Trách nhiệm của cán bộ, công chức khi sử dụng mạng xã hội

Thời gian qua, tình trạng một số cán bộ, công chức đưa ra phát ngôn thiếu chuẩn mực, lan truyền thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm,… trên mạng xã hội dường như có chiều hướng xảy ra ngày càng nhiều, tạo nguy cơ gây dư luận xấu, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, nhận thức của một bộ phận nhân dân. Đây là tình trạng đáng báo động, đòi hỏi cần phải được kịp thời chấn chỉnh.

Ảnh minh họa

Cách đây không lâu, trên Facebook cá nhân, một chuyên viên văn phòng thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đăng tải những bài viết tổng hợp từ internet liên quan đến một số vụ việc được dư luận quan tâm. Ðiều đáng nói là những nội dung người này đăng tải đã phản ánh không đúng bản chất vụ việc, nhằm mục đích nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước. Cá nhân này sau đó đã bị khai trừ khỏi Ðảng vì “thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái tư tưởng chính trị rất nghiêm trọng”. Trước đó, tháng 5-2019, một người nguyên là phó bí thư chi bộ, trưởng một khoa của trường chính trị thuộc tỉnh Hà Tĩnh cũng bị kỷ luật cách chức vì sử dụng mạng xã hội đăng tin sai sự thật, bình luận xuyên tạc với từ ngữ thiếu văn hóa, xúc phạm lãnh đạo Ðảng, Nhà nước. Các sự việc trên đang gióng lên hồi chuông báo động về ý thức và thái độ trách nhiệm của một số cán bộ, công chức khi tham gia mạng xã hội.

Không thể phủ nhận là ngày nay, mạng xã hội (social network) như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người trên toàn cầu, nhất là khi nhu cầu kết nối, chia sẻ trong cộng đồng ngày càng gia tăng. Hiện một số mạng xã hội lớn có số lượng người sử dụng lên đến hàng tỷ người như: Facebook (khoảng 2,2 tỷ người dùng), YouTube (1,9 tỷ), WhatsApp (1,5 tỷ), WeChat (1,04 tỷ), Instagram (1 tỷ)… Số lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng trên toàn cầu cho thấy sự phổ biến cũng như tầm ảnh hưởng của nó đối với xã hội. Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng mạng xã hội vẫn liên tục tăng qua các năm. Theo báo cáo Digital 2020 trên trang vnetwork.vn, đến tháng 1-2020, Việt Nam có số người dùng internet là 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước); số người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân); trong đó có một lượng không nhỏ người dùng là cán bộ, công chức. Tận dụng các ưu thế của mạng xã hội, hiện nay nhiều cán bộ lãnh đạo cũng sử dụng mạng xã hội như một phương thức có hiệu quả, vừa để tương tác, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, vừa để kịp thời giải quyết công việc. Tiêu biểu có thể kể như: Năm 2018, trên Facebook cá nhân, đồng chí Huỳnh Văn Ðiển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận), kêu gọi người dân tránh không để các đối tượng xấu xúi giục, kích động tụ tập, gây rối và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Sau đó Thượng tá Trần Long Khánh, Trưởng Công an huyện Tuy Phong, đăng thư cảm ơn người dân vì việc tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trên trang Facebook cá nhân đã mang lại nhiều hiệu quả. Thực tế ngày càng có nhiều tổ chức, cơ quan nhà nước mở trang trên mạng xã hội để ghi nhận thắc mắc, khiếu nại của người dân, qua đó, xác minh, tìm hiểu và xử lý kịp thời được nhiều vụ việc, được dư luận đồng tình. Nhờ đó, mạng xã hội đã phát huy vai trò tích cực trong việc kết nối giữa chính quyền, các cơ quan, bộ phận chức năng cũng như cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ với người dân, đồng thời, góp phần thúc đẩy sự minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền tại các địa phương.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy vẫn còn hiện tượng một số cán bộ, công chức sử dụng mạng xã hội khá tùy tiện, gây ảnh hưởng không tốt, thậm chí xâm hại nghiêm trọng đến hình ảnh, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Ðây là vấn đề rất đáng quan ngại. Không ít trường hợp cán bộ, công chức dùng mạng xã hội để nói xấu, xúc phạm, miệt thị người khác bằng loại ngôn từ thiếu văn hóa, đưa ra phát ngôn gây sốc,… hay vô tư chia sẻ thông tin độc hại, bịa đặt, xuyên tạc mà không kiểm chứng nguồn gốc, không bảo đảm tính chính xác. Như thời gian vừa qua, trong khi cả nước chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19, có không ít trường hợp đưa tin hoặc chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người dân. Thậm chí, có tình trạng một số cán bộ, công chức sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ thông tin vi phạm các quy định về bảo mật của cơ quan, đơn vị. Cá biệt, có trường hợp còn nhân danh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí bằng cách cắt xén ý kiến của người khác, nhất là ý kiến của các vị lãnh đạo, rồi suy diễn thành nhận định chủ quan, mang tính công kích, phản bác thiếu nghiêm túc.

Thực tế này cho thấy việc xử phạt các sai phạm trên không gian mạng nói chung, và việc truy cứu trách nhiệm của cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm khi tham gia mạng xã hội nói riêng cần phải nghiêm khắc, kiên quyết hơn nữa, để mỗi người luôn ý thức rằng bản thân là cán bộ, công chức thì càng phải có trách nhiệm cao trong tự giác điều chỉnh nhận thức và hành xử đúng đắn trên môi trường mạng. Ðến nay Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định quyền tự do thông tin của công dân đồng thời quy định cả trách nhiệm của người dân khi sử dụng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng như: Luật Báo chí năm 2016; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định số 72/2013/NÐ-CP Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Nghị định 174/2013/NÐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện… Mới đây, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (thay thế Nghị định 174/2013/NÐ-CP) chính thức có hiệu lực từ ngày 15-4-2020. Theo đó, tại khoản 1, Ðiều 101 quy định cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong những hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm. Khoản 2 của Ðiều này quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định 15 được kỳ vọng sẽ là một “bài thuốc” mạnh được sử dụng để chữa trị “căn bệnh”, đặc biệt là lĩnh vực phòng, chống những thông tin giả, tin sai lệch, xấu độc đang tràn lan trên không gian mạng. Trước đó, Luật An ninh mạng (có hiệu lực năm 2019) cũng có nhiều điều khoản quy định về việc khi đăng tải lên mạng xã hội, người dân nói chung và cán bộ công chức nói riêng: không được đăng thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận; không được đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy; không được phát tán, đăng tải thông tin tuyên truyền chống Nhà nước; không được đăng tải thông tin gây rối trật tự công cộng; không được đăng tải, phát tán thông tin vu khống người khác; không được đăng tải bí mật công tác, bí mật Nhà nước… Cùng với đó là Ðiều 1 Ðề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt năm 2018 cũng yêu cầu cán bộ, công chức phải “tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ”. Không chỉ tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, 138 quốc gia khác trên thế giới cũng ban hành Luật An ninh mạng với những quy định cụ thể với các hành vi, phát ngôn trên mạng xã hội.

Cần phải khẳng định rằng, khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán bộ, công chức vừa phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, vừa phải chấp hành nghiêm các điều lệ, quy định của tổ chức mà mình là thành viên, trên cơ sở đó định hình thái độ và cách hành xử đúng đắn. Cụ thể, trước khi tự đăng tải thông tin hoặc chia sẻ từ người khác lên mạng xã hội, cần là người dẫn thông tin có trách nhiệm, suy nghĩ chín chắn, kiểm tra, kiểm chứng tính chính xác của nguồn thông tin, tránh tình trạng cảm tính, nóng vội có thể dẫn tới nguy cơ nhận định sai sự thật, ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân. Ðối với các bình luận về một người hay một sự việc nào đó, cần khách quan, tế nhị, thể hiện sự tôn trọng người khác; không nên soi mói, quá tò mò chuyện cá nhân người khác; không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác. Với ngôn ngữ sử dụng khi tham gia mạng xã hội cũng vậy, cần có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tránh sử dụng các từ ngữ miệt thị, gây sốc, phản cảm… Ngoài ra, mỗi cán bộ, công chức cần có thái độ tự giác để xây dựng quan điểm, lập trường vững vàng khi tiếp cận thông tin xấu độc, để có phản ứng, hành động phù hợp; đồng thời có trách nhiệm định hướng, tuyên truyền và làm gương giúp người dân nắm bắt vấn đề chính xác, cụ thể, không đưa hay chia sẻ thông tin có nội dung gây kích động, thù địch, đi ngược với quan điểm, chính sách của Ðảng và Nhà nước, cũng như lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước. Về phía các cơ quan quản lý, cần tiến hành song song hai biện pháp là xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật; đồng thời kiên trì tuyên truyền, định hướng cho người dân về những nguyên tắc cần tuân thủ khi tham gia mạng xã hội.

KHÁNH MINH/Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *