Độc đáo nghi lễ cầu ngư lạch Long Thủy

Lễ hội cầu ngư lạch Long Thủy (thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa) thể hiện sự sùng tín đối với cá Ông cùng các đấng thần linh. Đây là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân miền biển nơi đây.

Màn múa siêu tại lễ cầu ngư Long Thủy – Ảnh: THIÊN LÝ

Nhiều năm thực hiện nghi thức cúng cầu ngư, ông Nguyễn Tấn Đức ở thôn Long Thủy cho biết: Lễ nghinh rước thần diễn ra vào cuối giờ chiều. Mười hai người cầm cờ đi trước, một tốp khiêng ngai để rước thần nhập lăng đi sau. Xuất phát từ lăng, đoàn tới miễu, đình làng, cách hơn 1km. Sau đó, từ đầu làng đi đến cuối làng rồi quay về lăng Ông.

Sau lễ nghinh rước thần là lễ ngũ sắc tế phẩm và lễ trình thiết – khai diên. Những người tham gia lễ tế mặc áo rộng, khăn đóng, có nhạc và trống chiêng đầy đủ. Đoàn siêu múa một bài siêu Ông trước rồi dãn ra, đứng thành hàng hai bên trước chánh điện. Mỗi bên gồm 4 người để hầu thần.

Lễ hội cầu ngư là nhu cầu trong đời sống tinh thần của ngư dân, với mong muốn trời yên biển lặng, lưới nặng cá đầy, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là một lễ hội truyền thống được bảo tồn, phát huy ở Phú Yên nói riêng và Nam Trung Bộ nói chung. Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

Tiếp đó, tại võ ca lăng, ông Bầu tế có nhiệm vụ vẩy rượu trên mặt trống, đưa dùi cho Chánh tế. Sau đó, Chánh tế đánh ba hồi, chín tiếng trống. Sau khi trống nổi lên, từ cánh gà, đoàn hát tuồng tiến ra sân khấu chúc tụng. Đến 1 giờ sáng hôm sau, Ban trị sự tiến hành lễ tế thần ân; lễ vật gồm 2 con heo, một con để nguyên và một con đã được rã thịt.

Theo ông Nguyễn Cho, Trưởng lạch Long Thủy, lăng Ông lạch Long Thủy xây dựng cách đây hơn 100 năm và đã được trùng tu nhiều lần. Hiện tại, kiến trúc lăng gồm 4 khu: chánh điện, nhà tây, nhà đông và võ ca lăng.

“Từ thời xa xưa, tôi đã nghe các bậc cao niên truyền tai nhau chuyện cá Ông (ngư dân thường gọi là Ông Nam Hải) là loài cá thường giúp con người vượt qua hiểm nguy khi lênh đênh trên biển cả, được ngư dân tôn thờ và có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh của ngư dân. Vì vậy, khi phát hiện Ông lụy (mất), cả làng tổ chức lễ an táng nghiêm cẩn và thành kính. Từ đó, theo thông lệ cứ đến ngày 11/6 âm lịch (có một ông Chuông – tên gọi khác của cá Ông – lụy tại bãi biển Long Thủy vào tháng này), người dân địa phương lại làm lễ cúng Ông Nam Hải cầu mong biển giã mưa thuận gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, gia đình ấm no, hạnh phúc”, ông Cho nói.

Ông Trần Đức Tiến (57 tuổi), tham gia hỗ trợ ban lạch Long Thủy chia sẻ: “Lễ cầu ngư không chỉ thu hút người dân trong thôn mà còn có cả bà con và du khách các vùng lân cận. Đến với lễ cầu ngư, chúng tôi cầu cho bản thân, gia đình và mọi người được an lành, no ấm”.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trọng Tích ở thôn Long Thủy, nét riêng trong lễ cầu ngư lạch Long Thủy không lẫn với lễ cầu ngư ở các nơi khác là hò bả trạo mang đậm sắc thái địa phương. Một đội bả trạo từ 17-19 người, trong đó có ba vị: Tổng Mũi (Tổng Sanh), Tổng Thương (có nơi gọi Tổng Khoang), Tổng Lái và các con trạo.

Theo nhiệm vụ được phân công thì Tổng Mũi là người gõ “nhịp sanh” để điều khiển đội bả trạo chèo thuyền theo nhịp. Tổng Thương là người quản lý sinh hoạt trên thuyền, được ví như “anh nuôi”.

Quan trọng nhất là Tổng Lái – thuyền trưởng, là người chỉ huy cả đội thuyền, đồng thời làm nhiệm vụ cầm lái, sử dụng đạo cụ là một cây chèo lớn để lái thuyền. Hát bả trạo gồm có xướng và xô. Khi hát, Tổng Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương xướng và bắt bài hát theo các điệu hò, các con trạo thỉnh thoảng xô hoặc nhại lại một đoạn hát của các tổng.

Cơ bản lễ cầu ngư gồm hai phần chính, lễ và hội. Phần lễ với những nghi thức nghiêm trang, thể hiện sự sùng tín đối với Ông Nam Hải cùng các đấng thần linh trong làng. Tuy nhiên, trình diễn lễ cầu ngư ở lạch Long Thủy cũng có một số điểm khác biệt với những nơi khác. Có thể thấy, trong khi ngư dân Quảng Bình chọn “Ngày 16 làm lễ xuống biển, dân làng làm một chiếc thuyền bằng giấy, trên thuyền đặt một con cá bằng giấy mang ra biển thả. Khi mặt trời lên, họ thả chiếc thuyền xuống nước. Người ta tin rằng nếu chiếc thuyền vượt qua các lớp sóng mà vẫn giữ nguyên vẹn thì năm đó được mùa, bằng không nếu bị sóng cuốn đi thì năm đó gặp nhiều khó khăn, trở ngại và mất mùa” (tác giả Tôn Thất Bình), thì ngư dân ở Long Thủy không có nghi thức này. Cũng như khác với lạch Bình Lợi (phường 4, TP Tuy Hòa) và Vàm Láng (Gò Công, Tiền Giang), lễ nghinh Ông ở Long Thủy không thấy có sự tham gia của các nhà sư.

baophuyen.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *