Bảo đảm quyền của lao động nữ ở Việt Nam
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ nói chung, quyền của lao động nữ nói riêng. Song, có một số người lại phủ nhận thực tế đó. Đấy chỉ là ý kiến lạc lõng của thiểu số mà thôi.
Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo vệ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật”1. Trong đó, có quyền của phụ nữ nói chung, quyền cho lao động nữ nói riêng. Thế nhưng, có một số người lại rêu rao rằng, ở Việt Nam không có bình đẳng giới, quyền cho lao động nữ không được bảo đảm, vẫn có sự chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ ở cùng một vị trí công việc; cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao thấp hơn so với nam giới; lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, v.v. Điều này không có cơ sở vì họ đã cố tình không nhận thấy bình đẳng giới và quyền cho lao động nữ ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, phụ nữ ngoài việc có đầy đủ các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền lao động và được bảo vệ, bảo đảm cuộc sống; khi tham gia quan hệ lao động thì lao động nữ còn được bảo đảm những quyền đặc thù riêng. Điều đó được bảo đảm cả trên phương diện luật pháp và trong thực tế.
Pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ lao động nữ với tư cách là bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực lao động. Điều này không chỉ nhằm bảo vệ sức lao động, quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của lao động nữ mà còn trên nhiều phương diện, như: việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, nhu cầu nghỉ ngơi,… thể hiện trên một số nội dung sau:
Thứ nhất, lao động nữ được bảo đảm bình đẳng về cơ hội làm việc, thu nhập, tiền lương không bị phân biệt đối xử. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và trong Bộ luật Lao động năm 2019. Khoản 2, Điều 16, Hiếp pháp năm 2013, quy định: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; khoản 1, Điều 26 quy định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”. Bộ luật Lao động quy định cụ thể về bình đẳng trong bảo đảm việc làm cho lao động nữ: Điều 5 quy định “Người lao động có các quyền sau đây: a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc,…”. Theo quy định này thì người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng có quyền lựa chọn công việc hợp lý, tùy vào sức khỏe và trình độ chuyên môn. Nhà nước có các chính sách bảo đảm về việc làm cho lao động nữ: Điều 135 quy định “Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định tại Điều 13 “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm,…”. Như vậy, luật pháp Việt Nam quy định rõ ràng: nam, nữ được đối xử bình đẳng, không phân biệt khi tuyển dụng lao động và đều có cơ hội việc làm ngang nhau. Trên thực tế cũng đúng như vậy. Đó là điều hiển nhiên, ai cũng biết, không cần phải chứng minh.
Bộ luật Lao động, quy định bình đẳng về tiền lương, không bị phân biệt đối xử của lao động nữ, bảo đảm, bảo vệ quyền cho lao động nữ: Điều 95 quy định “Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc”. Như vậy, người sử dụng lao động trả lương bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam, trả lương căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc. Nhà nước “Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên…”, họ đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử; “Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình” (Điều 135). Lao động nữ được bình đẳng về cơ hội đề bạt bổ nhiệm chức danh: Điều 13, Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh”.
Thứ hai, bảo đảm thời gian làm việc, nghỉ ngơi, quyền của lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ và bảo hiểm xã hội. Pháp luật hiện hành có nhiều quy định về thời gian nghỉ ngơi, quyền của lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ và bảo hiểm xã hội. Điều 137 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong một số trường hợp, như: mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý. Để bảo đảm sức khỏe sinh sản và nuôi con nhỏ, Bộ luật Lao động quy định cụ thể ngành nghề, thời gian làm việc đối với lao động nữ, cụ thể: làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Pháp luật bảo vệ quyền làm việc của lao động nữ khi kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản và nuôi con nhỏ và ưu tiên ký kết hợp đồng trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ. Đồng thời, có quy định để đảm bảo sức khỏe lao động nữ, như: lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc nhưng vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động2. Lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để bảo đảm sức khỏe của thai nhi, nếu có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Trong thời gian sinh con, lao động nữ được nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động: được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Trong thời gian nghỉ thai sản, được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền của lao động nữ, Bộ luật Lao động cũng quy định lao động nữ có thể trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, khi đã nghỉ ít nhất 04 tháng, nhưng phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất ở nơi làm việc phù hợp và phòng, chống việc quấy rối tình dục đối với lao động nữ. Đây là một yếu tố quan trọng trong bảo đảm quyền cho lao động nữ. Điều kiện cơ sở vật chất nơi làm việc được quan tâm, bảo đảm không ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động nữ. Khi điều kiện về cơ sở vật chất được bảo đảm, phù hợp, an toàn với sức khỏe, lao động nữ sẽ phát huy được sáng tạo, tăng năng suất lao động, yên tâm, tập trung vào công việc. Quy định của pháp luật hiện hành về cơ sở vật chất phù hợp với lao động nữ tại khoản 3, 4, Điều 136: “Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc. Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động”; được đảm bảo môi trường lao động an toàn, lành mạnh. Bộ luật Lao động năm 2019 quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động, khoản 3, Điều 8 quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động: Phân biệt đối xử trong lao động. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc…”. Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 12/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định tại Điều 84, 85, 86. Nghị định cũng quy định rõ thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc; quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đồng thời, quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách đối với lao động nữ và bình đẳng giới (Điều 87).
Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng bảo đảm quyền cho lao động nữ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào lĩnh vực lao động. Nhiều chính sách được ban hành mang tính đột phá như quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Nội dung bảo đảm quyền cho lao động nữ đã được lồng ghép trong rất nhiều chiến lược, chương trình, chính sách đã được ban hành. Phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế ngày càng nhiều hơn và có nhiều cơ hội để nhận việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn, góp phần quan trọng trong bảo đảm quyền cho lao động nữ ở Việt Nam.
Sự thực trên là minh chứng khẳng định, Việt Nam luôn bảo đảm tốt nhân quyền, quyền con người, nhất là quyền cho lao động nữ; đồng thời, là cơ sở đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, lợi dụng vấn đề nhân quyền, quyền con người, quyền cho lao động nữ để chống phá cách mạng Việt Nam.
Đại tá, TS. NGUYỄN HỮU PHÚC – Thượng tá, ThS. ĐỖ XUÂN ĐOÀI, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
_______________
1 – Điều 14, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
2 – Khoản 4, Điều 137, Bộ luật Lao động năm 2019.