Tự do sáng tạo không phải là sự tùy tiện (Bài 1)

Như rất nhiều quốc gia văn minh khác, ở Việt Nam, tự do sáng tạo nghệ thuật luôn gắn liền với ý thức, trách nhiệm của nghệ sĩ đối với xã hội, và là sự tự ý thức. Chính vì thế, tình trạng một số sản phẩm phản văn hóa, phi nghệ thuật bị cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí thu hồi, cấm phát hành, khiến dư luận đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm xã hội của những nghệ sĩ này.

Một cảnh trong vở diễn Võ Tam Tư (Nhà hát Tuồng Việt Nam) phát sóng trên truyền hình cổ vũ nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19.

Từ khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời và tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nghệ thuật luôn được quan tâm, chú trọng tạo điều kiện phát triển và trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa mới. Tuy nhiên, dù luôn được quan tâm, chú trọng, đề cao, dành nhiều công sức để phát triển nghệ thuật, thì vẫn phải thừa nhận công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng vẫn còn có lúc có khi chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tiễn, còn tồn tại một số bất cập. Vì thế, Nghị quyết số 05-NQ/TW (1987) về “Ðổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới” đã được ban hành.

Và không thể phủ nhận, sau 34 năm, Nghị quyết số 05-NQ/TW và nhiều văn bản, chính sách kế thừa, đã phát huy tinh thần đổi mới để thúc đẩy tự do sáng tạo của nghệ sĩ, với sự ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng-nghệ thuật cao, có tiếng vang trong nước và quốc tế. Tuy nhiên gần đây, thực tế hoạt động nghệ thuật cho thấy, trong khi tác phẩm chất lượng cao có xu hướng chững lại, thì xuất hiện một số sản phẩm nghệ thuật dường như bị tầm thường hóa, “thiên chức” của nghệ thuật có chiều hướng bị thay thế bằng việc đề cao chức năng giải trí. Thậm chí, có hiện tượng nhân danh đổi mới, sáng tạo để che đậy động cơ thiếu trong sáng, thậm chí vi phạm pháp luật.

Trên bối cảnh rộng có thể thấy gần đây, ưu thế của các nền tảng số, không gian mạng, âm thanh trực tuyến tạo ra nhiều hình thức phát hành, xuất bản mới như sách điện tử, phim chiếu trên mạng, nhạc số,… đã tạo cơ hội để một số nghệ sĩ thử nghiệm sáng tác bằng tiếng nước ngoài, hoặc chọn thị trường quốc tế để công bố tác phẩm. Cùng với đó là sự xuất hiện một số trào lưu, xu hướng nghệ thuật và sự nở rộ của hình thức “tự xuất bản” trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử. Ðặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện với diễn biến phức tạp, không ít cá nhân, hoặc tập thể người làm nghệ thuật tập trung vào các phương thức phát hành, xuất bản phi truyền thống… Các yếu tố này đã và đang đưa tới một số lúng túng của cơ quan quản lý, nếu không nói có cơ quan như bị “hụt hơi”, cơ chế, chính sách chưa theo kịp tốc độ phát triển của nghệ thuật.

Không chỉ vậy, tình trạng một số tiêu chuẩn cộng đồng còn lỏng lẻo, lạc hậu so với thực tiễn, lối làm việc bất hợp tác của một số nơi cung cấp dịch vụ mạng xã hội, phim, âm nhạc, sách trực tuyến,… cũng trực tiếp gây khó khăn cho các cơ quan hữu quan. Và hậu quả là bên cạnh yếu tố tích cực cần khuyến khích, thị trường nghệ thuật xuất hiện không ít sản phẩm có nội dung, hình thức nhảm nhí, dung tục, bị coi là “rác văn hóa”. Một số sản phẩm có nội dung xấu, độc đã bị các cơ quan thẩm quyền yêu cầu thu hồi, không phát hành; một số chương trình biểu diễn, sản phẩm điện ảnh bị xử phạt vì tổ chức công chiếu sai quy định của pháp luật, có bộ phim bị cấm. Nổi lên gần đây là việc Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xử phạt hai ca sĩ Ðinh Thanh Tùng-nghệ danh “Chị Cả”, và Lê Vũ An-nghệ danh “Chí”, vì có sáng tác phản văn hóa, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.

Cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng, gần đây tình trạng vi phạm pháp luật, coi nhẹ vai trò, trách nhiệm của nghệ sĩ với xã hội, công chúng, đã xuất hiện trong một số nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn. Ðó không còn là hiện tượng cá biệt mà xuất hiện ở khá nhiều loại hình nghệ thuật. Như trong âm nhạc, ngày 26/6/2014, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt Tô Minh Vũ (Yanbi), Tằng Quốc Anh (Mr T) và Vũ Quốc Tùng (T-Akayc) vì chế lời bài hát “Thu cuối”, hát ca khúc “Phiếu bé ngoan” có nội dung, ca từ thô tục không phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa. Trong điện ảnh, một vài đạo diễn, nhà sản xuất không chú ý tham chiếu, rút kinh nghiệm từ một số tác phẩm từng bị yêu cầu chỉnh sửa, cắt, cấm phổ biến vì vi phạm Luật Ðiện ảnh, khiến một số phim bị cấm chiếu như: Bẫy cấp 3, Bụi đời chợ Lớn, Rừng xác sống, Bẫy rồng… Thậm chí có tác giả văn học còn tự hào, khoe khoang trên mạng xã hội khi tác phẩm của họ bị thu hồi, yêu cầu chỉnh sửa nội dung…

Không những vậy, thay vì xem xét, đánh giá công tâm, trên mạng xã hội lại xuất hiện một số nhóm người hâm mộ có phát ngôn không đúng mực để bảo vệ “thần tượng” của họ. Như về ca từ lệch lạc trong ca khúc Censored, một người hâm mộ Rap Việt bình luận: “Sao không thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về Rap. Không phải lời Rap nào cũng phải đúng với ngoài đời, chỉ là những gì người ta tưởng tượng ra”. Hoặc đề cập nội dung báng bổ Phật giáo trong bản ráp “Thích Ca Mâu Chí”, họ ngụy biện rằng: “Rap từ lâu đã bậy như thế và đã truyền bá ra thế giới rồi, chỉ không truyền được vào đầu những người tiêu chuẩn kép nhưng không có não thôi”. Họ không cần biết Rap ra đời ở phương Tây, thường có ngôn từ gai góc nhưng mục đích là tố cáo thực trạng bất công xã hội, phân biệt chủng tộc, khoảng cách giàu-nghèo… Khi hòa vào âm nhạc đại chúng, các rapper trên thế giới ngày càng quan tâm tới sứ mệnh nghệ thuật trong sáng tác. Hơn nữa khi tiếp thu và sáng tạo, nghệ sĩ cần đặt mình vào quá trình tiếp biến văn hóa, không thể rập khuôn, không bê nguyên xi loại thể âm nhạc xa lạ vào đời sống âm nhạc dân tộc. Bởi không thể phủ nhận sự thật là nền tân nhạc của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ âm nhạc phương Tây nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc chính nhờ vào việc chọn lọc, kế thừa các giá trị phù hợp văn hóa, con người Việt Nam.

Chưa tìm hiểu bản chất vấn đề, hoặc cố tình tảng lờ bản chất vấn đề, trước hiện tượng tác phẩm bị thu hồi, cấm lưu hành, một vài chuyên gia tự phong nhận định áp dụng xử phạt hành chính với những sản phẩm nghệ thuật biểu diễn được cho là “trái thuần phong mỹ tục” rất dễ rơi vào lạm quyền, có thể dẫn tới nguy cơ làm cản trở quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt, cản trở sáng tạo! Vài người còn từ thuyết âm mưu mà nghi ngờ các đơn vị chức năng lập “danh sách đen”, “sổ đen” để gây khó dễ cho một số tác giả, tác phẩm. Nhưng sự thật không phải vậy. Như trường hợp đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt, dù được coi là “đạo diễn Việt kiều có nhiều phim bị cấm chiếu nhất Việt Nam”, Kiệt vẫn nói rõ ràng rằng: “Chuyện duyệt phim không chỉ có ở Việt Nam. Ở Hollywood, đạo diễn phải duyệt phim với nhà đầu tư. Nếu không đúng ý người ta thì họ còn không nói chuyện với mình, nói gì đến chuyện sản xuất được phim”. Sau thất bại, việc tìm hiểu văn hóa Việt Nam với thái độ trân trọng đã giúp đạo diễn này chinh phục khán giả với các bộ phim ấn tượng như “Dịu dàng” (2014) và “Hai Phượng” (2019).

