BẢO VỆ, KHÓC THAN CHO ĐỐI TƯỢNG NGUYỄN LÂN THẮNG CHÍNH LÀ CỔ SÚY NHỮNG HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT

Ngày 12/4 vừa qua, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử kín sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lân Thắng (SN 1975, trú tại quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội) 6 năm tù giam và quản chế 2 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Lợi dụng sự việc này, các trang mạng phản động nước ngoài như: VOA tiếng Việt, BBC tiếng Việt, Việt Tân… cùng với một số đối tượng phản động lưu vong đồng loạt kêu gào, tát nước theo mưa, cho rằng việc Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xử kín phiên tòa sơ thẩm với Nguyễn Lân Thắng cho thấy “Nhà nước Cộng sản Việt Nam không muốn mất mặt trước quốc tế và dư luận”; cho rằng đối tượng là một “nhà yêu nước nồng nàn, công chính và vô tội”; và bản án 6 năm tù giam dành cho y là “oan sai, độc đoán”. Có thể nói, đây là thủ đoạn cũ mà các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước ta thường làm, nhưng rất nguy hiểm để cổ súy những hành vi vi phạm pháp luật, nhằm mục đích xuyên tạc, vu cáo, kích động chống phá, tạo tâm lý hoang mang, mất niềm tin của người dân đối với hệ thống luật pháp và chính quyền nước ta.

Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 13/6/2018 đến 31/12/2020, bị cáo Nguyễn Lân Thắng đã trực tiếp tham gia trả lời phỏng vấn các trang mạng, đăng tải lên Internet nhiều video có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc và chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó có 11 nội dung tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; 8 nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; 4 nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân… Ngoài ra, bị cáo Thắng còn tàng trữ 2 tài liệu dạng sách có 3 nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, 14 nội dung tuyên truyền thông tin bịa đặt, 12 nội dung xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân…

Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào có một trong những hành vi sau nhằm chống Nhà nước sẽ bị phạt tù 5 – 12 năm: Làm, tàng trữ, tán phát hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân hoặc có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân hoặc gây chiến tranh tâm lý. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng bị phạt tù 10 – 20 năm; người chuẩn bị phạm tội này bị phạt tù 1 – 5 năm. Như vậy, những hành vi của Nguyễn Lân Thắng đều vi phạm quy định tại Điều luật trên, nên bản án sơ thẩm mà Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên cho y là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Còn đối với việc Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử kín đối với bị cáo Nguyễn Lân Thắng là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Tại Khoản 3 Điều 103, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, tòa án nhân dân có thể xét xử kín”. Mặt khác, xét xử kín không có nghĩa là thiếu khách quan, thiếu dân chủ. Quá trình xét xử kín, hội đồng xét xử đã triệu tập đầy đủ các thành phần tham gia tố tụng. Tại phiên tòa này, ngoài luật sư, vợ của Nguyễn Lân Thắng cũng được tham gia. Quyền tranh tụng tại phiên tòa được thực hiện một cách dân chủ, bình đẳng. Ngoài ra, khi không đồng ý với bản án sơ thẩm thì bị cáo vẫn có quyền kháng cáo để tiếp tục giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Vì vậy, việc xét xử kín và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Lân Thắng là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Các trang phản động và các đối tượng cực đoan kêu gào, khóc than cho Nguyễn Lân Thắng chỉ là những những chiêu trò chống phá nhằm gây sức ép đối với chính quyền nước ta mà thôi.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp, phản biện mang tính xây dựng của tất cả mọi người. Nhưng ngược lại, với những kẻ chống phá đất nước như Nguyễn Lân Thắng thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với bản án nghiêm khắc. Từ những thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong cộng đồng về việc tiếp nhận và xử lý thông tin. Mỗi người cần biết cách nhận diện và chống thông tin xấu, độc, cùng nhau lan tỏa những thông tin tích cực, hạn chế, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và ổn định tình hình chính trị, xã hội của đất nước, xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh và văn minh.

(NQTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.