Không thể phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta

Thực tiễn 35 năm đổi mới đã chứng minh, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước góp phần quan trọng thúc đẩy “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện”1. Đây là điều không thể xuyên tạc, phủ nhận.

Ảnh minh họa

Núp bóng danh nghĩa “chuyên gia kinh tế”, “doanh nhân thành đạt”, “đại diện hợp pháp”,… của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và triệt để lợi dụng hạn chế, yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh hoạt động chống phá đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, Nhà nước ta. Một trong những trọng điểm xuyên tạc là: phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhằm phủ nhận chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất, bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Họ cho rằng: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo sẽ thủ tiêu cạnh tranh, phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế khác; sự thể hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế là mơ hồ, thiếu thực tế,… nhằm tạo tâm lý hoài nghi, gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sau 35 năm đổi mới đã chứng minh những luận điệu trên là không có cơ sở, bởi:

Thứ nhất, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thủ tiêu cạnh tranh. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường”2kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không phủ định cạnh tranh mà còn là nhân tố thúc đẩy sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Quá trình đổi mới, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế đặt ra yêu cầu khách quan phải tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và triển khai hiệu quả 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, như CPTPP, EVFTA, v.v. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 67/137 nền kinh tế3. Điều đó cho thấy, dù kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta không kém phần quyết liệt.

Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động chủ yếu trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không muốn làm và không làm được, hoặc đóng vai trò dẫn dắt, khai phá những lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế, như: quốc phòng, an ninh, năng lượng, sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông,… tham gia cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thị trường, bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Đảng ta chủ trương các doanh nghiệp nhà nước phải: “hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả sản xuất, kinh doanh làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế”4. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta không ưu ái doanh nghiệp nhà nước và phân biệt đối xử với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế tự chủ sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch, chịu sự điều tiết của các quy luật kinh tế thị trường và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình cổ phần hóa, đổi mới, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ chủ trương thoái vốn và nhường lại thị phần ở các lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có khả năng hoạt động đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao, như: thương mại tiêu dùng, dịch vụ, du lịch, vận tải, v.v. Đồng thời, thực hiện nghiêm chủ trương “Xóa bỏ cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho doanh nghiệp nhà nước, đối xử bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế,…”5 gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đó là minh chứng việc: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển; trong đó, kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Các yếu tố trên đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, như: có 591.499 doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, chiếm 96,9% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước; gấp nhiều lần so với số liệu tương ứng của doanh nghiệp nhà nước là 2.260 doanh nghiệp và 0,4%6. Riêng Quý I và tháng 4/2021, có 44.166 doanh nghiệp thành lập mới, 21.381 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; trong đó, doanh nghiệp quy mô vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng là 465 doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 20207. Việc kinh tế tư nhân tham gia các lĩnh vực nền tảng của nền kinh tế, như: công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, xây dựng đường cao tốc, sân bay, cảng biển, năng lượng tái tạo, truyền tải điện, logistics,… ngày càng khẳng định vai trò là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, nhiều doanh nhiệp, tập đoàn đã khẳng định thương hiệu đối với thị trường trong nước và quốc tế, như: Vingroup, Thế giới di động, Hòa Phát, Vietjet, VP bank, v.v. Đây là minh chứng không thể chối cãi về chủ trương kiến tạo, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ hai, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước ngày càng được khẳng định và phát huy; thực sự là công cụ, lực lượng vật chất để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ tỷ trọng đa số hoặc có vị trí chi phối một số ngành, lĩnh vực nền tảng của nền kinh tế, như: 25% vốn điều lệ, 48% thị phần huy động vốn và 50% thị phần cho vay của toàn hệ thống tín dụng; 86% sản lượng điện phát vào mạng lưới, 97% sản lượng than sạch, 100% sản lượng dầu thô, 85% thị phần bán lẻ xăng dầu8, v.v.

Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực tới kinh tế – xã hội mọi quốc gia trên thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm9. Đặc biệt, năm 2020, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới; quy mô GDP đạt trên 340 tỉ USD10, tương đương với thu nhập bình quân/người đạt hơn 3.500 USD. Các chỉ số phát triển kinh tế – xã hội được duy trì ổn định, như: tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, cán cân thanh toán thặng dư (xuất siêu 5 năm liên tiếp); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 03% năm 2020; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 76% năm 2015 lên 90,7% dân số năm 2020;… nhiều công trình hạ tầng về giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, khu công nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục,… được hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng tạo thêm năng lực cạnh tranh và diện mạo mới cho nền kinh tế11. Kinh tế nhà nước còn là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội,… tạo cơ sở nền tảng vững chắc để Việt Nam thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ ba, đa số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước khẳng định vị trí đầu tàu về hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát huy tốt vai trò là công cụ, lực lượng vật chất để Chính phủ điều tiết nền kinh tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố năm 2020 cho thấy: tuy chỉ chiếm 0,4% trong tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng doanh nghiệp nhà nước huy động, thu hút vốn cho sản xuất, kinh doanh đạt 9,65 triệu tỉ đồng, doanh thu cao nhất với 13,41 triệu tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 323,64 nghìn tỉ đồng (chiếm tỉ lệ tương ứng là 24,8%, 56,7% và 36,1% của toàn bộ doanh nghiệp); trong khi đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 96% tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng chỉ thu hút được 22,25 triệu tỉ đồng vốn cho sản xuất, kinh doanh, doanh thu đạt 3,41 triệu tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 190,36 nghìn tỉ đồng (chiếm tỉ lệ tương ứng là 57,2%, 14,4% và 21,3%); thu nhập bình quân tháng một lao động của doanh nghiệp nhà nước đạt 12,56 triệu đồng, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ đạt 7,87 triệu đồng12. Theo số liệu thống kê của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report JSC. – VNR) công bố TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020 thì có đến 07 doanh nghiệp nhà nước thuộc nhóm 10 doanh nghiệp hàng đầu13.

Sự thực trên là minh chứng rõ nét về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vào sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Và tự nó bác bỏ mọi phủ nhận, mọi xuyên tạc.

Đại tá, TS. THÁI DOÃN TƯỚC – Trung tá, ThS. THÁI DOÃN HÙNG/TCQPTD
___________________

1 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 59.

2 – Sđd, tr.128.

3 – https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-cua-viet-nam-truoc-yeu-cau-moi-329061.html.

4 –  ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr.129.

5 – ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr.103.

6 – Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, Nxb Thống kê, H. 2021, tr. 39.

7 – https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/ThongKeDangKy.aspx.

8 – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2020), Đánh giá thực hiện vai trò kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội của giai đoạn 2011 – 2020; quan điểm, phương hướng giai đoạn 2021 – 2030.

9 – Báo cáo số 555/BC-CP, ngày 19/10/2020 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 05 năm 2021 – 2025.

10 – Báo cáo số 99/BC-CP, ngày 23/3/2021 về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

11 – Báo cáo số 555/BC-CP, ngày19/10/2020 về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 05 năm 2016 – 2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 05 năm 2021 – 2025.

12 – Sđd, tr.46, 50, 53, 54, 60.

13 – https://vnr500.com.vn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *