Đừng phủ nhận lịch sử
Thấy cháu nội đạp xe về nhà với vẻ mặt phấn khởi khác thường, ông Thành ngạc nhiên hỏi:
– Hôm nay trên lớp có gì mà thấy cháu vui thế?
– Chúng cháu vừa nghe được thông tin, bắt đầu từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ không phải học môn Lịch sử nữa!
– Ông xem ti vi thì môn Lịch sử vẫn đưa vào chương trình, thành môn tự chọn, chứ không phải bỏ hẳn.
– Thì cũng khác gì đâu ông! Nếu cho tự chọn thì cả lớp cháu bây giờ sẽ chẳng ai chọn học môn Lịch sử cả. Cái môn vô bổ, khô khan ấy bỏ đi là đúng rồi (?).
Nghe cháu trai nói vậy, ông Thành nghiêm giọng: “Ai nói với cháu môn Lịch sử là vô bổ? Cháu có biết Lịch sử là môn học nền tảng, có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp con người hiểu biết về gốc tích, cội nguồn, từ đó hun đúc lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc không? Nếu không có môn Lịch sử, làm sao cháu có thể hiểu biết được lịch sử vẻ vang của dân tộc mà bao thế hệ cha ông đã đổ xương máu để xây dựng, gìn giữ?”.
Bị ông hỏi khó, Tùng gãi đầu nhưng vẫn cố nói “lý”: “Mỗi thời mỗi khác ông ạ! Giờ chúng cháu sống ở thế giới phẳng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tất cả chạy theo xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0, mấy ai còn ngồi nghiền ngẫm, nhồi nhét kiến thức lịch sử rời rạc vào đầu hả ông? Chưa kể, cháu đọc các trang mạng thấy người ta bảo, những bài học lịch sử chúng cháu học được viết bởi ý chí chủ quan của một số người, không chính xác hoàn toàn đâu!”.
Trước “lý sự” của cháu đích tôn, ông Thành cố giữ bình tĩnh: “Cháu lại lên mạng đọc thông tin xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch phải không? Các bài viết đó đều là góc nhìn thiển cận, thiếu khách quan, mục đích để lớp trẻ các cháu hoài nghi rồi dẫn tới thờ ơ, quay lưng với lịch sử dân tộc, sống thiếu hiểu biết, lý tưởng, trách nhiệm với Tổ quốc. Có thể do phương pháp dạy môn Lịch sử trên lớp chưa được hấp dẫn nên tạo cho các cháu cảm giác khô khan, khó tiếp thu. Nhưng không vì thế mà cháu phủ nhận tính chân thật, khách quan, hấp dẫn của các bộ sách lịch sử đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, thẩm định chặt chẽ, khoa học. Lịch sử là kiến thức rất thiết thực, quan trọng, giúp mỗi người sống có hiểu biết, trách nhiệm hơn với dân tộc, đất nước. Học, hiểu biết lịch sử còn giúp thế hệ sau nhìn nhận đúng đắn, sống có trách nhiệm, biết ơn đối với công lao của các thế hệ đi trước. Ai cũng nghĩ như cháu thì bao hy sinh xương máu của cha ông để bảo vệ đất nước đều bị phủ nhận sạch trơn sao?”.
Càng nghe ông nói, Tùng càng vỡ lẽ ra nhiều điều. Cậu cúi đầu, khẽ khàng thưa: “Cháu nhận thức vấn đề không đúng khiến ông buồn. Cháu mong ông thứ lỗi ạ…”.
CHIẾN VĂN/QĐND