại hội Đảng toàn quốc đang đến gần, sự chống phá được dự báo sẽ gia tăng với tính chất công khai, trực diện và trắng trợn hơn. Sẽ xuất hiện nhiều thông tin bóp méo, xuyên tạc về các vấn đề liên quan đến tư cách đạo đức của cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp rất cao. Rõ ràng nó tác động rất tiêu cực đến công tác chuẩn bị đại hội. Các cơ quan chức năng cho biết, sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp mạnh để xử lý các tin xấu độc trên không gian mạng.
Sự thành công của một đảng cầm quyền là dựa trên niềm tin của người dân. Niềm tin ấy hướng tới những đảng viên cụ thể, nhất là các đồng chí lãnh đạo Đảng. Niềm tin ấy nếu mất đi sẽ không còn vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền và bào mòn niềm tin của người dân vào Đảng chính là đích tấn công của kẻ địch.
Thật tiếc rằng, những luận điệu xuyên tạc, những thông tin sai trái vẫn được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội tới hàng nghìn lượt đi kèm là nhiều bình luận khiếm nhã. Trong khi đó, trong nhiệm kỳ Ðại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành nhiều thời gian, công sức và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cán bộ.
Với tầm quan trọng đặc biệt, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác này đã được tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng. Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, minh bạch. Thế nên, đánh giá cán bộ là phải dựa vào đánh giá của các cấp có thẩm quyền và các nguyên tắc, quy định của Đảng chứ không thể tin theo những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là xuyên tạc trên mạng xã hội. Nếu chúng ta tin vào đó mà nghi ngờ, mà hoang mang, mà mất niềm tin là đã trúng vào mưu kế, mục tiêu của các thế lực thù địch, phản động.
Vì vậy, ngoài việc mỗi người cần tăng “sức đề kháng” trước những thông tin xấu độc thì các cơ quan chức năng cũng cần xác định, việc đưa thông tin kịp thời đến cho người dân là trách nhiệm của mình. Thông tin chậm sẽ chỉ tạo cơ hội cho thông tin xấu độc tiếp tục được phát tán, lan truyền mà thôi.
Thời sự VTV