Không thể chia cắt tình yêu đất nước

Mỗi dịp tháng 4 về, trong suy nghĩ của mỗi người, tùy theo hoàn cảnh, tâm thế, sẽ có những cảm nhận riêng về giá trị của cụm từ “thống nhất đất nước, non sông liền một dải”. Đối với tôi, ngày 30/4 cần được nhìn nhận bằng sự tôn trọng giá trị lịch sử, để chúng ta có được sự đồng thuận trên tinh thần xây dựng.

Nhà báo Nguyễn Quang Trường ký họa chân dung chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông năm 2019.

Như một sự thôi thúc, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tôi đã thực hiện được nhiều chuyến đi vô cùng ý nghĩa. Đó là đi tham quan, tìm hiểu về các cột mốc chủ quyền phía bắc, đến bảy tỉnh biên giới, từ Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu đến Điện Biên. 

Sau đó, lại bay vào nam, đi một loạt tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ gồm: Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và Cà Mau. Đối với một người làm báo, mỗi nơi đi qua, tận mắt chạm vào lịch sử bằng hình ảnh, cảnh quan, được lắng nghe những câu chuyện từ nhân chứng, nhân vật lịch sử,… quả là những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa cho bản thân và qua đó, tôi muốn chia sẻ với bà con ta ở nước ngoài, cộng đồng người Việt xa xứ những cảm nhận về quê hương, đất nước.

Ngày 30/4/1975 còn đọng lại trong tâm trí tôi, đứa bé chưa tới 10 tuổi, là những hình ảnh hoang mang, lo sợ vì cuộc chiến kết thúc trong sự đột ngột mà gia đình tôi phải gánh chịu những khó khăn của đời sống thời hậu chiến. 

Bố tôi là sĩ quan quân đội Việt Nam cộng hòa (chế độ cũ) nên ông phải đi “học tập cải tạo” hơn sáu năm ở nhiều trại tập trung từ nam ra bắc. 

Mẹ tôi đưa sáu đứa con thơ dại, trong đó anh cả của tôi mới 16 tuổi, đi “vùng kinh tế mới” ở vùng rừng núi Lâm Đồng. Tôi và gia đình đã trải qua những năm tháng vất vả tại đây sáu năm. Tuổi thơ tôi hiểu thế nào là canh tác, trồng trọt. Lại là gia đình Công giáo, di cư vào nam năm 1954, nên nếp suy nghĩ của gia đình tôi về Ngày giải phóng miền nam rất xấu, rất nặng nề. 

Năm 1988, khi vừa học xong cấp 3, tôi cùng mấy người anh em họ hàng vượt biên. Tôi đến trại tị nạn ở Thái Lan vào tháng 10/1988 sau đó được qua Mỹ theo diện “con cựu quân nhân Việt Nam cộng hòa” vào tháng 2/1991. Tôi đã sống hơn 30 năm ở vùng Orange County (quận Cam-miền nam tiểu bang California), nơi có một cộng đồng hơn 2 triệu người Mỹ gốc Việt mà phần lớn là những người có quan điểm chính trị khác biệt với chính quyền Việt Nam. 

Họ tự cho mình là những kẻ “thua trận” nên “mất miền nam” và phải trôi dạt, lưu vong ra khỏi đất nước kể từ sau ngày 30/4/1975. Vùng Little Saigon (Saigon nhỏ), nơi tôi ở, người ta thường ví von đây là “thủ đô tị nạn” với nhiều hội đoàn chống cộng cực đoan. Các nhân vật cộng đồng này luôn hô hào chống đối Nhà nước Việt Nam dưới mọi hình thức. 

Đặc biệt là những dịp tháng 4 thì như một sự rập khuôn, các tổ chức chính trị này thường tổ chức “tháng tư đen-Ngày Quốc hận”, để tỉ tê, gặm nhấm nỗi đau của quá khứ. Họ treo cờ vàng, biến biểu tượng lá cờ vàng đã chết thành một “biểu tượng tị nạn” để vinh danh. Các buổi văn nghệ “tố Cộng” nhằm mục đích thu tiền đóng góp cho các tổ chức chống Cộng. 

Những ngày 30/4 hằng năm, họ đều đưa ra nhiều cuộc triển lãm, trưng bày nơi công cộng, các khu chợ, nhiều hình ảnh thời kỳ khó khăn của đất nước 10 năm đầu thống nhất, hay gợi lại những tư tưởng về “thể chế Việt Nam cộng hòa” sống tự do, phồn vinh,… nhằm hướng mọi người, nhất là giới trẻ đến lòng thù hận, không thể trở về cội nguồn. 

Những động cơ chính trị đằng sau việc hô hào, phân định lằn ranh “Quốc-Cộng” của những kẻ hoạt động chính trị trong cộng đồng và trò mị dân của các dân cử người Mỹ gốc Việt dùng chiêu bài “chống Cộng” là để kiếm phiếu trong dịp bầu cử các cấp địa phương với các vai trò như: nghị viên thành phố, thị trưởng thành phố, giám sát viên cấp quận… 

Dựa vào thể chế tự do, dân chủ, nhân quyền mà nước Mỹ theo đuổi từ thời lập quốc, những người chống Cộng càng khoét sâu hận thù, họ càng dễ bề thao túng, mua bán, đổi chác niềm tin của người dân qua những lá phiếu. Đó là những cuộc “gây quỹ chống Cộng” mà thực chất là xem cộng đồng như con bò sữa để vắt vào những dịp như ngày lễ 30/4 hằng năm. 

Các tổ chức chống Cộng cực đoan này cấu kết với những cơ quan “truyền thông đen” trong cộng đồng để tìm mọi cách, cơ hội để đưa tin sai lệch về tình hình đất nước. Bất cứ những gì diễn ra ở đất nước, họ đều soi mói, phản ánh thiếu khách quan, trung thực, hầu vẽ nên những hình ảnh xấu xí, tiêu cực về quê hương đất nước.

Các cơ quan này không ngừng vươn những “vòi bạch tuộc”, đưa thông tin thiếu thiện chí từ ngoài vào trong hòng khích động, tuyên truyền sai trái, một chiều, thiếu thiện chí, thiếu khách quan để làm nản lòng những người con xa xứ nhẹ dạ, cả tin, thiếu thông tin về hiện thực đất nước.

Khi đi vào con đường báo chí từ năm 2002, tôi đã tự trang bị cho mình một quan điểm chính trị, một chính kiến riêng để đánh giá về thực tế đang thay đổi từng ngày ở quê hương. Với chủ trương “đi tìm sự thật và tạo diễn đàn”, tôi đã về Việt Nam đưa tin các sự kiện quan trọng của đất nước như: Hội nghị APEC lần thứ 14 tổ chức tại Việt Nam năm 2006; Hội nghị cấp cao Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội năm 2019… 

Tôi cũng được vinh dự 4 lần ra Trường Sa (vào các năm 2012, 2014, 2015, 2019), do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cho các kiều bào để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ về tình hình Biển Đông, về những trăn trở trong việc chung tay, góp phần gìn giữ chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. 

Những thông tin trực tiếp của các chuyến đi thực tế được đúc kết thành những bài viết, những video clip phát trên kênh Việt Weekly, Việt Nam today đã giúp cho những kiều bào xa quê ít có điều kiện về nước một góc nhìn chân thực về đất nước trải dài qua các vùng miền. Từ những câu chuyện này, tôi mong muốn mình là gạch nối, gắn kết những con người cụ thể, kể cả những thành phần cực đoan, chống Cộng ở Mỹ, đưa họ trở về thăm lại Việt Nam; đưa họ tham dự vào những chuyến đi tìm hiểu lịch sử, gặp gỡ những nhân chứng sống của cuộc chiến. 

Nhiều địa danh tôi đi qua như các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, Sơn La,… đồng thời thông qua các cuộc tiếp xúc quý báu với những “nhân chứng sống” là cựu tù binh chiến tranh, cựu tù chính trị, cựu chiến binh, đã giúp tôi và những người bạn hiểu được rõ ràng và sâu sắc hơn giá trị của hòa bình, thống nhất có được hôm nay đã phải trả giá đắt như thế nào. 

Đặc biệt, trong chuyến đi bảy tỉnh biên giới phía bắc vừa qua, đứng ở mỗi cột mốc chủ quyền, hay những cửa khẩu được phân định rạch ròi, tôi cảm thấy tự hào vì đất nước ta hùng vĩ, đẹp đẽ và giàu có quá. Được đứng dưới những cột cờ ở Lũng Pô (Lào Cai), Lũng Cú (Hà Giang) hay Đất Mũi (Cà Mau) thật thiêng liêng. 

Cảm xúc dâng trào, tôi muốn được nói lên lòng tri ân các thế hệ tiền nhân đã gây dựng cơ đồ, đồng thời, cũng muốn bày tỏ lòng tôn kính trước những nỗ lực vun bồi, gìn giữ của các thế hệ đi sau, để đất nước ta có ngày hôm nay. Những nơi tôi đi qua, tôi có dịp tìm hiểu về đời sống, về kinh tế, văn hóa, xã hội đang ngày càng đi lên. Người dân không còn phải lo làm sao để “ăn no, mặc ấm” như xưa, mà thay vào đó, đang tiến lên “ăn ngon, mặc đẹp”. Người bạn cùng đi với tôi đưa ra nhận xét: “Cứ nhìn vào một mâm cơm của người dân Việt Nam hôm nay, sẽ hiểu được nền kinh tế đang phát triển thế nào”. 

Nói về Việt Nam hôm nay, là nói về cơ hội sống vui, sống khỏe, sống thoải mái. Chính sách, cơ chế dành cho người Việt ở nước ngoài muốn về thăm quê hương ngày càng thông thoáng, dễ dàng và luôn được tôn trọng. Tôi cũng đã mua đất, dựng ngôi nhà cho mình ở vùng đất Yên Bái. Bạn bè tôi ở nước ngoài thấy được sự an yên của tôi sau bao năm rong ruổi vô định, nay đã có được mái ấm, gia đình hạnh phúc, họ đều vui mừng và rất thường xuyên lên lịch ghé thăm tôi.

Gia đình tôi ở Mỹ luôn theo dõi thông tin trong nước qua các kênh chính thống, đồng thời cũng thường xuyên hỏi thăm tôi để cập nhật tình hình thực tế ở quê nhà. Tâm lý chung của thế hệ lớn tuổi xa quê hương gần như nhau. Ai cũng mong đất nước ổn định, kinh tế phát triển, người dân sống trong hòa bình, an cư lạc nghiệp và được sống lại với văn hóa dân tộc gần gũi, ấm áp tình người. Bố tôi đang ở Mỹ, cho biết ông đang chuẩn bị một chuyến trở về, ở luôn lại Việt Nam để hưởng tuổi già bình an.

Trải qua hơn hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, cuộc sống nay đã trở lại bình thường, nhu cầu được trở về Việt Nam thăm thân, du lịch là mong muốn của nhiều người ở nước ngoài. Ai cũng muốn trở về quê hương trong những ngày sắp đến để thỏa bớt nhớ thương, được tay bắt mặt mừng và chia sẻ vui buồn trong thời gian xa cách vì đại dịch.

Đã 47 năm qua rồi, ngày 30/4 cần được nhìn nhận bằng sự tôn trọng giá trị lịch sử, để chúng ta có được sự đồng thuận trên tinh thần xây dựng. Ngày thống nhất đất nước là ước ao cháy bỏng của toàn dân Việt Nam, cho dù ở đâu, trong nước hay ở nước ngoài, thì dấu mốc lịch sử này cũng là một điểm tựa để đất nước ta có được nền độc lập, tự chủ bất khả xâm phạm. 

Xu thế chung là mọi người dù ở đâu, cũng mong muốn được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nhất là trong bối cảnh hiện nay, đất nước thống nhất, non sông liền một dải, thì không có thế lực nào có thể chia cắt được tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người con đất Việt. Ngày lễ 30/4 năm nay, theo tôi, thật sự là một ngày hội đoàn viên cho nhiều gia đình, nhất là khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, mọi sinh hoạt gần như trở lại bình thường, ngày vui thống nhất càng thêm ý nghĩa khi có đông người trở về quê hương, đoàn tụ bên gia đình.

NGUYỄN QUANG TRƯỜNG (Việt kiều Mỹ)/Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *