“Nhà báo dỏm” lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để trục lợi
Quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và Pháp luật quy định. Từ trước đến nay, Hiến pháp và Pháp luật luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện để tạo nền tảng cơ sở pháp lý cho công dân được thực hiện quyền cơ bản của mình trong hoạt động khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ảnh. Nhưng thực tế, nhiều người dân, khi có vấn đề bức xúc muốn khiếu nại, tố cáo hoặc có tâm tư nguyện vọng muốn đề đạt với các cấp chính quyền để được giải quyết nhưng họ không thực hiện được. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân: người dân không nắm được quy định của Pháp luật nên không biết thực hiện quyền của mình như thế nào.
Lợi dụng vấn đề này, một số “nhà báo dỏm” lấy danh nghĩa phóng viên báo chí hỗ trợ đòi quyền lợi cá nhân để kiếm tiền trên mồ hôi, nước mắt của người thiếu hiểu biết Pháp luật bằng việc tư vấn, hướng dẫn khiếu nại, tố cáo, nhận khiếu nại, tố cáo giúp và viết đơn thuê. Thậm chí, có “nhà báo dỏm” bất chấp quy định của Pháp luật đã nhận khiếu nại, tố cáo giúp công dân, để rồi xúi người dân đi đòi hỏi quyền lợi phi lý, không có căn cứ để lấy thù lao với giá tiền không nhỏ.
Một câu chuyện điển hình
Trong cái giá lạnh của những ngày đầu năm mới (Dương lịch – 2021), chúng tôi lặn lội hơn 50km từ thành phố Tuy Hòa đến xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, nơi đang xảy ra vụ việc người dân của thôn Tân Lập, “khiếu kiện” một trang trại nuôi heo gần đó hoạt động vi phạm pháp luật và gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân để tìm hiểu vụ việc. Trên tinh thần, mong muốn giúp người dân và chính quyền ngồi lại với nhau, tìm được tiếng nói chung, để vụ việc sớm ổn định cho người dân vui vẻ, an tâm đón tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến rất gần.
Sau khi làm việc với chính quyền xã, chúng tôi đến nhà một người dân ở thôn Tân Lập để hỏi chuyện. Chủ nhà là một người đàn ông lớn tuổi, có uy tín trong thôn, cũng là người đứng đơn đại diện cho bà con. Uống xong tách trà nóng, ông rút hai lá đơn trong sấp tài liệu được sắp xếp ngăn nắp trong chiếc túi nilon, một lá đơn đề “Khiếu nại lần đầu” và một lá đơn đề “Kiến nghị”, ông đưa chúng tôi xem. Đọc qua hai lá đơn, tôi ngạc nhiên, bằng tình cảm chân thành, tôi hỏi ông về người viết ra những lá đơn này. Ông trả lời tôi, ông và người dân ở đây đã đóng góp tiền thuê nhà báo viết với số tiền thù lao vị chi cho mỗi lá đơn khá cao. Tôi giải thích với ông, những lá đơn này dẫn dắt nội dung khiếu nại không đúng luật, ông và người dân cần cảnh giác với nhà báo kia, nếu không sẽ bị hắn lừa để lấy tiền.
Nội dung của những lá đơn đúng, sai như thế nào?
Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp trang trại nuôi heo đang bị khiếu kiện tại thôn Tân Lập, ông nhà báo kia viết thuê lá đơn đầu tiên, đề “Đơn Khiếu nại lần đầu, xóa sổ trại heo”, nội dung khiếu nại “xây dựng trại nuôi heo bất hợp pháp, gây ô nhiễm môi trường…” là áp dụng không đúng quy định của Luật Khiếu nại. Vì trường hợp này, không có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính nào xảy ra.
Mặc dù, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền, đình chỉ hoạt động của trang trại heo và có văn bản trả lời kiến nghị cho các hộ dân nhưng ông nhà báo lại viết tiếp đơn thứ hai đề “Đơn kiến nghị” gửi UBND tỉnh và HĐND tỉnh, cho rằng công văn trả lời kiến nghị cho các hộ dân của cơ quan chức năng là công văn lưu hành nội bộ không có giá trị pháp luật và yêu cầu phải ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu cho lá đơn đầu tiên theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011. Một đòi hỏi hết sức vô lý của ông nhà báo đã tham vấn cho người dân, làm cho cơ quan chức năng không có căn cứ để trả lời được, vì đòi hỏi này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại. Có lẽ nhà báo kia nói bừa, viết đại chứ chẳng có chuyên môn gì trên lĩnh vực pháp lý.
Trường hợp người dân thôn Tân Lập khiếu kiện hành vi “xây dựng trại nuôi heo bất hợp pháp và gây ô nhiễm môi trường…” đối với trang trại heo kia, theo quy định, đây là trường hợp kiến nghị, phản ánh của công dân, chứ không thuộc trường hợp khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, cơ quan chức năng ra văn bản trả lời kiến nghị của công dân là đúng quy định.
Một số kiến thức Pháp luật để thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân
Qua mẫu chuyện ở trên, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân được Hiến pháp và Pháp luật quy định, các cơ quan chức năng cần phải có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm bắt được kiến thức Pháp luật, để mọi người dân, ai cũng có thể thực hiện được quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của mình mà không cần phải nhờ, thuê nhà báo hay luật sư. Những nhà báo chân chính, có tâm đức, không bao giờ tìm đến những bức xúc, khiếu kiện của người dân để kiếm tiền.
Trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ một số kiến thức cơ bản để mọi người dân, ai cũng có thể thực hiện được quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của mình.
Trước tiên, xin nói quy định về khiếu nại, tố cáo: Hiện nay, Luật Khiếu nại 2011 và Luật Tố cáo 2018 quy định có hai hình thức để thực hiện quyền này đó là: khiếu nại, tố cáo được thực hiện bằng đơn khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại, tố cáo trực tiếp. Những người không viết được đơn nên áp dụng hình thức khiếu nại, tố cáo trực tiếp. Khiếu nại, tố cáo trực tiếp có nghĩa là: người khiếu nại, tố cáo trực tiếp đến bộ phận tiếp công dân của cơ quan chức năng để khiếu nại, tố cáo. Tại đây, người tiếp nhận khiếu nại, tố cáo của công dân có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo viết đơn hoặc người tiếp nhận ghi lại nội dung khiếu nại, tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại, tố cáo ký hoặc điểm chỉ (đối với ngừi không biết chữ) xác nhận vào văn bản. Tiếp đó, bộ phận tiếp nhận khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm chuyển nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan, người có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
Quyền kiến nghị, phản ảnh của người dân được quy định cụ thể trong Luật Tiếp công dân 2013. Hình thức kiến nghị, phản ảnh cũng tương tự hình thức khiếu nại, tố cáo.
Một số quy định để có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của công dân, chúng tôi đã cố gắng trình bày một cách ngắn gọn, dễ hiểu và dễ thực hiện để chia sẻ đến mọi người dân, để thực hiện khi có nhu cầu không để bị mất tiền oan, uổng vì thuê trúng những “nhà báo dỏm”.
Nhân Tâm