TIKTOK VÀ NHỮNG HỆ LỤY
“Cháu đang xem chương trình hay chơi game gì trên điện thoại mà có vẻ chăm chú thế?”, thằng cháu (gọi tôi bằng dì) vẫn ngồi im, dán mắt vào màn hình điện thoại. Tôi bước lại gần và nhìn vào màn hình thì thấy nó đang say mê, chăm chú vào một đoạn clip “Những câu nói hot trend trên mạng xã hội” đang “hot” trên nền tảng mạng xã hội TikTok như: “Nhà sạch thì mát, bát sạch khỏi rửa”, “Nhan sắc có hạn mà lựu đạn thì có thừa”, “Thà khốn nạn công khai còn hơn bọn giả danh thánh thiện”…
Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (trụ sở tại Singapore) mới đây đã công bố danh sách 10 quốc gia có lượng người dùng mạng xã hội TikTok nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam xếp thứ 6 với khoảng 49,9 triệu người dùng. Tính đến tháng 02/2023, có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, như vậy có tới hơn 64% người dùng Internet tại Việt Nam đang sử dụng TikTok.
TikTok đã đem đến một sân chơi giải trí mới mẻ cho hàng triệu người sử dụng mạng xã hội không chỉ cập nhật tin tức xã hội, bắt kịp xu hướng nhanh chóng mà còn giúp nhiều bạn trẻ đem lại một nguồn thu nhập lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mang lại, TikTok còn hiện hữu nhiều vấn đề tiêu cực ảnh hưởng đến văn hóa, lối sống và sức khỏe cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Có thể kể ra như sau:
Thứ nhất, những câu nói “chế”, cải biên làm mất đi vẻ đẹp trong sáng của Tiếng Việt. Thời gian qua, những câu ca dao, tục ngữ bị cải biên được dân mạng, đặc biệt là giới trẻ thích thú như: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” thành “Vỏ quýt dày có…máy xay sinh tố”, “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” đã được biến tấu thành “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà chiên nước mắm vịt thì nấu chao” hay “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” vốn quen thuộc giờ đây lại được đọc thành “Đi một ngày đàng tốn 100.000 đồng mua trà sữa… Sở dĩ, trào lưu này được ưa chuộng thu hút hàng nghìn lượt view (xem) vì TikToker (người dùng TikTok) muốn câu like (thích), tăng lượt tương tác trên trang TikTok của mình; tuy nhiên hệ lụy của trào lưu này sẽ làm mất đi giá trị và bản sắc văn hóa của Việt Nam là kho tàng ca dao, tục ngữ từ xa xưa của ông cha ta đúc kết truyền lại.
Thứ hai, những trào lưu phản cảm độc hại. Không khó để bắt gặp những trào lưu phản cảm, độc hại trên TikTok được bắt chước và xảy ra ngoài đời sống thực như: Sex jokes (trò đùa tình dục), nhảy múa khoe thân, quảng cáo phim 18+, giả vờ nghiện ma túy, kỳ thị vùng miền… gây ra làn sóng tranh cãi gay gắt trong dư luận. Theo đó, giới trẻ vì bản tính hiếu kỳ nên tò mò, bắt chước làm theo xu hướng một cách mù quáng khiến cho những trào lưu phản cảm này càng được phổ biến nhiều hơn. Hậu quả là không ít các bạn trẻ “nhiễm độc” thụ động từ chính những trào lưu nguy hiểm trên TikTok.
Thứ ba, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều bạn trẻ “nghiện” TikTok đến nỗi dành nhiều thời gian trên TikTok hơn là tập trung việc học tập, dành thời gian cho gia đình… Thậm chí, nhiều bạn trẻ thức quá khuya “lướt” TikTok dẫn đến tình trạng mệt mỏi vào ban ngày, cơ thể thiếu ngủ tăng nguy cơ trầm cảm, béo phì, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, sa sút trí tuệ từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và đời sống tinh thần.
Từ những ảnh hưởng tiêu cực nêu trên, vậy phụ huynh cần làm gì để giám sát trẻ em khi sử dụng mạng xã hội TikTok?
Không thể phủ nhận, TikTok đang rất thịnh hành tại Việt Nam, bên cạnh những thông tin giải trí hữu ích vẫn tồn tại không ít những thông tin sai lệch, xấu độc, dung tục, mê tín dị đoan… ảnh hưởng tới giới trẻ đặc biệt là các em học sinh khi chưa có sự nhận thức đầy đủ về thế giới quan. Do vậy, trẻ em khi sử dụng điện thoại cần có sự giám sát của người lớn và phụ huynh nên quy định thời gian cho phép sử dụng các thiết bị điện tử chỉ nên tối đa 1 giờ/ngày. Ngoài ra, phụ huynh nên sử dụng cài đặt bảo mật để giới hạn lượng thông tin mà con chia sẻ. Trường hợp nếu con tạo clip, phụ huynh cần đảm bảo đoạn video được xem xét trước khi tải lên để không chứa nội dung gây hiểu nhầm hoặc tiêu cực. Với trẻ em dưới 13 tuổi, cha mẹ cần chú ý đến phần quy định dành riêng cho nhóm tuổi này bao gồm các tính năng bổ sung về quyền riêng tư và an toàn.
Trở lại với câu chuyện của cháu tôi được đề cập ở trên, từ sau lần tôi vô tình phát hiện đó thì cháu tôi chỉ được sử dụng Ipad tầm 30ph sau giờ học, có sự giám sát chặt chẽ của ba mẹ và chỉ đăng nhập vào các ứng dụng chương trình liên quan đến việc học để rèn luyện và nâng cao kiến thức, không còn “lậm” vào những game vô bổ và mạng xã hội rình rập những hiểm nguy.
Hãy là người sử dụng các ứng dụng nền tảng mạng xã hội văn minh có ích cho bản thân và cộng đồng!.
An Khuê