“Sống chung với Covid-19” – Luận điệu nguy hiểm
Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam kéo dài 4 tháng (tính từ đầu tháng 5/2021), đến nay vẫn chưa được đẩy lùi và còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Dịch bệnh kéo dài làm cho đất nước và cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị gia tăng các hoạt động chống phá, vu cáo, kích động trên các diễn đàn xã hội. Chúng xuyên tạc rằng: “Cách phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam không hiệu quả”, “Dịch bệnh Covid-19 không thể khống chế và tiêu diệt”, đáng chú ý chúng cổ súy phương án “Sống chung với Covid-19”… Và có không ít người dân, vì nóng lòng mà tin theo, có những hành động chống lại lực lượng chức năng làm công tác phòng, chống dịch.
“Sống chung với Covid-19” – Đây là luận điệu vô cùng nguy hiểm trong thời điểm hiện nay. Bởi muốn “Sống chung với Covid-19” thì cần đảm bảo các yếu tố như: Đạt được miễn dịch cộng đồng (tức là tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 đạt từ 70% trở lên). Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam mới tiêm được khoảng 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, nếu chia bình quân thì chỉ mới đạt tỷ lệ 20% dân số được tiêm một mũi vắc xin Covid-19; yếu tố quan trọng tiếp theo là phải có thuốc đặc trị, nhưng đến nay thế giới vẫn chưa có loại thuốc đặc trị kháng virus; thứ ba cần phải có một nền y tế mạnh. Tức là các cơ sở y tế trên toàn quốc phải có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ y, bác sĩ để đối phó hiệu quả với dịch bệnh. Xét tất cả các yếu tố trên thì Việt Nam chưa đảm bảo để sống chung với đại dịch. Vì vậy, nếu thực hiện “Sống chung với Covid-19” ngay lúc này là vô cùng nguy hiểm, có thể sẽ xảy ra thảm họa về y tế nói riêng và chính trị – xã hội nói chung. Viễn cảnh này đã từng xảy ra ở một số nước có nền y học hiện đại vào loại bậc nhất của thế giới. Như vậy, luận điệu cổ súy “Sống chung với Covid-19” lúc này là ý tưởng đầy toan tính, sặc mùi thủ đoạn vì động cơ chính trị.
Việc các thế lực xấu rêu rao “Cách phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam không hiệu quả” là hoàn toàn sai sự thật, phủ nhận sạch trơn những thành quả của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ trước đến nay. Tuy đợt dịch thứ 4 chưa được khống chế và đẩy lùi hoàn toàn, nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng của chúng ta đã nỗ lực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nên từng bước kiềm chế được tốc độ lây lan trước sự tấn công mạnh mẽ, nguy hiểm của biến chủng mới Delta và hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ người tử vong trên số người mắc Covid-19.
Cuộc chiến chống lại dịch bệnh của chúng ta trong thời gian tới sẽ tiếp tục còn rất nhiều khó khăn, vất vả, cần nhiều vật lực và thời gian hơn. Vì vậy, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước lúc này là rất cần thiết, là nhân tố quyết định chiến thắng đại dịch Covid-19.
Hồng Thái