Sự thật về Câu lạc bộ tình người

Trong gian gần đây đã xuất hiện tình trạng một số hội, nhóm, câu lạc bộ lợi dụng hoạt động tâm linh để tổ chức những buổi rao giảng với nội dung phản khoa học, làm sai lệch về nhận thức và hành vi của nhiều người tham dự, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đặc biệt là Câu lạc bộ tình người đã lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền luận điệu sai trái, vi phạm pháp luật gây bất ổn trong đời sống xã hội.

1.Các hoạt động lợi dụng tâm linh để vụ lợi của Câu lạc bộ tình người:

Câu lạc bộ tình người thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển trí tuệ cộng đồng (Hà Nội), chính thức ra mắt ngày 30 – 7 – 2019. Với vỏ bọc là Câu lạc bộ thực hiện “kết nối những trái tim nhân ái”, “phát triển giá trị trí tuệ hạnh phúc cộng đồng”, “lan tỏa trí tuệ”, “làm phúc giúp đời”,… Nhưng thực chất là những hành vi thu hút, lôi kéo những thành viên mới tham gia vào Câu lạc bộ. Nguyên tắc để trở thành hội viên là phải có trách nhiệm giới thiệu, dẫn dắt được các thành viên cho Câu lạc bộ, gọi là “gieo duyên”. Dẫn được càng nhiều người “tiềm năng”, giàu có, đại gia, sẵn sàng phát tâm số tiền lớn thì Họ cho rằng người đó càng lan tỏa được “trí tuệ” cho cộng đồng, càng nhanh chóng thấm nhuần được “đạo”. Nghĩa vụ thứ hai của hội viên là phải “phát tâm” công đức bằng tiền mặt. Số tiền càng lớn càng được “trọng dụng”, phát tâm càng nhiều, càng được khai trí, nhận được các năng lượng tích cực, “năng lượng sạch” của vũ trụ, trời đất, càng nhanh chóng “trả” được “nghiệp” và thực hiện được điều mình mong muốn.

Họ huấn luyện theo một giáo trình lưu hành nội bộ, tự biên, tự diễn thực hiện theo 3 bước: “tu tiếp”, “trả nghiệp” và “hành sứ mệnh”. “Tu tiếp” là dạy những kỹ năng sống để thay đổi bản thân, lối sống của người tham gia; “trả nghiệp” thông qua chia sẻ những kiến thức về tâm linh, thờ cúng hướng lái tinh thần, tư tưởng của các thành viên theo ý đồ của họ. Thực hiện “trả nghiệp” bằng việc góp tiền từ thiện cho Câu lạc bộ. Bước “hành sứ mệnh” là từng thành viên thực hiện truyền bá nội dung do Câu lạc bộ phát hành đến với người thân, bạn bè… bước này được gọi là “gieo duyên”. Việc “phát tâm” của Câu lạc bộ tình người thực chất là quá trình tham gia đóng góp tài chính của các thành viên cho Câu lạc bộ hoạt động. Nhiều người bị mắc bẫy đã tham gia đóng góp rất tích cực. Ai đóng bao nhiêu chỉ có người đó biết. Sau khi đóng góp thì được gọi là “trả nghiệp” xong; các giấy tờ nộp tiền không được lưu giữ lại, mà phải “hóa” đốt đi, như một hình thức thành khẩn báo cáo việc làm của mình cho tổ tiên biết, không được khoe mẽ… Ai cũng sợ không “phát tâm”, gieo duyên nhanh sẽ không tới lượt… Đóng góp xong rồi phải giữ kín, không cho bạn “đồng đạo” biết. Như vậy, tất cả các hoạt động và việc làm trên của Câu lạc bộ tình người là mang nội dung mê tín dị đoan, thiếu minh bạch, khuất tất và mang tính vụ lợi, mọi người cần phải cảnh giác, đấu tranh vạch trần bộ mặt thật của Câu lạc bộ.

2.Hoạt động của Câu lạc bộ tình người là hoạt động vi phạm pháp luật cần phải được nghiêm trị theo đúng pháp luật hiện hành:

 Ngày 30/3/2021 phóng viên Báo Lao Động đã đến làm việc với đại diện Ban chấp hành Câu lạc bộ. Qua nhiều lần đề nghị của phóng viên, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ này là ông Trần Ngọc Việt mới cung cấp được một quyết định thành lập câu lạc bộ Tình Người do Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển trí tuệ cộng đồng ký ngày 19/7/2019. Khi phóng viên yêu cầu được cung cấp văn bản cấp phép thành lập Câu lạc bộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì ông Việt không cung cấp được một văn bản nào. Ông Việt cho rằng: “Câu lạc bộ Tình Người chỉ là tên địa điểm kinh doanh của công ty thôi. Không thích đặt là Câu lạc bộ Tình Người thì chúng tôi đặt tên khác”.

Theo tài liệu của Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Trí tuệ cộng đồng được thành lập vào ngày 16/7/2019 với số vốn điều lệ là 600 triệu đồng có 6 thành viên góp vốn là: Kim Bình Trọng, Phạm Thị Bình, Nguyễn Vinh Hiển, Trần Ngọc Việt, Nguyễn Văn Điệp, Trần Hoàng Lan. Cả 6 thành viên này đều nằm trong Ban chấp hành của Câu lạc bộ tình Người. Trong đó, Kim Bình Trọng giữ vai trò chủ tịch Câu lạc bộ, Trần Ngọc Việt, Nguyễn Vinh Hiển đều là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ. Doanh nghiệp này đăng ký 10 ngành nghề hoạt động khác nhau nhưng tổng số lao động chỉ có 8 người. Khi phóng viên Báo Lao Động đặt câu hỏi: “Công ty ngoài hoạt động là quản lý, vận hành Câu lạc bộ thì còn hoạt động kinh doanh khác không?”, ông Trần Ngọc Việt, thành viên tham gia góp vốn lập công ty và Phó Chủ tịch Câu lạc bộ tình Người đã từ chối không cung cấp thông tin.

Như vậy, toàn bộ những việc làm trên của Câu lạc bộ tình người là trái phép. Toàn bộ hoạt động của Câu lạc bộ đã thể hiện rõ tính chất lợi dụng quyền tự do lập hội để thực hiện mục đích trục lợi. Tại mục 5 điều 5 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (năm 2016) đã quy định rõ: Nghiêm cấm lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi. Như vậy, hoạt động của Câu lạc bộ tình người đã vi phạm vào mục 5 điều 5 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (năm 2016) và cần phải đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành./.

(nhanvanviet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *