Cẩn trọng khi tự ý đăng tải thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội
Với sự phát triển của mạng xã hội, chỉ bằng vài cái nhấp chuột máy tính hoặc lướt điện thoại đã hiện lên hàng chục bài viết, hình ảnh để chúng ta dễ dàng kết nối, cập nhật tin tức hàng ngày từ bạn bè, người thân đến các thông tin trên khắp thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng chứa đựng nhiều mặt tiêu cực, những tác động xấu đến xã hội.
Vài năm gần đây, nhiều cá nhân đã bị xử phạt từ hành chính đến hình sự vì có hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội như: Đăng tải thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên chắc hẳn nhiều người dùng mạng xã hội đã biết, tuy nhiên có một hành vi mà nếu người dùng mạng xã hội không am hiểu pháp luật, cứ “vô tư” thực hiện thì có thể sẽ vi phạm các quy định pháp luật, đó là hành vi tự ý đăng tải, chia sẻ thông tin cá nhân của người khác.
“Thông tin cá nhân là thông tin gắn liền với việc xác định danh tính, nhân thân của cá nhân bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và thông tin khác theo quy định của pháp luật” (quy định tại Khoản 16, Điều 3, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng). Những thông tin khác theo quy định pháp luật như: Thông tin y tế, thông tin thuế, thông tin ngân hàng, bí mật đời tư cá nhân, bí mật gia đình…
Thời gian qua, một số ca sĩ, diễn viên bị lộ các clip cuộc sống riêng tư, hình ảnh bị cắt ghép, đăng tải với mục đích xấu trên mạng xã hội. Hay trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mỗi khi các cơ quan chức năng thông tin về ca F0, F1 mới (họ tên được viết tắt) để phục vụ công tác truy vết thì thông tin cá nhân của họ lại bị nhiều người đem ra bàn tán, săm soi. Có người vì “vô tư”, có người vì muốn tỏ ra “chuyện gì ta cũng biết” nên đã đưa thông tin cá nhân các ca F0, F1 này lên mạng xã hội, thậm chí còn thông tin thêm về gia đình họ, rồi “thêm mắm, thêm muối” cho có phần “kịch tính”, thể hiện mình biết nhiều.
Nhưng họ không biết rằng việc tự ý đăng tải, chia sẻ thông tin cá nhân người khác trên mạng xã hội sẽ dễ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của cá nhân đó và gia đình của họ. Theo quy định pháp luật, người tự ý đăng tải thông tin cá nhân người khác lên mạng xã hội khi chưa được cá nhân đó cho phép thì tùy trường hợp cụ thể, hành vi đó có thể vi phạm Hiến pháp, Luật Dân sự, bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
– Khoản 1, Điều 21, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
– Khoản 1, Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
– Về xử lý hành chính:
+ Tại Khoản 2, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi “tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
+ Tại Điểm e, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”.
– Về xử lý hình sự: Tại điểm b, Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: Người nào thực hiện hành vi “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Mặc dù pháp luật đã quy định, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà tình trạng thông tin cá nhân của người khác bị tiết lộ, sử dụng không đúng mục đích đang ở mức báo động.
Song song với việc với việc cẩn trọng, bảo vệ thông tin cá nhân của mình, cần tôn trọng thông tin cá nhân của người khác. Mỗi người cần có trách nhiệm với lợi ích của đất nước, cộng đồng và quyền lợi của người khác khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, hãy xây dựng không gian mạng lành mạnh, tích cực!
Chi Mai