Không chỉ với Việt Nam, yêu cầu chỉnh sửa tác phẩm, hoặc cấm lưu hành tác phẩm vì nội dung không phù hợp giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức,… vẫn được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo đó, sản phẩm bị xử lý đều có nguyên nhân từ nội dung, hình thức đã vượt qua tiêu chí cho phép về chủ đề bạo lực, tình dục, chất gây nghiện, chính trị, tôn giáo, ngôn ngữ thô tục… Thí dụ: Từ năm 1954 đến nay, Ủy ban phân loại điện ảnh Vương quốc Anh (BBFC) từng từ chối cấp phép vĩnh viễn 84 bộ phim; yêu cầu chỉnh sửa, cắt bỏ nội dung, hạn chế phát hành hàng trăm bộ phim khác. Thời gian gần đây, trước đời sống bê bối của một số nghệ sĩ, nhiều nền tảng mạng xã hội, kênh phát hành trực tuyến còn chủ động xóa kênh, sáng tác của họ dù tác phẩm không vi phạm quy chế thẩm định. Năm 2019, YouTube đã xóa kênh của ca sĩ Austin Jones vì có hành vi gửi tin nhắn khiêu dâm cho trẻ vị thành niên. Mới đây, ngày 6/10/2021, nền tảng chia sẻ video này tiếp tục xóa hai trang chính thức của ca sĩ R. Kelly sau khi đã bị kết án vì tội lạm dụng tình dục.

Thời gian qua, điểm chung của hầu hết trường hợp bị xử phạt hành chính trong hoạt động biểu diễn, xuất bản, phát hành, lưu hành,… là nội dung tác phẩm không phù hợp, đi ngược lại các giá trị văn hóa Việt Nam. Thậm chí, có tác phẩm còn chứa nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi đen hiện thực, cổ súy lối sống lệch chuẩn đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục. Do đó, để bảo đảm môi trường nghệ thuật lành mạnh, đem đến cho công chúng tác phẩm có giá trị chân-thiện-mỹ, thì việc xử phạt là cần thiết.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cơ quan chức năng còn bị động, chậm trễ xử lý sai phạm xảy ra trong hoạt động nghệ thuật. Với nhiều vụ việc, cơ quan chức năng chỉ vào cuộc, kiểm tra, xử phạt khi báo chí, dư luận lên tiếng phê phán. Bên cạnh đó, việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật có sai phạm nhiều khi còn thiếu kiên quyết, chưa thực chất, nên đã để một số sản phẩm độc hại trôi nổi trên thị trường và không gian mạng, khiến nảy sinh so sánh thiệt hơn, gây mâu thuẫn trong giới sáng tạo nghệ thuật, và công chúng thưởng thức.

Vì vậy, hoạt động này phải tiến hành thường xuyên, trải đều trên các loại hình sáng tác, biểu diễn với sự tham gia của các cơ quan liên ngành, của báo chí, công chúng. Dù xử phạt là điều đáng tiếc, nhất là với người đã khẳng định tên tuổi, có dấu ấn trong sinh hoạt nghệ thuật, nhưng sự nghiêm túc, kiên quyết trên cơ sở pháp luật của cơ quan chức năng sẽ đem lại bài học hữu ích cho người làm nghệ thuật, giúp họ tự ý thức khi không đặt tự do sáng tạo lên trên trách nhiệm, nghĩa vụ với quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Bởi, chỉ khi thấm nhuần, tôn trọng văn hóa dân tộc, nghệ sĩ mới phát huy hết quyền tự do trong hoạt động sáng tạo và đồng thời, chỉ có sáng tạo hướng đến những giá trị nhân văn vì con người, nghệ sĩ mới có thể cống hiến và khẳng định được tên tuổi trong đời sống tinh thần của dân tộc.

(Còn nữa)

QUANG MINH/NHÂN DÂN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *