Góc nhìn về sự vô cảm từ vụ tài xế taxi bắt cướp
Mấy ngày nay, câu chuyện về anh tài xế taxi bắt cướp và anh cán bộ Công an xã không hỗ trợ anh tài xế được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, số lượng tin bài từ báo chí đến mạng xã hội nhiều không đếm xuể, với hầu như tất cả đều là những lời khen cho sự dũng cảm của anh tài xế và chỉ trích, phê phán người cán bộ Công an kia.
Ngay lập tức, anh tài xế được biểu dương, khen thưởng, người dân ca ngợi xứng đáng, còn anh cán bộ Công an bị kỷ luật theo quy định và chịu sự chỉ trích từ cộng đồng bởi hành vi dửng dưng, thiếu bản lĩnh và yếu nghiệp vụ của mình. Chuyện như vậy là đã rõ, không có gì phải bàn luận them.
Nhưng, có một điều quan trọng mà ít ai chú ý rằng trong các clip được chia sẻ, có thể thấy ngoài anh cán bộ Công an còn có không ít người dân là đàn ông, thanh niên nhưng chỉ đứng nhìn, lấy điện thoại quay video, livestream… trong khi anh tài xế người đầy máu không ngừng kêu mọi người giúp anh. Một lát sau mới có một người dân lại giúp anh khống chế tên cướp. Rõ rang người đáng trách nhất trong sự việc và tình huống này là anh cán bộ Công an kia, nhưng những người dân thản nhiên đứng nhìn, quay video kia cũng không thể không đáng trách. Đây là biểu hiện của sự vô cảm.
Ông bà ta đã dạy “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… Văn hóa tình người, “lá lành đùm lá rách”, hoạn nạn có nhau của dân ta được tiếp thu từ thuở ấu thơ bằng những ca dao, tục ngữ đến những bài học ở trường. Thế nhưng, sự vô cảm vẫn tồn tại, len lỏi và lan rộng trong xã hội ngày nay, từ vụ anh tài xế bắt cướp là một minh chứng đau lòng.
Nguyên nhân có phải là do sự phát triển của công nghệ đã khiến con người ta đánh mất những giá trị tình cảm tồn tại xưa nay, khiến con người mải mê chạy theo những giá trị ảo như lượt xem, thích, chia sẻ, bình luận cho các hình ảnh, video trên mạng xã hội… Có phải do sợ liên lụy, vạ lây mà sẵn sàng bỏ mặc sự cầu cứu giúp đỡ của người đang gặp hoạn nạn ngay trước mắt… Có phải họ cho rằng đây không phải việc của họ, khi cán bộ Công an còn bấm điện thoại thì người dân không can thiệp vào là chuyện thường tình…
Khách quan mà nói, hàng ngày bên cạnh rất nhiều gương người tốt việc tốt, nhiều người với tấm lòng cao cả sẵn sàng hy sinh những quyền lợi cá nhân để giúp người hoạn nạn… thì vẫn còn không ít người vô cảm, ích kỷ tạo ra những hệ lụy không tốt cho xã hội. Trong bối cảnh toàn dân đang đoàn kết, đồng lòng chống dịch Covid-19, thì hành động vô cảm của một số người trên như một gáo nước lạnh dội vào lòng nhiệt huyết của dân ta, thật đáng buồn!
Theo đại văn hào Nga, Maksim Gorky: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Qua sự việc này, mong rằng mọi người hãy “sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn”, sưởi ấm tâm hồn ta bằng tình thương, tình cảm con người.
Chi Mai