ÁNH SÁNG CỦA SỰ THẬT KHÓ LÒNG BỊ CHE LẤP!
Trong những năm qua, tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam luôn là vấn đề bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chống phá ta. Gần đây nhất là lợi dụng sự kiện Việt Nam báo cáo Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các phần tử cơ hội, phản động, thù địch lại đồng loạt tung ra các luận điệu xuyên tạc, vu khống Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, “bỏ tù các nhà báo độc lập, giới bảo vệ nhân quyền, các nhân vật tôn giáo và những tiếng nói đối lập ở Việt Nam”, lên án Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền… Và cũng chẳng có gì lạ khi những cái tên mà chúng tung hô là “tù nhân lương tâm”, “nhà báo độc lập” hay “giới bảo vệ nhân quyền” là Trương Duy Nhất, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Vũ Bình… Song, dù cho chúng có “mồm năm miệng mười” xuyên tạc hòng “cả vú lấp miệng em” thì vẫn không thể nào che lấp được ánh sáng của sự thật, bởi những lẽ sau:
Thứ nhất, trên bình diện pháp lý, từ bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 đến các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013 và hệ thống pháp luật hiện hành, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán tôn trọng, bảo đảm thực thi các quyền con người. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng nhấn mạnh: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”… Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó, có 7/8 công ước cơ bản, như: Công ước về quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền kinh tế – xã hội và văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em… và đều đã luật hóa trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Thứ hai, trên thực tế, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, biện pháp để phát triển kinh tế gắn liền với công bằng xã hội, bảo đảm môi trường và thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền con người. Bên cạnh về đích sớm nhất 5 trong tổng số 8 Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam đã xây dựng được Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của đất nước. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới xác định và thực hiện các chương trình liên quan đến mục tiêu giảm nghèo và cũng là nước đầu tiên trong khu vực thực hiện và đạt được những thành tựu vượt trước 10 năm so với mục tiêu thiên niên kỷ. Nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống còn 4,4% năm 2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, đạt bình quân 7%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hàng năm. Bình quân toàn vùng giảm 4%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm; các huyện nghèo giảm 5 – 6%/năm trở lên… Nguồn lực chi cho công tác giảm nghèo trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 lên tới trên 408.000 tỷ đồng. Cùng với các quyền kinh tế, các quyền chính trị, dân sự, văn hoá và xã hội luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024, Việt Nam đứng thứ 54 trong tổng số 143 quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát, tăng 11 bậc so với xếp hạng năm 2023. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Đến năm 2023, cả nước có 06 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình; nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người… Ngoài ra, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với rất nhiều hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài khác.
Thứ ba, việc Việt Nam được giới thiệu và bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 xuất phát từ những thành tựu, tiến bộ trong bảo đảm quyền con người mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nhất quán, kiên trì thực hiện trong suốt những năm qua, là hoàn toàn xứng đáng. Việt Nam đã, đang và sẽ phát huy tốt vai trò là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 khi tích cực tham gia và chủ trì các nghị quyết đề cao Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, biến đổi khí hậu và quyền con người…; có nhiều đóng góp thiết thực đối với hoạt động của Liên hợp quốc.
Cuối cùng, ở Việt Nam hoàn toàn không có “tù nhân lương tâm”, “nhà báo độc lập” hay “giới bảo vệ nhân quyền” mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị các cơ quan chức năng truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật. “Tù nhân lương tâm”, “nhà báo độc lập” hay “giới bảo vệ nhân quyền” thực chất là các khái niệm mà thế lực phản động, thù địch dựng lên để phục vụ cho mục đích bóp méo, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Bằng thủ đoạn hô biến các đối tượng vi phạm pháp luật thành những “anh hùng”, “công dân dũng cảm” đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch cố tình kích động, cổ súy các đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn, cơ hội chính trị, đánh lừa dư luận, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Chúng ta cần hết sức tỉnh táo, đấu tranh phản bác mạnh mẽ!
(N.A)