Bài 2: Hành vi tàn ác và bản án thỏa đáng

Trong suốt những ngày các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ xây dựng tường bao diện tích đất sân bay Miếu Môn, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đều có mặt tại hiện trường.

Đã có nhiều người dân thuộc các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức (Hà Nội) trực tiếp tham gia cùng bộ đội làm tường bao, tặng bộ đội nước uống, hoa quả… Nhưng cũng trong những ngày này, chúng tôi đã phải chứng kiến hành động thô thiển, những lời nói tục tĩu của một số người trong “tổ đồng thuận” do ông Lê Đình Kình cầm đầu khi bộ đội thi công đến gần khu vực đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. Nhóm người trong “tổ đồng thuận” hung hăng, gây rối chủ yếu là những người trú tại thôn Hoành và hầu như không có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng đất trong khu vực sân bay Miếu Môn. Vì thế, họ không thể mang danh “đại diện” cho những người dân Đồng Tâm.  

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành tuyên án các bị cáo trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Từ gây rối có chủ đích đến chống đối quyết liệt, có tổ chức

Tìm hiểu chúng tôi được biết: Ngay sau khi phát hiện sự phức tạp về an ninh trật tự tại khu vực sân bay Miếu Môn và địa bàn xã Đồng Tâm, ngày 1-3-2017 và ngày 7-3-2017, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức đã cử hai đoàn công tác về làm việc với Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đồng Tâm. Mục đích là để giải quyết, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Cuộc họp vừa diễn ra thì các đối tượng do Lê Đình Công cầm đầu đã kéo đến trụ sở UBND xã, xông vào phòng họp, chửi bới, lăng mạ các cán bộ xã Đồng Tâm và thành viên đoàn công tác. Các cuộc họp đều phải ngưng giữa chừng. Khi đoàn công tác ra về, một số đối tượng quá khích đã chặn đầu xe, rồi lăn ra đường giả vờ ngất và hô hào là “bị xe của công an đâm” để kích động người dân. Một số đối tượng đã nhảy lên nắp capo xe, chửi bới, quyết không cho xe của đoàn công tác ra về. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính và tùy theo mức độ có thể bị xử lý hình sự. Chính vì vậy, sau khi điều tra, xem xét kỹ các tình tiết, ngày 15-4-2017, cơ quan cảnh sát điều tra đã thi hành lệnh bắt giữ đối với 4 đối tượng là Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Ba và Nguyễn Văn Doanh trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội ngày 1-3-2017 và 7-3-2017”. Khi thực hiện lệnh bắt, các đối tượng đã chống đối quyết liệt, đập phá nhiều xe ô tô của lực lượng chức năng và nghiêm trọng hơn là đã bắt giữ trái pháp luật 34 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động cùng 4 cán bộ của huyện Mỹ Đức (đi ngang qua, không liên quan đến vụ việc), đồng thời liên tục đe dọa mạng sống của những cán bộ, chiến sĩ bị bắt giữ bằng cách dọa gây nổ bình ga, tẩm xăng, đốt cháy toàn bộ khu đình làng thôn Hoành-nơi giam giữ trái phép các cán bộ, chiến sĩ.

Từ sau khi có kết luận của Thanh tra TP Hà Nội (19-7-2017) cho đến khi có thông báo của Thanh tra Chính phủ (25-4-2019) về tính hợp pháp của kết luận của Thanh tra TP Hà Nội đối với nguồn gốc, diện tích khu đất sân bay Miếu Môn, “tổ đồng thuận” vẫn không thừa nhận và liên tục tổ chức các cuộc phá rối hòng vô hiệu hóa các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương. Các đối tượng trong “tổ đồng thuận” nhiều lần đe dọa và tấn công các cán bộ xã Đồng Tâm; ngăn cản, tấn công, đe dọa tính mạng, không cho những hộ có quyền lợi hợp pháp trong khu đất sân bay Miếu Môn (14 hộ) được nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của Nhà nước. Một mặt, “tổ đồng thuận” đã lên kế hoạch, chuẩn bị vũ khí, công cụ, phương tiện để chống trả lực lượng chức năng nếu cưỡng chế, thu hồi đất tại đồng Sênh. Dưới sự chỉ đạo của ông Lê Đình Kình, các đối tượng bao gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Quốc Tiến (đều trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đã bàn bạc, chi tiền mua lựu đạn (10 quả), hàng chục dao bầu (chế thành dao phóng), xăng (chế thành bom xăng), pháo nổ, gạch đá… để chuẩn bị tấn công lực lượng chức năng. Lê Đình Công và “tổ đồng thuận” cả gan tuyên bố: “Nếu không tiêu diệt từ 300 đến 500 thằng thì không nhìn mặt đồng bào cả nước”, “Nếu cắt điện thì sau 2 phút sẽ cho nổ cả 8 trạm biến áp trong xã…”. Điều này cho thấy các đối tượng trong “tổ đồng thuận” đã hoàn toàn biến chất, hóa thành những kẻ manh động, hung hãn, sẵn sàng đối đầu với lực lượng chức năng. Trong suốt thời gian bộ đội thi công xây dựng tường rào sân bay (từ ngày 31-12-2019 đến 12-1-2020), gần như ngày nào “tổ đồng thuận” cũng cử người ra gây rối ở vị trí đất đồng Sênh, một số kẻ quá khích đã thể hiện những hành vi thô bỉ, trắng trợn hòng cản trở thi công.

Sáng 9-1-2020, theo chức năng, nhiệm vụ, lực lượng công an đã cơ động làm nhiệm vụ bảo vệ thi công đoạn tường bao sân bay tại vị trí đất đồng Sênh, đồng thời triển khai lực lượng bảo vệ các mục tiêu tại thôn Hoành và xã Đồng Tâm. Khi các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động đến cổng thôn Hoành thì các đối tượng trong “tổ đồng thuận” bắn pháo, đánh kẻng báo động, tập hợp lực lượng, đồng thời sử dụng bom xăng, dao phóng, lựu đạn tấn công lực lượng cảnh sát cơ động, buộc lực lượng cảnh sát cơ động phải nổ súng trấn áp, bắt giữ. Quá trình trấn áp, các đối tượng đã đứng trên mái nhà Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Hợi phóng dao, ném bom xăng, lựu đạn vào lực lượng chức năng. Mặc dù lựu đạn không nổ nhưng do bị các đối tượng dùng dao phóng lợn, bom xăng tấn công khiến 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Phòng PCCC & CHCN (Công an TP Hà Nội) rơi xuống hố sâu khoảng 4m, giữa hai nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức khi họ cơ động từ nhà nọ sang nhà kia. Phát hiện các cán bộ, chiến sĩ rơi xuống hố, Lê Đình Chức đã nhiều lần đổ xăng xuống hố, châm lửa đốt khiến 3 cán bộ, chiến sĩ bị thiêu cháy, hy sinh. Quá trình trấn áp, phát hiện Lê Đình Kình cố thủ trong phòng với quả lựu đạn, kiên quyết không đầu hàng nên lực lượng cảnh sát đã nổ súng tiêu diệt. Toàn bộ đối tượng trong “tổ đồng thuận” bị bắt sau đó.  

Bản án thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, đúng người, đúng tội

Phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 bị cáo trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm được Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tiến hành từ ngày 7 đến 14-9-2020, dưới sự chứng kiến của các luật sư, cơ quan báo chí và một số tổ chức nước ngoài. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, trong số 29 bị cáo thì có 25 bị cáo bị truy tố về tội “Giết người” theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự; 4 bị cáo bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 330 Bộ luật Hình sự. Trong suốt quá trình thẩm vấn, điều tra, các cơ quan chức năng đã thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Trong buổi họp báo ngày 3-9-2020 tại Hà Nội, trước đông đảo phóng viên thuộc các cơ quan báo chí, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, đã nêu rõ: “Đây là vụ án phức tạp, nghiêm trọng, được dư luận quan tâm nên quá trình điều tra, thẩm vấn các nghi can đều được cơ quan chức năng làm rất thận trọng. Các buổi thẩm vấn các nghi can đều được ghi âm, ghi hình, có sự chứng kiến của đại diện viện kiểm sát, luật sư do các nghi can, thân nhân nghi can mời và luật sư do cơ quan chức năng chỉ định theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thẩm vấn các nghi can cũng có nhiều đối tượng đã dựng chuyện, bịa ra các chi tiết hoàn toàn không có thật trong các kết luận điều tra. Từ hành vi của các nghi can cho thấy, đây là nhóm tội phạm có tổ chức, một dạng tội phạm mới liên quan đến an ninh trật tự ở nông thôn…”.

Trực tiếp chứng kiến toàn bộ diễn biến của phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi thấy Hội đồng xét xử đã tiến hành các thủ tục, duy trì hoạt động xét xử bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật, hoặc vượt quá giới hạn cả về pháp lý và đạo lý của một số luật sư giữ quyền bào chữa tại phiên tòa như: Đòi triệu tập những người không liên quan đến vụ án; đòi thực nghiệm hiện trường đối với hành vi đổ xăng thiêu sống người của Lê Đình Chức, đòi xem xét về cái chết của ông Lê Đình Kình… đều bị tòa bác bỏ. Chiều 14-9-2020, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với 29 bị cáo. Trong đó, 6 bị cáo bị tuyên phạm tội “Giết người” với 2 án tử hình, 1 án chung thân và 3 án tù có thời hạn; 23 bị cáo bị tuyên phạm tội “Chống người thi hành công vụ”. Trong số này có 19 bị cáo được tòa xem xét và chuyển tội danh từ “Giết người” sang tội danh “Chống người thi hành công vụ”. Đã có 14 bị cáo được hưởng mức án treo và được trả tự do tại tòa.

Như vậy có thể thấy, bản án là nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, thượng tôn pháp luật và cũng rất nhân văn. Trong số 29 bị cáo nêu trên, có nhiều bị cáo rất manh động khi gây rối ở địa phương, có hành động hung hãn, côn đồ khi chống trả lực lượng chức năng. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã xem xét ở rất nhiều khía cạnh, vận dụng tối đa các tình tiết giảm nhẹ để các bị cáo có thể được hưởng mức án có lợi nhất. Vì vậy, việc một số đối tượng, một số cơ quan báo chí vốn thiếu thiện cảm với Việt Nam đã viết bài, đăng/phát các thông tin thiếu cơ sở về vụ án, hòng xuyên tạc bản chất vụ án, nói xấu cơ quan chức năng, với mục đích làm lung lạc lòng người, can thiệp vào hệ thống pháp luật của Việt Nam… là không thể chấp nhận.

(còn nữa)

TRẦN VŨ/QĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *