Lưu ý khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội Facebook
Ngày 15/7/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 Chính phủ. Để tránh vi phạm pháp luật khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội Facebook, người dân cần lưu ý và thực hiện nghiêm một số nội dung quy định trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP như sau:
Theo khoản 4, Điều 20, Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định: “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”. Như vậy, Nghị định 72 không cấm cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin của cá nhân mình đối với xã hội, chỉ cấm không được thực hiện cung cấp thông tin tổng hợp.
Theo Điều 3, Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định “Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Theo khoản 2, Điều 20, Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định chỉ trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mới được quyền cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.
Nghị định 72/2013/NĐ-CP không hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân. Mục đích của Điều 20 nhằm phân loại các trang thông tin điện tử để phục vụ quản lý cũng như tránh việc vi phạm bản quyền hiện nay. Tại Điều 10 và Điều 26 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP đưa ra những quy định chi tiết về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet nói chung và người sử dụng dịch vụ mạng xã hội nói riêng. Theo đó, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải “chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập”. Như vậy, mọi người dân đang sử dụng Facebook cần chú ý khi đăng tải thông tin từ các nguồn khác nhau trên trang thông tin cá nhân phải đảm bảo đúng luật. Nhiều người vẫn có thói quen sao y và đăng lại thông tin thời sự, hay nội dung các bài báo về trang thông tin cá nhân của mình thay vì dẫn đường link, thậm chí một số người không ghi nguồn. Nguy hiểm hơn, một số người còn tự ý khai thác, sử dụng thông tin từ các báo khi chưa được phép, tự ý biên tập, cắt xén làm thay đổi nội dung tác phẩm báo chí. Đây là các hành vi vi phạm pháp luật về bản quyền, gây tổn hại về uy tín, hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí.
Cần khẳng định, từ những thông tin có được trên hệ thống báo chí, mỗi cá nhân có quyền trích dẫn và tổng hợp những thông tin đó để đưa ra những kết luận cho riêng mình. Tuy nhiên sự trích dẫn hay tổng hợp đó phải đảm bảo trung thực, không để dẫn đến hiểu sai lệch đối với thông tin ban đầu. Khi chia sẻ thông tin trên trang thông tin cá nhân, người dùng Facebook có thể trích dẫn một đoạn hoặc viết lời bình luận rồi dẫn đường link để chỉ về trang gốc nhưng không được copy bài báo lên mà không có đường link, kể cả trong trường hợp đã ghi rõ nguồn tin.
Nghị định 72/2013/NĐ-CP là hành lang pháp lý thúc đẩy việc phát triển Internet và các dịch vụ trên Internet, giúp bảo vệ bản quyền nội dung của các cơ quan báo chí cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dùng Internet tại Việt Nam. Việc hiểu đúng quy định của Nghị định 72/2013/NĐ-CP là điều hết sức cần thiết để người dùng Internet có thể thực hiện đúng quy định của pháp luật về chia sẻ, đăng tải thông tin trên mạng xã hội.
(PA)