Kiên quyết đấu tranh với các thủ đoạn chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026

Chỉ còn vài ngày nữa là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 được diễn ra. Theo nhận định, đây cũng là thời điểm mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị gia tăng các hoạt động chống phá, nhất là lợi dụng mạng xã hội để kích động, gieo rắc nhận thức sai lệch liên quan đến hoạt động bầu cử.

Để thực hiện âm mưu trên, các thế lực thù địch tiếp tục dùng các thủ đoạn như tập trung tung hô, ca ngợi cơ chế bầu cử tự do theo kiểu tư bản chủ nghĩa; phủ nhận bản chất tốt đẹp của chế độ ta, xuyên tạc nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, kích động, lôi kéo người dân phá hoại, ngăn cản công tác chuẩn bị cuộc bầu cử; đăng tải các thông tin xấu độc, sai sự thật trên các trang mạng xã hội nhằm gieo rắc sự hoài nghi về tính dân chủ của cuộc bầu cử; gây nhiễu loạn thông tin, khiến cho người dân hiểu sai các quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam về quyền và nghĩa vụ của công dân trong ứng cử, bầu cử… Bên cạnh đó, một số phần tử cơ hội, bất mãn chính trị trong nước cũng “té nước theo mưa” phát tán lên mạng xã hội nhiều bài viết xuyên tạc về tính dân chủ trong bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; cổ xúy cho chủ nghĩa tự do vô chính phủ, kích động nhân dân “tẩy chay” cuộc bầu cử theo kiểu “không biết không bầu”… Đây là những luận điệu xuyên tạc rất nguy hiểm xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và nghĩa vụ của công dân trong hoạt động bầu cử.

Cần khẳng định rằng, quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Thông qua bầu cử, công dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy Nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Vì vậy, việc tham gia bầu cử còn là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Mọi hành vi tuyên truyền xuyên tạc tính dân chủ, phủ nhận quyền và nghĩa vụ của công dân, lợi dụng dân chủ để phá hoại cuộc bầu cử; kích động, kêu gọi người dân tẩy chay bầu cử; cổ súy cho chủ nghĩa tự do vô chính phủ… là vi phạm pháp luật về bầu cử, xâm phạm quyền bầu cử của công dân. Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng quy định rõ: “Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Để đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá cuộc bầu cử, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, kiên quyết, kịp thời phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực phản động. Mỗi người cần nâng cao khả năng tự đề kháng, tự bảo vệ chính mình trước các thông tin xấu độc; có thái độ, trách nhiệm rõ ràng trước các luồng thông tin xấu lan truyền trên mạng xã hội trước, trong và sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử, góp phần thiết thực vào thành công cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sắp tới.

BBT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *