Trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thời gian qua chúng ta đã từng bước ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, với góc nhìn phiến diện, thiển cận, thiên kiến, một số cá nhân, tổ chức đang cố tình phủ nhận những thành quả trong phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta. Nhận thức của những cá nhân, tổ chức này là không thể chấp nhận được và đáng bị xã hội lên án.
Các thành viên Đội SOS sinh viên Đại học Đông Á đã sửa chữa nhiều xe máy hư hỏng, giúp người dân trong đoàn từ TP Hồ Chí Minh tiếp tục hành trình về quê nhà

1. Cố tình phủ nhận những thành quả trong phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, một số tổ chức, cá nhân cho rằng “Việt Nam chống dịch thành công là nhờ may mắn”(?). Gần đây (vào tối 3/8/2021), trên mạng xã hội xuất hiện một video dài 3 phút 59 giây ghi lại cuộc hội thoại diễn ra trong một tiết học online giữa một sinh viên và giảng viên của Trường Đại học ở Đà Nẵng – trong phần tranh luận, giảng viên T.T.T đã có những phát ngôn phủ nhận những thành quả chống dịch của Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương, các tầng lớp nhân dân: “Từ đầu mùa dịch tới giờ Chính phủ đã hỗ trợ cho em cái gì chưa?”, “Có dân nước nào chạy 1.500 km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?… Cô cảm thấy rất nhục nhã vì đều đó. Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều,… còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã…”[1].

Đáng tiếc nhận thức phiến diện, thiển cận, thiên kiến về an sinh xã hội của một cô giáo ở một trường đại học khi tranh luận với sinh viên lại được Facebook Thái Hạo “cổ súy”, “khuyến khích” kiểu “suy nghĩ”, “chính kiến” của cô giáo đó (!) và cho rằng những ai không thể hiện “chính kiến” như cô giáo là an phận, hèn nhát, vô cảm, vô trí (?). Hơn thế, một “nhà giáo” có tên M.V.T (ở thành phố Hồ Chí Minh) đã “nhiệt huyết” viết thư gửi cho cô giáo T.T.T “chia sẻ”: ““Tội” của Cô là nói đúng Sự thật và Không vô cảm!… Cô là một giáo viên chân thành, nhiệt huyết… Cô là một giảng viên muốn thực thi đúng sứ mệnh của một nhà giáo là cố gắng khai mở, truyền đạt những điều mới mẻ cho sinh viên… Nỗi nhục nhã ê chề không thuộc về Cô”. Đồng thời, người này còn đưa ra các kết luận hồ đồ như: “não trạng của nhiều người Việt đã bị lập trình, chỉ biết phản ứng trước những kích thích quen thuộc, không có khả năng tiếp nhận cái mới, nhất là những giá trị tinh thần cao đẹp”, “Việc Đại học D.T sa thải Cô, cho thấy thêm một tín hiệu về nền giáo dục ngày càng tha hoá, không hy vọng gì vào công cuộc “Đổi mới căn bản, toàn diện” và “Cái Hội đồng của Đại học D.T… không biết bảo vệ giảng viên của mình; nó sợ hãi trước dư luận vớ vẩn”,…

2. Là một nhà giáo, một giảng viên có trên 30 năm công tác trong ngành giáo dục và cũng thời gian ấy sống ở Quảng Nam – Đà Nẵng, với nhận thức và trách nhiệm của một nhà giáo, tôi xin được trao đổi với “nhà giáo” T.T.T, M.V.T… một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, đã là nhà giáo, giảng viên thì không thể không nắm vững những quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành, cũng như các quy định về đạo đức nhà giáo:

Về mục tiêu của giáo dục đại học: “Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe;… có ý thức phục vụ nhân dân”.

Về nhiệm vụ và quyền của giảng viên: nhà giáo có nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục. Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học. Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.

Về các hành vi giáo viên, giảng viên không được làm: Lợi dụng danh hiệu nhà giáo và hoạt động giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; quy chế, quy định. Không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc nội dung giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Thứ hai, việc chỉ dựa vào một số “thông tin”, “hiện tượng” ít ỏi, cá biệt, một chiều để đưa ra các “nhận định” xuyên tạc bản chất của vấn đề an sinh xã hội của Việt Nam nói chung và công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng (trong đó có công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng), với một sự so sánh thiếu tính khoa học và rất mơ hồ về tính thực tiễn, là không thể chấp nhận được.

Tôi xin mạo muội trao đổi với “cô giáo” T.T.T và “thầy giáo” M.V.T về một số hoạt động biểu hiện sự đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân thành phố Đà Nẵng trong hoạt động ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19 thời gian qua, mà tôi nghĩ những nỗ lực và kết quả này nếu là người quan tâm đến cộng đồng và có hiểu biết thì đều đã rất rõ:

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra; với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ đã sớm kêu gọi toàn dân, toàn quân và đồng bào đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”[2], “Việt Nam là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu với mọi hiểm nguy, thách thức… Nhiều người đã sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác. Có những người nông dân nghèo bán cả mảnh đất, tài sản lớn nhất của gia đình, để đóng góp cho việc phòng, chống dịch”[3], “Trong cuộc chiến chống COVID-19, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn”[4].

Cuối tháng 7 năm 2021 dịch Covid-19 đã tái bùng phát ở Thành phố Đà Nẵng. Thành ủy Đà Nẵng đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 30/7/2021 với nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: “Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và sở, ban, ngành, đoàn thể… tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt công tác an sinh xã hội; bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhất là ở khu phong tỏa, cách ly, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…., không để bất cứ người dân nào thiếu ăn…”. Triển khai Nghị quyết của Thành uỷ, các quận, huyện của Đà Nẵng đã thực hiện nhiều biện pháp sáng tạo, hiệu quả như: trực tiếp chi tiền hỗ trợ người dân trong vùng cách ly y tế; triển khai mô hình các tổ Covid-19 cộng đồng “Đi chợ giúp dân”; tạm dừng thu tiền điện, nước để hỗ trợ người dân.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng đã kịp thời cấp 200 tấn gạo và 1,5 tỷ đồng phân bổ đến các quận, huyện để cấp phát cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch bệnh. UBND thành phố Đà Nẵng miễn 100% tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ cho tất các hộ đang kinh doanh, buôn bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố với thời gian hỗ trợ trong 6 tháng (từ tháng 5/2021 đến tháng 10/2021).

Ngày 12/8/2021, Kỳ họp thứ 2 HĐND Thành phố Đà Nẵng, khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), đã thảo luận, thống nhất thông qua 3 tờ trình của UBND thành phố liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đưa vào Nghị quyết nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, gồm: hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ chi phí xét nghiệm SAR-Cov-2 cho các đối tượng đặc thù; các giải pháp giải quyết các vấn đề cấp thiết để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, HĐND thành phố Đà Nẵng thống nhất chủ trương hỗ trợ thực phẩm và nhu yếu phẩm trị giá 40.000 đồng/khẩu/ngày trong thời gian cách ly y tế theo quyết định của cấp có thẩm quyền đối với tất cả các hộ gia đình thuộc khu vực cách ly y tế, kể từ ngày thành phố xảy ra dịch bệnh Covid-19 năm 2021 đến ngày 15-8-2021.

Trên tuyến đầu chống dịch tại Đà Nẵng, đã có hơn 6.500 thanh niên tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 với các nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho các khu vực cách ly, phong tỏa; gần 300 cán bộ, chiến sĩ công an thành phố tăng cường xuống cơ sở để tham gia phòng, chống dịch. Hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng không quản nắng nóng, đêm khuya để bố trí điểm nghỉ ngơi, tiếp tế thức ăn, nước uống, xăng dầu và dẫn đường hỗ trợ cho đoàn xe máy của bà con từ thành phố Hồ Chí Minh về quê (Huế, Quảng Trị, Nghệ An…)đã tạo ra những xúc cảm mạnh mẽ của cộng đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng cũng đã tổ chức chương trình “Sẻ chia yêu thương, chung tay phòng chống dịch Covid-19”: Trong đợt 1, từ nay đến cuối năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố sẽ trao tặng 5.000 suất quà (300.000 đồng/1 suất) cho Hội Liên hiệp Phụ nữ 7 quận, huyện để trao gửi đến gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn…

Tất cả những chính sách và việc làm cụ thể nêu trên của thành phố Đà Nẵng chỉ là một trong những minh chứng sinh động của giá trị nhân văn, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam. Các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các địa phương đang đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đều đã và đang triển khai thực hiện những chính sách và nhiều biện pháp, cách làm nhằm bảo đảm an sinh xã hội với mục tiêu tất cả vì cuộc sống của nhân dân.

3. Đại dịch Covid-19 có thể gây ra những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe của nhân dân, nhưng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng, tin tưởng rằng thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung sẽ sớm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch, trở lại cuộc sống bình thường. Tổ quốc, đất nước, nhân dân không cần “những anh hùng bàn phím”; Tổ quốc, đất nước, nhân dân cần mọi công dân đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của chính quyền, của nhân dân bằng các hành động cụ thể, thiết thực, tâm huyết.

“Thầy giáo” M.V.T, “Cô giáo” T.T.T hãy nhìn vào các hình ảnh sau đây trước khi đưa ra các “phán xét”, “nhận định” của mình: “Khi đoàn 500 người từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê dừng chân tạm nghỉ ở địa phận Đà Nẵng,… Các anh em tình nguyện viên của nhóm thiện nguyện Hiếu Hạnh và Quỹ xe vạn tình Đà Nẵng đã có mặt ở điểm dừng chân trước trạm trung chuyển qua hầm Hải Vân, sẵn sàng tiếp sức cho đoàn người với khoảng 500 phần súp nóng, hàng chục thùng sữa cho trẻ em, nước tăng lực cho các “bác tài”… Với những lời động viên: “Chú ơi, đây là súp còn nóng lắm, chú húp một miếng cho đỡ mệt”, “Chị ơi, súp nóng ngon lắm, chị ăn đi cho lại sức”, “Đội SOS tình nguyện của sinh viên Đại học Đông Á hưởng ứng lời kêu gọi của Phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Đà Nẵng, đã thay phiên thức xuyên đêm giúp sửa chữa, vá xe cho người dân từ các tỉnh phía Nam vượt đèo Hải Vân về quê tránh dịch – từ căng xích, xiết bulon, ốc vít, thay săm lốp, thay dầu, vô mỡ, đổ xăng, bơm xe…”…

Lẽ ra, ngoài kiến thức khoa học chuyên môn (dạy môn Văn hóa Anh), “cô giáo” T.T.T phải rất quan tâm đến việc “dạy kỹ năng sống và kiến thức xã hội, đặc biệt tinh thần vì cộng đồng” và trong lúc “Cả nước đang căng mình chống dịch bệnh Covid-19, tất cả đều vì cuộc sống, vì mục tiêu phải sống, còn người là còn tất cả. Vì thế mỗi người hãy kiềm chế cái tôi để nghĩ cho đại cuộc. Phải sống nhưng phải sống với đồng bào!”. Tôi nghĩ, trong tiết giảng “Cô giáo” đưa ra những nội dung không những không phù hợp với môn học liên quan đến lĩnh vực văn hóa (Văn hóa Anh), mà lại có những phát ngôn lệch lạc, phiến diện và gây ra hiệu ứng không tốt trên không gian mạng (phủ nhận những thành quả chống dịch của chính phủ, các địa phương và các tầng lớp nhân dân) là không thể chấp nhận được. Danh ngôn có câu: “Một vị bác sĩ tồi có thể sẽ giết chết một vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể sẽ giết chết một vài đạo quân, nhưng một người thầy giáo tồi chắc chắn sẽ giết chết nhiều thế hệ”. Vì thế, để “nhiều thế hệ không bị giết chết” thì chắc chắn cần phải làm trong sạch đội ngũ nhà giáo, phải loại bỏ ra khỏi đội ngũ nhà giáo những phần tử, những đối tượng không còn xứng đáng !

(Nguồn thinhvuongvietnam.com)

—————————————-

[1]Nguồn : https://baomoi.com/giang-vien-sinh-ngoai-phat-ngon-phien-dien-ve-cuoc-chien-chong-dich-truoc-sinh-vien/c/39790845.epi

[2]Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Lời kêu gọi toàn dân phòng, chống đại dịch covid-19, Báo Nhân dân ngày 30 tháng 7 năm 2021.

[3]Chỉ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bài phát biểu tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid -19 ngày 27/5/2021

[4]Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bài phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 ngày 5/6/2021.