TÍNH CHÍNH NGHĨA, GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CHIẾN THẮNG 30/4/1975 LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN, XUYÊN TẠC!

Cứ mỗi độ tháng 4 về, trong khi cả đất nước hân hoan kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại ra sức kêu gào, phủ nhận giá trị lịch sử mang tính thời đại to lớn của sự kiện 30/4/1975 cũng như phủ nhận tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Chúng xuyên tạc rằng: Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta thực chất là cuộc “nội chiến huynh đệ tương tàn” và chúng rêu rao nếu muốn “hòa hợp dân tộc” thì nên thay cụm từ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng “ngày hòa bình”, “ngày thống nhất” hay “ngày kết thúc chiến tranh” và Việt Nam không được tổ chức kỷ niệm ngày này… Thật là luận điệu xáo trá của bè lũ cơ hội, phản động!

Thứ nhất, về khái niệm nội chiến và bản chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta

Về khái niệm nội chiến: Nội chiến chính là chiến tranh giữa các thành phần, phe phái trong cùng 1 quốc gia khi mâu thuẫn đối kháng vì những lý do khác nhau, như: tôn giáo, chính trị, kinh tế… không thể hài hoà, dẫn đến tranh chấp nhau, không có quân đội nước ngoài tham gia, chi phối, làm chủ. Có thể kể đến một số cuộc nội chiến trên thế giới như: Nội chiến Anh (1642 – 1651) giữa phe Nghị hội (“Viên Đầu đảng”) và phe Bảo hoàng (“Kị Sĩ đảng”); Nội chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865) giữa Liên bang miền Bắc với Liên minh miền Nam; Nội chiến Tây Ban Nha (1936 – 1939) giữa các phe Quốc gia và cánh hữu chống phe chính trị cánh tả và xã hội chủ nghĩa của Tây Ban Nha… 

Về cuộc chiến tại Việt Nam (1954 – 1975), cần khẳng định lại một lần nữa rằng, đây không phải là cuộc nội chiến mà là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam giữa một bên là nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và một bên là đế quốc Mỹ, quân đội chư hầu và tay sai bán nước ngụy Sài Gòn. Sao lại gọi là nội chiến khi mà kẻ nắm thực quyền và quyết định mọi việc của phe địch là đế quốc Mỹ và bọn ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn chỉ là bù nhìn do Mỹ dựng lên làm tay sai để hợp thức hóa mưu đồ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ? Việc Nguyễn Văn Thiệu thốt lên: “Mỹ còn viện trợ thì ta còn chống cộng” và “Nếu Mỹ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc Lập!” đã phơi bày, bộc lộ rõ bản chất bù nhìn, tay sai của ngụy quyền Sài Gòn. Sao lại là nội chiến khi mà Mỹ ngang nhiên tuyên bố “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” và mang quân đội, vũ khí trực tiếp xâm lược Việt Nam, có lúc đỉnh điểm số quân Mỹ triển khai ở chiến trường miền Nam Việt Nam lên đến trên 54 vạn quân, hơn 58.000 lính Mỹ tử trận, hơn 305.000 người bị thương, hàng trăm ngàn lính Mỹ đã bị nhiễm chất độc màu da cam và cũng ngần ấy lính Mỹ khi về nước đã mắc nhiều chứng rối loạn tâm thần do bị chấn thương tâm lý bởi những nỗi khiếp sợ họ gặp ở Việt Nam (thường được người Mỹ gọi là Hội chứng Việt Nam)? Đó là chưa kể đến những con số biết nói về số ngân sách mà Mỹ chi tiêu trong chiến tranh ở Việt Nam và số lượng các nước đồng minh mà Mỹ lôi kéo quân đội trực tiếp cũng như gián tiếp tham chiến tại Việt Nam.

Sự thật lịch sử trong mọi hoàn cảnh phải được tôn trọng, bảo vệ. Thực tiễn đã khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Vì vậy, Đảng ta đã phát huy được truyền thống, sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết lòng ủng hộ, chúng ta đã đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.

Thứ hai, hòa hợp dân tộc không đồng nghĩa với cào bằng lịch sử!

Không phải đến tận sau ngày 30/4/1975, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc mới được đặt ra. Từ Trần Hưng Đạo với tư tưởng “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước” đến Nguyễn Trãi với tư tưởng “Lấy khoan hồng để bụng hiếu sinh” rồi Hồ Chí Minh với tư tưởng “Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa ta cũng tỏ ra một lượng không để tâm moi ra những tội cũ đem làm án mới làm gì” và “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang” đã cho thấy tư tưởng hòa hợp dân tộc rất nhân văn và cao cả của ông cha ta. Tinh thần ấy cũng thấm sâu vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta sau này khi giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc. Mục đích cuối cùng là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc nhằm hàn gắn nỗi đau chiến tranh, cùng nhau xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Tuy nhiên hòa hợp dân tộc không có nghĩa là quên đi quá khứ, xuyên tạc và cào bằng lịch sử. Hòa hợp, hòa giải dân tộc phải dựa trên sự tôn trọng lịch sử; coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc. Những quan điểm, luận điệu sai trái, bóp méo sự thật lịch sử do các tổ chức, cá nhân phản động, cơ hội chính trị đưa ra dù được khéo léo che đậy đến đâu thì vẫn là thủ đoạn nhằm khoét sâu hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cần phải bị lên án mạnh mẽ!

H.X.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *