Ảo ảnh mang tên “Nhà nước Mông” (bài 1)

Tại một số tỉnh phía Bắc, trong đó có tỉnh miền núi biên giới Sơn La, hoạt động lập cái gọi là “Nhà nước Mông” đã diễn ra ở một số địa bàn vùng cao, biên giới dưới sự “hà hơi, tiếp sức” của các đối tượng nước ngoài.

Các tổ chức người Mông lưu vong với sự hỗ trợ đắc lực của nước ngoài vẫn đang tăng cường việc tập hợp lực lượng, liên kết chặt chẽ với một số tổ chức phản động lưu vong móc nối chỉ đạo thực hiện âm mưu chống phá nước ta. Tại một số tỉnh phía Bắc, trong đó có tỉnh miền núi biên giới Sơn La, hoạt động lập cái gọi là “Nhà nước Mông” cũng đã diễn ra ở một số địa bàn vùng cao, biên giới dưới sự “hà hơi, tiếp sức” của các đối tượng nước ngoài. Sau nhiều năm kiên trì điều tra, xác minh và quyết liệt đấu tranh, Công an tỉnh Sơn La từng bước bóc gỡ hoạt động, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng này, bắt giữ và đưa ra bản án thích đáng với nhiều đối tượng lầm đường lạc lối. Đồng thời tăng cường công tác vận động tuyên truyền bà con nhân dân ở các bản vùng cao không nghe, không tin lời của đối tượng xấu trước âm mưu lập “Nhà nước Mông” ly khai, tự trị.

Nằm trong một quốc gia đa dân tộc, đồng bào dân tộc Mông là một bộ phận quan trọng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng bào Mông cư trú ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc và di cư vào một số tỉnh Tây Nguyên nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đông và Tây Bắc Việt Nam như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên… Trong lịch sử oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam có một phần đóng góp to lớn của đồng bào Mông ở vùng Tây Bắc nói chung và ở tỉnh Sơn La nói riêng.

Mỗi giai đoạn cách mạng đều có sự chung sức, đồng lòng và tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc, trong đó không thể không kể đến sự đóng góp của đồng bào Mông, từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cứu nước cho đến thời kỳ đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đã có hàng trăm chương trình, dự án, kế hoạch… về các lĩnh vực của đời sống dân sinh, đầu tư cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông tỉnh Sơn La nói riêng, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng cao tại Sơn La đã căn bản thay đổi cả về lượng và chất. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng… Đó là những bằng chứng đầy thuyết phục, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN.

Tuy nhiên, giữa lúc cuộc sống bà con các dân tộc đang yên ấm trong những nỗ lực tột bậc, những cố gắng không biết mệt mỏi của Đảng và Nhà nước, trong sự tự vận động vươn lên khẳng định mình của lớp lớp bà con người Mông thì luận điệu tuyên truyền, thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông” của các thế lực thù địch, phần tử xấu tiếp tục xuất hiện ở một số xã, bản vùng sâu, vùng cao, biên giới của một số huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Hoạt động lập “Nhà nước Mông” thực chất là hoạt động của số đối tượng phản động trong người Mông thuộc các tổ chức “Nhà nước Mông” ở nước ngoài (Mỹ, Thái Lan…) dưới sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch câu kết, móc nối, chỉ đạo số đối tượng trong nước lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đặc điểm tâm lý, phong tục, tập quán của người Mông để tuyên truyền, kích động, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị để dụ dỗ, lôi kéo người Mông trên thế giới, trong đó có người Mông Việt Nam tham gia nhằm tập hợp lực lượng thành lập “Nhà nước Mông”. Đây chính là một phần trong âm mưu chiến lược “Diễn biến Hòa Bình” của các thế lực thù địch.

Thời gian qua, tình hình hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông” trên địa bàn tỉnh Sơn La tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; các thế lực thù địch và bọn phản động trong người Mông ở bên ngoài tiếp tục triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo”, trong dân tộc Mông, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đài phát thanh bằng tiếng dân tộc Mông ở Philippin, Thái Lan, Mỹ để tuyên truyền, kêu gọi người Mông trên địa bàn tỉnh tham gia lập “Nhà nước Mông” và thời gian gần đây, chúng thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội (Youtube, Facebook) đăng tải, phát tán các video, clip có nội dung tuyên truyền về hoạt động lập “Nhà nước Mông” để tuyên truyền, lôi kéo người Mông. Nội dung tuyên truyền: Người Mông phải có nhà nước riêng mới được sung sướng, mới có quyền lãnh đạo và bảo vệ chính người Mông; không phải lao động vất vả, ai gia nhập Nhà nước Mông sẽ có đất đai, sẽ được giữ chức vụ quan trọng… Tình hình trên đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tâm lý của một bộ phận đồng bào dân tộc Mông tỉnh Sơn La, đã có một bộ phận bị tác động, ảnh hưởng dẫn đến không yên tâm lao động, sản xuất, có tư tưởng ngóng chờ, ảo tưởng sẽ có “Vua Mông”, “Nhà nước Mông” như lời tuyên truyền của các đối tượng ở bên ngoài.

 Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La cho biết, các đối tượng hiện nay lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của bà con đồng bào dân tộc Mông ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, tác động trực tiếp, cho bà con xem cả phim, video về các nước tiên tiến để kêu gọi, tác động lên vấn đề tôn giáo, dân tộc,… Các đối tượng còn viết các bài xuyên tạc bằng tiếng Mông Latin rồi móc nối, kêu gọi bà con đồng bào Mông ở vùng sâu, vùng xa đi theo cái gọi là “Nhà nước Mông”.

Ngược dòng thời gian vào thời điểm năm 2003, do bị tác động, ảnh hưởng của luận điệu tuyên truyền của một số đối tượng phản động trong người Mông ở Lào do tên May Hờ cầm đầu, một số người dân tộc Mông, chủ yếu là thanh niên của huyện biên giới Sông Mã, Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, do nhẹ dạ, cả tin, ngộ nhận nghe theo kẻ xấu đã xuất cảnh trái phép sang Lào để xem “Vua Mông”, tham gia hoạt  động phỉ, lập “Nhà nước Mông”. Năm 2015, tại một số xã vùng cao thuộc huyện Bắc Yên, Phù Yên của tỉnh Sơn La xuất hiện các luận điệu tuyên truyền về “Nhà nước Mông” với các hình thức rỉ tai, truyền miệng; một số người dân tộc Mông trên địa bàn đã truyền tải cho nhau xem các đoạn video, clip có nội dung tuyên truyền như: “Vua Mông” sắp về Lào để thành lập “Nhà nước Mông”; sắp có chiến tranh xảy ra, đồng thời dụ dỗ, kích động người Mông đi sang Lào lập “Nhà nước Mông”.

Do bị tác động, ảnh hưởng nên đã có một số người dân tộc Mông ở địa bàn huyện Phù Yên, Bắc Yên xuất cảnh trái phép sang Lào tham gia hoạt động phỉ, thành lập “Nhà nước Mông”. Cho tới năm 2017, tại một số địa bàn trong tỉnh chủ yếu là địa bàn huyện biên giới Sông Mã và Sốp Cộp, xuất hiện một bộ phận người dân tộc Mông (chủ yếu là thanh niên) truy cập vào các trang mạng xã hội (Youtube, Facebook) để tìm hiểu về người Mông trên thế giới, trong đó có trang mạng tuyên truyền về “Nhà nước Mông” của các đối tượng ở Mỹ; do thường xuyên vào các trang mạng xã hội có nội dung tuyên truyền về “Nhà nước Mông” ở Mỹ nên một số đối tượng người dân tộc Mông đã bị tác động, ảnh hưởng và ảo tưởng về “Vua Mông”, “Nhà nước Mông” và có một số đối tượng trên địa bàn đã liên lạc trao đổi nhận sự chỉ đạo, hướng dẫn và có một số hoạt động như: may cờ, quần áo của “Nhà nước Mông”, cắm lá xanh, dựng bàn thờ… theo hướng dẫn của đối tượng bên ngoài.

Như vậy có thể nhận thấy hoạt động của các nhóm phản động âm mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông” đã gây bất ổn tình hình an ninh chính trị, trật tự ATXH với âm mưu thâm độc là phá vỡ khối đại đoàn kết các dân tộc. Từ những luận điệu sai trái, lừa bịp để kích động, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân các đối tượng đã vẽ ra những điều không có thật chèo lái dư luận hướng và đồng bào Mông từ đó đạt được mục đích phản động của chúng.

Hồng Anh – Cao Thiên/CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *